Theo dõi Báo Hànộimới trên

Truyền thống là sức mạnh để đổi mới

Châu Anh| 14/08/2015 07:53

(HNMO) - Cách đây 70 năm, ngày 15-8 tại Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại Tân Trào (Tuyên Quang), “Ban Giao thông chuyên môn” - tổ chức tiền thân của Ngành Bưu điện Việt Nam đã được thành lập.


Sự kiện này là mốc son lịch sử và ngày 15-8 trở thành ngày truyền thống của Ngành Bưu điện, nay là Bộ Thông tin và Truyền thông. Truyền thống hào hùng này đã đang được người VNPT hoàn thiện quá trình tái cấu trúc để tập đoàn hoạt động ngày một hiệu quả hơn…

Truyền thống hào hùng của người bưu điện

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ gian khổ nhưng oanh liệt, lực lượng cán bộ ngành Bưu điện ở cả hai miền Nam, Bắc đã không tiếc xương máu để giữ vững mạch máu thông tin, đảm bảo vận chuyển công văn, tài liệu cho Đảng và Nhà nước an toàn, bí mật. Đã có gần 10.000 CBCNV ngành Bưu điện đã anh dũng hy sinh trên khắp các chiến trường để hoàn thành nhiệm vụ, phục vụ cho sự nghiệp giái phóng đất nước.

Sau khi nước nhà thống nhất, CBCNV ngành Bưu điện đã nêu cao tinh thần sáng tạo, khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước phát triển mạng lưới bưu chính, viễn thông, phục vụ hiệu quả cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong thời kỳ đổi mới 1986-1992, Bưu điện Việt Nam (với các đơn vị Tổng Cục Bưu điện, Tổng Công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam) đã trở thành ngành tiên phong thực hiện đường lối đổi mới một cách sáng tạo với quyết sách “Đi thẳng vào công nghệ hiện đại, số hóa, đa dịch vụ”.

Tiếp đó, ngành thực hiện chiến lược “Tăng tốc độ phát triển và hiện đại hóa” cho giai đoạn 1993-2000. Kết quả là, mạng lưới viễn thông đã được số hóa, tự động hóa hoàn toàn, thị trường phát triển nhanh, nhiều dịch vụ mới được cung cấp cho xã hội, mở rộng vùng phục vụ, bắt đầu hình thành một số doanh nghiệp mới, tập dượt cạnh tranh, chuẩn bị cho mở cửa thị trường. Giai đoạn 2001-2010, chiến lược của ngành là “Hội nhập và phát triển” nhằm phát huy nội lực, tạo môi trường cạnh tranh sâu rộng trong nước để tiếp tục đổi mới công nghệ, mở rộng mạng lưới, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, hạ giá thành, tự tin và chủ động hội nhập quốc tế.

Thành tựu quan trọng của quá trình đổi mới chính là đổi mới cơ cấu tổ chức, tách riêng lĩnh vực quản lý nhà nước và sản xuất kinh doanh để nâng cao hiệu quả hoạt động. Bộ Bộ Bưu chính Viễn thông trước đây và nay là Bộ Thông tin và Truyền thông, thực hiện chức năng quản lý nhà nước, đề xuất xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, khuôn khổ pháp lý, hình thành thị trường cạnh tranh. Các doanh nghiệp hoạt động tự chủ, năng động, hình thành các Tập đoàn, Tổng công ty lớn, đóng góp chủ lực cho ngành, cho tăng trưởng KTXH của đất nước. Trong đó, VNPT với Vinaphone, VnPost, MobiFone... là những đơn vị chủ lực thúc đẩy thị trường phát triển. Với những thành tích đạt được, ngành vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập và nhiều tập thể, cá nhân được tặng thưởng các danh hiệu cao quý khác.

Đồng hành với những thành tựu to lớn là những thách thức không nhỏ đối với Ngành Thông tin và Truyền thông, nhất là trong bối cảnh thị trường cạnh tranh và yêu cầu hội nhập quốc tế. Toàn Ngành đang thực hiện quá trình tái cấu trúc theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong đó việc chia tách độc lập hai lĩnh vực truyền thống là Bưu chính và Viễn thông đã tạo cơ hội cho cả hai lĩnh vực cùng phát triển đồng đều. Lĩnh vực Viễn thông vừa duy trì sản xuất kinh doanh vừa tiến hành quá trình tái cấu trúc thành công với những bước chuyển biến ấn tượng. Tái cấu trúc VNPT với chiến lược trở thành nhà cung cấp dịch vụ - giải pháp hàng đầu; Thành lập Tổng công ty MobiFone; Điều chuyển các đơn vị thuộc VNPT để tăng cường hiệu quả hoạt động…; cùng với các doanh nghiệp mới tham gia thị trường, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế cũng như đảm bảo quốc phòng, an ninh.

VNPT và những thách thức

Từ những năm đổi mới đến thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI, VNPT luôn là lá cờ đầu của ngành bưu chính viễn thông, giữ vị trí số 1 trên thị trường. Nhưng khi VNPT đang trên đỉnh cao chiến thắng một đối thủ là Viettel đã vươn lên mạnh mẽ và những năm gần đây đã vượt qua VNPT. Nguyên nhân khiến VNPT thụt lùi so với Viettel được chỉ ra là do hoàn cảnh khách quan như cơ chế, chính sách bó buộc, mô hình tổ chức hoạt động lạc hậu, bộ máy cồng kềnh ngày càng kém hiệu quả… thì một điểm yếu được thẳng thắn nhìn nhận đó là dường như ngọn lửa nhiệt huyết, đam mê, sáng tạo của người VNPT không còn rực cháy như ngày xưa nữa, dù sự nghĩa tình, thủy chung vẫn thắm đượm ở VNPT. Trong khi đó cơ chế thị trường trong thời kỳ mở cửa cho viễn thông công nghệ thông tin đã diễn ra các cuộc cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Cơ hội không còn chỉ dành riêng cho VNPT và thách thức thì còn lớn hơn các đối thủ. Điều đó đặt ra yêu cầu tái cấu trúc, yêu cầu đổi mới mô hình hoạt động của VNPT.

