Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp

Hồng Sơn thực hiện| 24/08/2015 07:26

(HNM) - Luật Doanh nghiệp (DN) được thông qua cuối năm 2014, chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2015, nhưng đến nay cộng đồng DN vẫn phải mòn mỏi trông chờ văn bản hướng dẫn thực hiện.


Về vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (ĐKKD) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT).

- Bà có thể cho biết vì sao đến nay các văn bản hướng dẫn thi hành luật trên chưa ra đời? Thực tế đó có ảnh hưởng đến kết quả thu hút DN thành lập mới hay không?

- Ngay sau khi Luật DN 2014 được thông qua, Cục Quản lý ĐKKD đã nghiên cứu, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về đăng ký DN, phối hợp tích cực với các cơ quan, tổ chức để xây dựng nội dung dự thảo nghị định về đăng ký DN. Cuối tháng 5-2015, Bộ KH-ĐT đã có tờ trình Chính phủ về việc ban hành nghị định. Chính phủ đã yêu cầu hoàn tất các thủ tục để ban hành các nghị định hướng dẫn Luật DN trước ngày 15-9-2015.

Trong khi chờ đến thời gian trên, ngày 26-6-2015, Bộ KH-ĐT đã có Công văn số 4211 gửi Sở KH-ĐT các tỉnh, thành phố hướng dẫn áp dụng thống nhất quy định về đăng ký DN kể từ ngày 1-7-2015. Công văn này hướng dẫn chi tiết về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký DN nhằm bảo đảm người dân, DN cũng như cơ quan đăng ký kinh doanh có thể áp dụng các quy định của Luật DN 2014. Công tác đào tạo, hướng dẫn cán bộ ĐKKD cũng được triển khai liên tục trong nhiều tháng trước đó. Cục Quản lý ĐKKD thường xuyên tổng hợp các vấn đề vướng mắc, phân loại phương án hướng dẫn dưới mọi hình thức phù hợp: Bằng công văn, tổng hợp trả lời qua thư điện tử tới 600 cán bộ ĐKKD, trao đổi qua điện thoại, cử cán bộ xuống địa phương hướng dẫn trực tiếp trong suốt thời gian qua.

Nhờ vậy, những vướng mắc trong quá trình thực hiện luật đã cơ bản được giải quyết, bảo đảm hoạt động đăng ký DN không bị gián đoạn. Ngay trong tháng đầu thực hiện đăng ký DN theo quy định mới (từ ngày 1-7 đến 30-7-2015) cả nước có 7.662 DN được thành lập mới, với số vốn đăng ký 43.847 tỷ đồng, tăng 66,2% về số DN và tăng 49,4% về số vốn so với cùng kỳ năm ngoái. So cùng thời điểm của tháng trước (từ ngày 1 đến 30-6-2015), số DN thành lập mới cũng tăng 15,7%. Như vậy, tình hình đăng ký DN cả nước trong tháng đầu thi hành Luật DN tiếp tục duy trì tốc độ tăng cả về số DN thành lập và vốn đăng ký.

Các doanh nghiệp phải được tạo thuận lợi trong quá trình sản xuất, kinh doanh là mục tiêu của Luật Doanh nghiệp 2014. Ảnh: Viết Thành


- Có ý kiến cho rằng, DN vẫn e ngại về quyền tự do kinh doanh, nhất là vấn đề liên quan đến những ngành nghề chưa quy định trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam hay việc hiểu và sử dụng con dấu của DN… Bà giải thích thế nào về vấn đề này?

- Quyền tự do kinh doanh của người dân, DN là quyền hiến định đã được hiện thực hóa tại Luật DN 2014. Luật này quy định một trong các quyền của DN là được "tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm". Việc DN đăng ký ngành, nghề mới chưa được ghi cụ thể trong hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam (VSIC) là một khả năng có thể xảy ra, nhưng đã được dự liệu trước, bởi đời sống kinh tế luôn phát triển đa dạng không ngừng. Trong dự thảo nghị định về đăng ký DN đã có quy định rõ theo hướng khi DN đăng ký ngành, nghề chưa có trong VSIC thì cơ quan ĐKKD vẫn ghi nhận ngành, nghề đó cho DN và thông báo cho Bộ KH-ĐT để bổ sung ngành, nghề đó vào VSIC. Điều này rõ ràng không ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của DN.

Mặt khác, DN có quyền tự quyết hoàn toàn về nội dung, hình thức, việc sử dụng và quản lý con dấu. Đây cũng là quy định có tính cải cách đột phá so với trước kia. Do đó, việc một số đơn vị có thể cảm thấy bỡ ngỡ trước thay đổi lớn này cũng là điều dễ hiểu. Để vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu này, người dân và DN cần hiểu rằng, Luật DN đã trao quyền tự quyết cho DN về nội dung, hình thức, số lượng cũng như việc quản lý và sử dụng con dấu. Nhưng, nghĩa vụ của DN trước khi sử dụng con dấu là phải thông báo mẫu dấu tới cơ quan đăng ký kinh doanh để công khai trên Cổng thông tin đăng ký DN quốc gia. Nghĩa là, DN tự quyết định về thời điểm có hiệu lực của con dấu, theo đó con dấu có thể có hiệu lực ngay tại thời điểm DN gửi thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc một thời điểm khác do DN tự xác định.

- Theo bà, tác động đối với việc đăng ký DN sau khi văn bản hướng dẫn ra đời sẽ như thế nào?

- Luật DN được ban hành với mục tiêu cao nhất là đưa DN trở thành một công cụ kinh doanh an toàn, hấp dẫn hơn và ít tốn kém hơn cho các nhà đầu tư, để qua đó tăng cường thu hút, huy động hơn nữa mọi nguồn lực và vốn đầu tư vào SXKD. Đồng thời, trên cơ sở các quy định tại Luật DN 2014 cũng như khắc phục những điểm bất cập của các quy định hiện hành và thể chế hóa các vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn. Dự thảo nghị định về đăng ký DN sẽ tiếp tục bám sát tinh thần cải cách của Luật DN.

Với những nội dung, quy định mang tính cải cách như vậy, tôi tin rằng Luật DN 2014 cũng như các văn bản hướng dẫn của luật khi được ban hành sẽ hoàn thiện hơn nữa khung pháp lý cho các DN hoạt động; tạo thuận lợi cho DN gia nhập thị trường, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta.

- Xin cảm ơn bà. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.