Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp thờ ơ, né tránh

05/09/2015 07:05

(HNM) - Gần 4.000 tỷ đồng là số tiền đã được Ban chỉ đạo (BCĐ) 389 quốc gia thu hồi, nộp ngân sách nhà nước (NSNN) qua công tác chống buôn lậu (CBL), gian lận thương mại (GLTM) từ khi thành lập. Trao đổi với Báo Hànộimới, ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (TCHQ),



- Nhiều đường dây, ổ nhóm buôn lậu đã được BCĐ 389 quốc gia phát hiện bắt giữ, qua đó góp phần hoàn thành tốt vai trò "gác cổng nền kinh tế". Ông có thể chia sẻ đôi nét về những chiến công này?

- Theo BCĐ 389 quốc gia, 7 tháng qua, ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ 11.498 vụ vi phạm, giá trị hàng hóa vi phạm ước tính 118.920 tỷ đồng, thu nộp NSNN 90 tỷ 524 triệu đồng. Cơ quan hải quan cũng đã khởi tố 9 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác khởi tố 42 vụ hình sự. Từ khi thành lập tới nay, gần 130.000 vụ vi phạm đã được lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, qua đó truy thu, nộp NSNN gần 4.000 tỷ đồng. Lực lượng chức năng đã khởi tố trên 800 vụ và bắt giữ gần 1.000 đối tượng. Số lượng vụ vi phạm đã được phát hiện, bắt giữ khá lớn, song tình hình vẫn khá phức tạp. BCĐ 389 đã xác định các địa bàn trọng điểm về buôn lậu gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng, An Giang, Đồng Tháp… Các mặt hàng trọng điểm là ma túy, vũ khí, tài liệu phản động, động vật hoang dã, vàng, ngoại tệ… Đối tượng vi phạm ngoài doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cư dân biên giới còn có cả những cá nhân xuất nhập cảnh.

- Là người trực tiếp tham gia chỉ đạo nhiều chuyên án, theo ông công tác CBL, GLTM của BCĐ 389 đang gặp phải những khó khăn gì?

- Việc nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm và chính quyền cơ sở chưa vào cuộc đã khiến hoạt động CBL, GLTM gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, việc triển khai các kế hoạch đấu tranh của các lực lượng chức năng chủ yếu mang tính đơn lẻ, cục bộ nên chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống. Đặc biệt, sự thờ ơ của các doanh nghiệp trong nước khi hàng hóa của mình bị làm nhái, làm giả cũng là sự thực đáng buồn. Bởi, thay vì hợp tác chặt chẽ với lực lượng chức năng để đấu tranh làm rõ hành vi này, các doanh nghiệp lại có biểu hiện né tránh do sợ ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm.

- Vậy lời giải cho những khó khăn này là gì trong khi tình hình buôn lậu, GLTM đang ngày càng phức tạp, khó lường, thưa ông?

- Để khắc phục những điểm yếu này, đề án thành lập Phòng Chỉ huy trực tuyến, kết nối và tích hợp các hệ thống dữ liệu quản lý giám sát hải quan đã được xây dựng và đang trong quá trình chạy thử nghiệm. Với hệ thống này, cơ quan CBL, GLTM sẽ kiểm soát, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận, vận chuyển trái phép hàng hóa ngay từ khu vực cửa khẩu hay điểm nóng về buôn lậu. Cùng với mục tiêu "không có vùng cấm" trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, GLTM của Chính phủ, TCHQ cũng vừa có chỉ thị sẽ xử lý nghiêm những hành vi nhũng nhiễu, làm khó doanh nghiệp. Những động thái quyết liệt này của BCĐ 389, TCHQ sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của công tác chống buôn lậu, GLTM thời gian tới.

- Gần đây, dư luận rất quan tâm đến vụ bắt giữ 1.300 con cá sấu tại khu vực biên giới thuộc tỉnh Quảng Ninh. Ông có thể thông tin thêm về điều này?

- Gần đây, một số cơ quan báo chí đưa thông tin về việc này, song phản ánh chưa đúng, thông tin một chiều, chưa phản ánh đúng công việc của các lực lượng chức năng. Tình hình kiểm soát hàng xuất khẩu liên quan đến động vật hoang dã như: Tê tê, vảy tê tê, ngà voi, sừng tê, cá sấu đang có nhiều diễn biến phức tạp… Trên cơ sở đó, BCĐ 389 quốc gia đã triển khai các lực lượng chức năng tiến hành trinh sát và bắt giữ lô hàng cá sấu nêu trên.

Đến thời điểm này, bước đầu có đủ yếu tố cấu thành hành vi vận chuyển trái phép qua biên giới. Bởi, lô hàng này vận chuyển lúc 3h tại khu vực biên giới mà không có giấy tờ gì. Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) và Cục Điều tra CBL (thuộc TCHQ) đã kết luận có dấu hiệu vi phạm nhưng không lớn và chuyển cho BCĐ 389 Quảng Ninh điều tra. Ngày 28-8, Viện KSND tỉnh Quảng Ninh đã chính thức yêu cầu cơ quan điều tra tiếp nhận, xem xét khởi tố hành vi vận chuyển trái phép hàng qua biên giới.

- Thông tin về hoạt động CBL, GLTM luôn được người dân đặc biệt quan tâm. Vậy tới đây, công tác công khai thông tin về hoạt động của lực lượng chức năng sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?


- Luật Hải quan sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-1-2015 với nhiều nội dung cải cách hiện đại hóa hải quan. Sau thời gian thực hiện những kết quả đạt được trong việc tạo điều kiện cho xuất nhập khẩu và đầu tư qua đó hỗ trợ tích cực cho hoạt động CBL, GLTM. Dự kiến hằng quý, Văn phòng BCĐ 389 sẽ giao ban về chuyên đề CBL và GLTM để thông tin về hoạt động bắt giữ của lực lượng 389 trung ương và địa phương, qua đó thông tin kịp thời tới người dân và doanh nghiệp.

- Xin cảm ơn ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp thờ ơ, né tránh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.