Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khoa học, công nghệ là nền tảng để phát triển bền vững

Gia Khoa| 08/10/2015 07:01

(HNM) - Trong mục tiêu tổng quát chiến lược phát triển, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đã nhấn mạnh việc phải xây dựng một tiềm lực khoa học, công nghệ mạnh bằng những giải pháp đột phá.


Những năm qua, việc không ngừng phát triển, nâng cao tiềm lực KHCN dầu khí, tiếp nhận thành tựu KHCN mới, làm chủ và cải tiến công nghệ, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) đã mang lại kết quả lớn cho Tập đoàn và các đơn vị thành viên. Ngành Dầu khí hiện được coi là đang triển khai ứng dụng những công nghệ hiện đại nhất so với các ngành công nghiệp khác ở trong nước. Cách làm đó đã tạo sự gắn kết KHCN với công nghiệp dầu khí, thúc đẩy sự hình thành, triển khai các công trình nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ, gắn kết nghiên cứu với ứng dụng KHCN trong hoạt động SXKD. Cùng với việc xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật từng bước được nâng cao cả về số lượng cũng như chất lượng, việc đầu tư cơ sở vật chất cho KHCN tại PVN cũng được coi trọng với các trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, đủ để phục vụ cho công tác phân tích, nghiên cứu cho chuỗi hoạt động dầu khí…

Khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ. Ảnh: Hà Thái


Hiện nay, KHCN đã được áp dụng ở tất cả các lĩnh vực hoạt động SXKD của Tập đoàn, đặc biệt là trong nghiên cứu tập trung vào các hướng chuyên môn, chuyên ngành. Đặc biệt, công tác nghiên cứu điều tra cơ bản về dầu khí được Tập đoàn chú trọng triển khai. Kết quả nghiên cứu được coi là cơ sở khoa học tin cậy trong việc xây dựng chiến lược phát triển dài hạn của Tập đoàn, giúp đưa ra chủ trương đúng trong hoạt động SXKD, đồng thời còn giúp các bộ, ngành quy hoạch phát triển kinh tế đất nước… Với những thành tựu đó, đội ngũ KHCN ngành Dầu khí đã vinh dự được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng "Giải thưởng Hồ Chí Minh" cho cụm công trình "Tìm kiếm, phát hiện và khai thác các thân dầu trong đá móng granitoid trước Đệ tam, bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam".

Tuy nhiên, nền tảng KHCN của Tập đoàn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với vị thế. Nguồn nhân lực KHCN cấp trung của Tập đoàn hiện đáp ứng yêu cầu, nhưng cán bộ chuyên gia đầu ngành còn mỏng; đào tạo chuyên sâu, phát triển chuyên gia chưa được quan tâm đúng mức; chưa huy động hết tiềm năng của nguồn nhân lực KHCN phục vụ cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Hoạt động hợp tác quốc tế của PVN còn dàn trải…

Như vậy, cái được và chưa được trong hoạt động KHCN của PVN đã được đánh giá khách quan, song để giải quyết thấu đáo cần phải có những giải pháp quyết liệt và bước đi cụ thể. Trong đó, quan trọng nhất là cơ chế chính sách đầu tư phát triển KHCN, cụ thể là sử dụng hiệu quả Quỹ Phát triển KHCN. Tiếp đó là cần xây dựng các chính sách, tiêu chuẩn và quy hoạch chuyên gia, tăng cường đào tạo chuyên gia, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp để làm chủ công nghệ cùng với việc phân bổ nguồn lực xứng đáng cho công tác này.

Một số giải pháp khác cũng cần được mạnh dạn thực hiện là việc luân chuyển các cán bộ KHCN trong quy hoạch chuyên gia giữa cơ sở SXKD với cơ sở nghiên cứu khoa học; tăng cường thuê chuyên gia nước ngoài thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm cho đội ngũ KHCN dầu khí; khuyến khích nghiên cứu, phát triển, đầu tư thử nghiệm, chuyển đổi và ứng dụng các công nghệ mới... Việc xây dựng năng lực quản lý công nghệ, có tầm quan trọng sống còn đối với một tập đoàn kinh tế kỹ thuật như PVN. Điều này làm tăng tốc độ của quá trình tiếp thu, phổ biến công nghệ nhập, tăng được khả năng lựa chọn công nghệ một cách độc lập, giúp hoàn thiện, cải tiến các kỹ thuật đã được chọn và dần tạo ra được các công nghệ nội sinh - yếu tố cần thiết để tạo nên thành công.

Bộ Công thương, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và PVN vừa tổ chức hội nghị "Triển khai kế hoạch thực hiện lộ trình phân phối xăng E5 RON 92 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế". Theo đó, từ ngày 1-9-2015, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai phân phối xăng sinh học E5 cùng với xăng khoáng RON 92 và RON 95 tại tất cả các cửa hàng thuộc Công ty Xăng dầu dầu khí Thừa Thiên Huế; Công ty Xăng dầu Quân đội khu vực II; Công ty Xăng dầu Thừa Thiên Huế trên địa bàn tỉnh.

Từ ngày 1-11-2015: 100% các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn sẽ tham gia phân phối xăng sinh học E5 thay thế hoàn toàn xăng khoáng RON 92, lưu hành song song cùng xăng khoáng RON 95 (trước lộ trình quy định của Chính phủ 1 tháng). Tỉnh cũng đặt ra kế hoạch đến ngày 1-12-2017: 100% các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn sẽ tham gia phân phối xăng sinh học E10 song song cùng xăng khoáng RON 95. Vì vậy, việc đưa xăng sinh học E5 RON 92 ra thị trường trước lộ trình của Chính phủ là hoàn toàn phù hợp với xu thế chung về bảo vệ môi trường; đồng thời là biện pháp hỗ trợ nông dân trồng sắn có thu nhập ổn định, không phụ thuộc vào thị trường nước ngoài ép giá đối với người trồng sắn.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khoa học, công nghệ là nền tảng để phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.