Từ những năm 2010, khi VNPT có dấu hiệu bắt đầu “đuối sức” so với các đối thủ khác, VNPT đã thử nghiệm mô hình quản trị mới tại TP. Hồ Chí Minh. Công cụ được lựa chọn để thử nghiệm là “Thẻ cân bằng điểm – BSC” và hệ thống lương 3Ps được tính theo vị trí công việc, năng lực nhân viên và hiệu quả công việc. Mục tiêu của tái cấu trúc VNPT ngoài tìm kiếm mô hình hoạt động, mô hình quản trị hiện đại hiệu quả còn là tái cấu trúc lại con người, nghĩa là để mỗi cán bộ, nhân viên VNPT phải làm mới lại mình, phải thực sự thay đổi, lấy hiệu quả công việc để đánh giá năng lực. Thông điệp được truyền tải rõ ràng rằng trong thời gian tới sẽ không còn cảnh “ngồi nhầm ghế, hưởng nhầm lương”, không còn hưởng lương theo kiểu cào bằng, thâm niên, không còn cảnh 1 việc 3-4 người làm.

Cho đến khi áp dụng giai đoạn 1 quá trình tái cấu trúc VNPT tại 63 tỉnh, thành phố, chỉ trong vòng 1 năm, gần như các mục tiêu đã hoàn thành. Cụ thể, VNPT đã áp dụng phương pháp quản trị mới, hiện đại, hiệu quả và bước đầu chuyển đổi mô hình hoạt động mới, 17.000 lao động đã chuyển sang khối kinh doanh, các yêu cầu về thoái vốn khỏi 63 công ty liên kết, ngoài ngành được thực hiện quyết liệt, việc thành lập 3 tổng công ty trực thuộc được tiến hành nhanh chóng, đúng yêu cầu, lộ trình đặt ra…

Sau khi hoàn thành tái cấu trúc giai đoạn 1, từ đầu năm 2015 đến tháng 5-2015, VNPT đã hoàn thành quá trình xây dựng điều lệ, quy chế, nhân sự và ra quyết định thành lập 3 tổng công ty gồm: Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông (VNPT - Vinaphone), Tổng công ty Truyền thông (VNPT - Meida), Tổng công ty Hạ tầng mạng (VNPT - Net).

Tập đoàn VNPT đã chính thức bước vào giai đoạn 2 của lộ trình tái cơ cấu VNPT. Với sự ra đời của 3 tổng công ty nêu trên, hoạt động sản xuất - kinh doanh của Tập đoàn sẽ là một chuỗi giá trị từ “nội dung” đến “hạ tầng”, rồi tới “khách hàng”. Theo Chủ tịch HĐTV VNPT Trần Mạnh Hùng, đây là giai đoạn quan trọng mang tính thông mạch cho toàn bộ Tập đoàn cả về hạ tầng mạng lưới và hệ thống bán hàng xuyên suốt từ trên xuống dưới. Điều này giúp Tập đoàn khắc phục được rất nhiều tồn tại trước đây là sử dụng hạ tầng không hiệu quả, bộ máy chăm sóc khách hàng không hiệu quả, sử dụng đội ngũ kinh doanh không hiệu quả mặc dù lực lượng rất đông. “Giai đoạn 2 được khởi động đánh dấu công cuộc đổi mới sâu rộng lớn nhất từ trước đến nay của Tập đoàn, một sự đổi mới đến tận từng người lao động. Mô hình kinh doanh 3 lớp: dịch vụ - hạ tầng và kinh doanh theo kế hoạch phải tới năm 2020 mới hoàn thành, thì nay Tập đoàn đã làm được. Như vậy, Tập đoàn đã đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu sớm 5 năm so với dự kiến trước đây”, ông Hùng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cũng khẳng định, với việc thành lập 3 tổng công ty, có thể nói, Bộ Thông tin và Truyền thông và VNPT đã hoàn thành cơ bản Quyết định 888/QĐ-TTg ngày 10/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu Tập đoàn. Tái cấu trúc, vận hành theo mô hình mới, VNPT đứng trước thời khắc lịch sử là phải đổi mới, tái cơ cấu và phải có bước đột phá trong tăng trưởng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, tăng thu nhập của người lao động.

Quá khứ đang thúc giục, tương lai đang vẫy gọi mỗi người VNPT phải cố gắng hơn nữa, nỗ lực hơn nữa để tiếp nối truyền thống hào hùng, tiếp nối ngọn lửa đam mê cống hiến cho đất nước trong giai đoạn mới. VNPT cũng đang có nhiều thuận lợi khi quá trình tái cấu trúc của VNPT được Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đặc biệt ủng hộ, Lãnh đạo và cán bộ VNPT đồng lòng hướng tới mục tiêu lớn là trở lại vị trí số 1 năm xưa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyền thống là sức mạnh để đổi mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.