Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội nhập đòi hỏi bản lĩnh của mỗi doanh nhân

Hồng Sơn| 13/10/2015 06:51

(HNM) - Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào đời sống kinh tế quốc tế. Hội nhập mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đem đến không ít áp lực.


Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10, PV Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Các DN vừa và nhỏ TP Hà Nội về hoạt động sản xuất, kinh doanh của đội ngũ DN Thủ đô cũng như một số vấn đề liên quan. Ông Mạc Quốc Anh cho biết:

Các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố ngày càng lớn mạnh, góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Ảnh: Nhật Nam


- Những năm qua, KT-XH cả nước nói chung và Thủ đô nói riêng có những bước phát triển tích cực. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, cộng đồng DN Hà Nội đã chủ động, với tinh thần tích cực, triển khai đồng bộ các giải pháp trên tất cả các lĩnh vực. Bức tranh phát triển kinh tế, nhất là mức tăng trưởng GDP trong 9 tháng năm 2015 cao hơn hẳn cùng kỳ các năm qua đã chứng minh sự đóng góp đầy ý nghĩa của DN Hà Nội. Nhiều DN trên địa bàn đã lớn mạnh không ngừng, góp phần không nhỏ cho KT-XH Thủ đô. Hiện, khu vực DN dân doanh đóng góp hơn 80% vào ngân sách và thể hiện vai trò quan trọng nền kinh tế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Hiện, DN vừa và nhỏ chiếm hơn 90% tổng số DN trên địa bàn, thu hút gần một triệu lao động và đóng góp gần 40% GDP của thành phố.

- Theo ông, đâu là những vấn đề đối với DN trong bối cảnh hội nhập quốc tế?

- Nền kinh tế đang hội nhập sâu vào đời sống kinh tế quốc tế, nước ta đã gia nhập WTO cùng nhiều tổ chức khác, nhất là sắp tham gia TPP. Quá trình hội nhập đặt ra yêu cầu đẩy mạnh cải cách để có thể phát triển. Áp lực hội nhập đương nhiên xuất hiện, nhưng cũng là một thời cơ nếu biết tận dụng, khai thác hợp lý. Đặc biệt, đó là sức ép để mỗi đơn vị kinh doanh tự mình thực hiện cải cách, nhằm tồn tại trên thương trường. Nếu chúng ta thấy khó, thoái lui thì ta sẽ tụt lại. Để hội nhập kinh tế quốc tế, DN cần tiếp tục đổi mới công nghệ, thiết bị, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh. Ở đây, lại càng đòi hỏi trình độ, sự nhanh nhạy và bản lĩnh của mỗi doanh nhân.

- Theo ông, DN Hà Nội đang bộc lộ những điểm yếu gì và cần làm gì để khắc phục?

- Điểm yếu của các DN hiện nay cơ bản là nội lực yếu do thiếu vốn, thiếu công nghệ hiện đại, hoặc thiếu mặt bằng sản xuất. Ngoài ra, nhiều đơn vị cũng đối diện với sự hạn chế về năng lực quản trị, khoa học - công nghệ cũng như một số vấn đề quan trọng gồm tiếp thị, đội ngũ nhân công, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin…

Để khắc phục những tồn tại trên không dễ. Hơn bao giờ hết, đội ngũ DN cần sự hỗ trợ, tạo cơ chế ổn định, thông thoáng và dễ thực hiện từ các cấp chính quyền, hệ thống cơ quan quản lý. Nhưng quan trọng và mang tính quyết định vẫn là nỗ lực của mỗi DN. Những biện pháp cần thực hiện để nâng cao sức cạnh tranh gồm đầu tư cho công nghệ mới, nâng cao kỹ năng quản lý và tập trung nghiên cứu, đưa ra thị trường những sản phẩm có giá trị gia tăng cao... Đặc biệt, mỗi doanh nhân, DN cần tự ý thức về nguy cơ tụt hậu để vươn lên, hoàn thiện mình, xứng tầm với yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.

- Ông đánh giá thế nào về sự hỗ trợ của chính quyền đối với DN?

- Những năm qua, TP Hà Nội đã có nhiều hoạt động tích cực hỗ trợ DN phát triển trong điều kiện kinh tế còn khó khăn. Cụ thể, lãnh đạo thành phố thường xuyên đối thoại với DN và chủ động cải cách hành chính, trên cơ sở tiết giảm thời gian thực hiện các thủ tục thuế, hải quan... Hà Nội cũng chủ động phối hợp với các bộ, sở, ngành để tháo gỡ khó khăn cho DN trong từng lĩnh vực cụ thể, thiết thực với doanh nghiệp như tín dụng, hỗ trợ đầu tư...

Hằng năm, thành phố và Sở Công thương đều tổ chức các sự kiện, tạo cơ hội giao lưu, tìm thị trường để DN đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Công tác xúc tiến, hướng dẫn DN tiếp cận thị trường ngoài nước cũng được quan tâm, với sự hưởng ứng và đồng thuận của các đơn vị, góp phần làm phong phú thêm đời sống sản xuất kinh doanh trên địa bàn...

Thời gian tới, thành phố tiếp tục đẩy mạnh việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động như xúc tiến thương mại ngoài nước; hỗ trợ về tài chính cần tập trung cho mục tiêu phát triển ngành Cơ khí, để trở thành thế mạnh của Thủ đô.

Hiện, giá thuê đất ở Hà Nội còn cao so với các tỉnh lân cận, nên điều kiện thu hút đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh còn khó khăn. DN mong muốn thành phố xem xét giá thuê đất hằng năm một cách toàn diện, phù hợp với thực tiễn.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi! 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hội nhập đòi hỏi bản lĩnh của mỗi doanh nhân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.