Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao khó phát triển thị trường giày, dép nội địa?

Thanh Hiền| 26/08/2015 06:56

(HNM) - Ngành da giày Việt Nam đang đứng trong nhóm 4 nước sản xuất giày, dép lớn nhất thế giới về số lượng, với giá trị xuất khẩu trung bình đạt hơn 10 tỷ USD/năm.


Tuy nhiên, thị trường giày, dép "nội" lại đang bị bỏ ngỏ khi các sản phẩm nhập ngoại chiếm tới 60% thị phần. Sự ủng hộ của người tiêu dùng trong nước dường như chưa đủ giúp sản phẩm giày, dép "Made in Vietnam" chiếm lĩnh thị trường, do sản xuất hàng "nội" đòi hỏi đầu tư lớn, nguy cơ tồn kho cao, trong khi quy mô thị trường lại nhỏ.

Theo Hiệp hội Da - giày - túi xách Việt Nam, ngành công nghiệp da giày lâu nay chủ yếu là gia công, lại thiếu quy hoạch phát triển ngành công nghiệp phụ trợ nên các doanh nghiệp (DN) trong nước chưa thể chủ động trong chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, nâng cao giá trị gia tăng và giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập ngoại. Hằng năm, lượng tiêu thụ sản phẩm giày, dép trên thị trường nội địa đạt khoảng 150 triệu đôi.

Giày, dép da nội địa đang thua trên sân nhà. Ảnh: Giang Sơn


Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là con số lớn, hơn nữa sản phẩm giày dép "Made in Vietnam" tiêu thụ trên thị trường chủ yếu thuộc phân khúc thấp và trung cấp. Sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp có nhưng ít và hiện vẫn bị lép vế trước các thương hiệu lớn trên thế giới. Lý giải của các chuyên gia trong ngành cho thấy, sở dĩ lượng tiêu thụ sản phẩm giày, dép trên thị trường nội địa chưa có chuyển biến lớn là do dung lượng thị trường nhỏ, số lượng tiêu thụ ít nhưng đòi hỏi đầu tư cho mẫu mã rất lớn, quay vòng vốn nhanh, khả năng tồn kho cao vì vậy tiềm ẩn nhiều rủi ro cho DN.

Bên cạnh đó, sản phẩm giày, dép "nội" còn phải chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ mặt hàng cùng loại nhập khẩu từ Trung Quốc, do nước này có vùng nguyên liệu đáp ứng đầy đủ nhu cầu của DN, đồng thời việc họ thay đổi mẫu mã rất đơn giản. Mặt khác, do Nhà nước chưa có bất cứ rào cản kỹ thuật nào đối với các sản phẩm giày, dép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam cũng là một trong những nguyên nhân khiến sản phẩm giày, dép "nội" chịu sự cạnh tranh bất bình đẳng trước hàng nhập khẩu cùng chủng loại ngay tại "sân nhà"...

Thực tế cho thấy, xu hướng tiêu dùng nội địa đối với sản phẩm giày, dép là cơ hội tốt cho các DN trong ngành tối đa hóa lợi nhuận, thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm và cạnh tranh với hàng ngoại cùng chủng loại. Với mức tiêu thụ bình quân tăng khoảng 8%/năm trong những năm tới thì lượng giày, dép tiêu thụ tăng khoảng hơn 10 triệu đôi/năm. Như vậy, đến năm 2020 tiêu thụ giày, dép tại thị trường trong nước dự báo tăng lên mức 355 triệu đôi. Khi đó, thị trường nội địa sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển cho các DN sản xuất trong ngành.

Nhận thức được giá trị của thương hiệu và những vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, lợi ích của DN ngành da giày khi hội nhập kinh tế thế giới, nhất là khi các Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương cũng như Hiệp định Tự do thương mại giữa Việt Nam với các nước trong khối EU… được ký kết, nhiều DN da giày lâu nay chuyên làm gia công hàng xuất khẩu nay đã quay trở lại thị trường nội địa để tập trung xây dựng thương hiệu, tạo vị trí vững chắc tại "sân nhà", sau đó mới phát triển ra thị trường thế giới.

Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn nhất mà DN da giày đang gặp phải trong xuất khẩu và xây dựng thương hiệu là chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu cho sản xuất. DN không chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước, mà phải nhập khẩu tới 75-80% nguyên liệu. Bên cạnh đó, trình độ công nghệ, nhân lực cho ngành da giày còn nhiều hạn chế; sản phẩm của DN ngay khi rời xưởng ra thị trường đã phải đối mặt với nạn hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng và sự xâm nhập ồ ạt của hàng Trung Quốc.

Để ngành da giày phát triển bền vững, theo Hiệp hội Da - giày - túi xách Việt Nam, cần phải thực hiện theo lộ trình, trước hết là tạo dựng được thương hiệu, chủ động nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng, cung cấp được những sản phẩm thị trường cần; đồng thời, xây dựng chiến lược, phát triển dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt nhất để giành lại thị phần tại "sân nhà". Ngành da giày đang tập trung triển khai hàng loạt giải pháp quan trọng nhằm phát triển vùng nguyên phụ liệu và công nghiệp phụ trợ, phấn đấu trong năm nay sẽ đạt mức nội địa hóa 65-75%; mở rộng đầu tư nhằm nâng cao năng lực sản xuất, với 250-300 DN mới chuyên sản xuất giày, gò ráp có công suất 3-5 triệu mũ giày/nhà máy. Hiệp hội cũng kiến nghị Chính phủ xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn giúp DN ngành da giày vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa bảo vệ người tiêu dùng. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao khó phát triển thị trường giày, dép nội địa?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.