Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tục kiểm tra chuyên ngành: Làm khó doanh nghiệp!

Hương Ly| 29/08/2015 07:06

(HNM) - Theo Tổng cục Hải quan (TCHQ), hiện có 259 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK).


Hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến kiểm tra chuyên ngành (KTCN) quá nhiều, nhưng thiếu đồng bộ và chưa phù hợp với thông lệ quốc tế đã khiến doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn khi hoàn thành thủ tục thông quan hàng hóa. Cắt giảm những thủ tục bất hợp lý nhằm tiết giảm hơn nữa thời gian, chi phí là mong muốn của cộng đồng DN tham gia hoạt động XNK.

Thủ tục rườm rà, doanh nghiệp tốn phí

Tại hội thảo về "Đơn giản hóa thủ tục KTCN đối với hàng hóa XNK" do TCHQ tổ chức mới đây tại Hà Nội, có rất nhiều phản ánh của DN liên quan đến các thủ tục KTCN như: Nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này đã lạc hậu nhưng chưa được điều chỉnh, nhiều trường hợp một mặt hàng phải áp dụng nhiều chính sách quản lý và thuộc diện quản lý của nhiều bộ, ngành…

Hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến kiểm tra chuyên ngành quá nhiều và chưa đồng bộ khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi thông quan hàng hóa. Ảnh: Bảo Kha


Đại diện Hiệp hội Dệt may (VITAS) nêu ý kiến, nhiều DN hàng năm nay không vi phạm, nhưng khi nhập khẩu vải nguyên liệu vẫn bị kiểm tra liên tục theo Thông tư 32 của Bộ Công thương về hàm lượng formaldehyt. Nói là kiểm tra xác suất, nhưng một container đã mở ra kiểm tra thì dù là 10, 20 hay 50 mét vải vẫn phải chịu phí 2 triệu đồng. Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng than phiền về Thông tư 48/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khiến cho việc kiểm tra theo lô hàng diễn ra liên tục.

Một container thủy sản đông lạnh được thu mua từ rất nhiều nhà cung cấp, cứ mỗi nhà cung cấp lại coi là một lô, thế thì một container gồm bao nhiêu lô? Đã vậy, Thông tư quy định mỗi lô chỉ sản xuất trong 24 giờ, chẳng hạn 300 tấn cá tra vớt lên từ ao, nhưng công suất nhà máy chỉ có 150 tấn một ngày, nên DN phải làm 2 ngày, vậy là tính 2 lô. Hơn nữa, theo Luật An toàn thực phẩm, cơ quan nhà nước yêu cầu kiểm tra để bảo đảm yêu cầu quản lý thì cơ quan đó phải trả tiền, nhưng Thông tư 48 lại bắt DN phải trả hết số tiền đó...

Đại diện Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng An Đô tính toán, mỗi năm DN phải chi khoảng 700 triệu tới 1 tỷ đồng tiền KTCN với mặt hàng vải nhập khẩu. Việc kiểm tra được lặp đi, lặp lại ngay cả với những mẫu hàng giống hệt nhau. Có trường hợp DN chỉ nhập 5 tấn vải, nhưng kiểm tra tới 10 mẫu, mất 10 triệu đồng, nhập vài bao chăn nhưng kiểm tra 3 mẫu, mất 3 triệu đồng nên DN ngại nhập đường chính thống là vì vậy. Đại diện Công ty Hòa Phát cũng cho biết, để nhập một động cơ dự phòng có giá chỉ 2-3 triệu đồng, nhưng chi phí kiểm tra để dán nhãn năng lượng đến 6-7 triệu đồng. Hơn nữa, cũng không có quy định nào về thời hạn trả kết quả kiểm tra, trong khi DN chỉ được nợ hồ sơ tại cơ quan hải quan trong 60 ngày.

Phải loại bỏ quy định chồng chéo

Trước thực trạng thủ tục KTCN làm khó DN, ông Ngô Minh Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (TCHQ) nhận định: Hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến KTCN quá nhiều nhưng chưa đầy đủ, chưa phù thông lệ quốc tế. Hiện, có tới 259 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng, gồm 19 luật, pháp lệnh; 54 nghị định, chỉ thị; 186 thông tư, quyết định liên quan đến KTCN. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã lạc hậu, nhưng chưa được điều chỉnh. Trong nhiều trường hợp, một mặt hàng thuộc diện quản lý của nhiều bộ, ngành… gây khó khăn cho DN trong việc hoàn thành thủ tục thông quan hàng hóa và cơ quan hải quan chịu tiếng gây phiền hà.

Báo cáo của Chi cục Hải quan cảng Hải Phòng khu vực I cho thấy, tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải KTCN so với tổng số tờ khai nhập khẩu năm 2014 là 42,2%, 6 tháng đầu năm 2015 là 44,56% (tăng 2,36% so với 2014). Tại Chi cục Hải quan Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, tỷ lệ các lô hàng phải thực hiện thủ tục quản lý chuyên ngành là 30-35% tổng số lô hàng xuất nhập khẩu. Số lượng lô hàng phải thực hiện thủ tục quản lý chuyên ngành 6 tháng đầu năm 2015 tăng mạnh, bằng 78% đối với hàng xuất khẩu, 80% đối với hàng nhập khẩu so với cả năm 2014...

Ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia dự án GIG (dự án quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ) cho rằng: Quy định về KTCN tản mạn, không rõ ràng, dẫn đến cách hiểu, cách giải thích, áp dụng khác nhau. Trên thực tế, có những mặt hàng phải "cõng" nhiều quy định khác nhau, thuộc thẩm quyền của nhiều đơn vị ngay trong một bộ hoặc nhiều bộ, như chè, cà phê, dầu cá, nguyên liệu sữa, tơ tằm… Có những ngành sản xuất mà hầu hết các mặt hàng XNK thuộc diện quản lý KTCN. Đây là gánh nặng thủ tục hành chính rất lớn đối với DN.

Ghi nhận những ý kiến góp ý của các DN, TCHQ cho biết từ nay đến cuối năm sẽ có những giải pháp đột phá để tạo sự thay đổi có tính cải cách trong công tác quản lý, KTCN đối với hàng hóa XNK. Hiện, đề án "Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động KTCN đối với hàng hóa XNK" đang được TCHQ hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 9-2015. Tuy nhiên, để tiết kiệm thời gian, chi phí cho DN, các ngành chức năng cần thực hiện nghiêm Nghị quyết 19/CP của Chính phủ, qua đó xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng.

Theo Nghị quyết 19/CP, phải cải cách toàn diện các quy định về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ XNK phù hợp với thông lệ quốc tế, chuyển mạnh sang hậu kiểm. Năm 2015, thời gian hàng hóa XNK giao lưu qua biên giới đạt mức tối đa 13 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu, 14 ngày với hàng hóa nhập khẩu. Năm 2016, giảm thời gian hoàn thành thủ tục xuất khẩu xuống còn dưới 10 ngày và thời gian nhập khẩu xuống còn dưới 12 ngày.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thủ tục kiểm tra chuyên ngành: Làm khó doanh nghiệp!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.