Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng thương hiệu Việt: Không thể chậm trễ

Thanh Hiền| 11/11/2015 06:36

(HNM) - Sau 6 năm triển khai, Cuộc vận động (CVĐ)



Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, hàng hóa nước ngoài tràn vào Việt Nam, việc tranh thủ sự ủng hộ của NTD để xây dựng thương hiệu Việt đủ mạnh, đủ sức cạnh tranh trên "sân nhà" là điều không thể chậm trễ.

Khách hàng lựa chọn sản phẩm tại Tuần nhận diện hàng Việt Nam 2015. Ảnh: Bùi Tuấn


Theo Bộ Công thương, mức độ quan tâm của NTD với hàng Việt đang dần tăng lên khi 90% NTD được hỏi đã trả lời có quan tâm đến CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; 70% NTD ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam… Đó là những kết quả đáng khích lệ giúp hàng Việt có chỗ đứng tại thị trường trong nước. Tuy nhiên, thời gian qua, phần lớn các doanh nghiệp (DN) Việt còn chưa nhận thức được đầy đủ về tầm quan trọng, ý nghĩa và vai trò của vấn đề thương hiệu đối với sự phát triển của DN. Qua điều tra, khảo sát, số DN hiểu biết về thương hiệu, nhãn hiệu còn rất hạn chế. Quan niệm về thương hiệu của DN Việt phần lớn vẫn xuất phát từ mục tiêu ngắn hạn, lợi ích trước mắt, thiếu tầm nhìn dài hạn. Trên thực tế, nhiều DN không nhận thức rõ sự cần thiết tạo dựng và phát triển thương hiệu nên đã không xây dựng được một chiến lược thương hiệu rõ ràng, gây lãng phí nhiều thời gian và bỏ lỡ nhiều cơ hội.

Kết quả khảo sát hơn 600 DN khách hàng nước ngoài của Việt Nam mới đây cho thấy, ấn tượng của người nước ngoài về hình ảnh biểu trưng cho sản phẩm hàng hóa Việt Nam còn mờ nhạt, không tạo được ấn tượng với NTD. Nhiều sản phẩm dệt may, da giày, lương thực, thực phẩm của Việt Nam khi ra thị trường thế giới thường có giá bán thấp hơn các nước khác là những minh chứng rất rõ cho vấn đề này. Bên cạnh đó, các DN cũng chưa nhận thức đầy đủ của việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa để được bảo hộ, chủ yếu mới chú trọng đăng ký tại thị trường trong nước, chứ chưa đăng ký tại thị trường nước ngoài. Đã có nhiều trường hợp, sản phẩm của DN Việt Nam rất nổi tiếng và được ưa chuộng trên thế giới như cà phê Trung Nguyên, mít sấy Vinamit, giày dép Bitis… do trước đây chưa chú ý đăng ký nhãn hiệu nên đã bị chiếm đoạt thương hiệu tại một số thị trường nước ngoài, gây tổn thất lớn trong việc mở rộng thị trường và cạnh tranh. Có thể thấy, những vụ tranh chấp về thương hiệu giữa DN Việt Nam với DN nước ngoài là bài học thực tế cảnh báo đắt giá.

Theo các chuyên gia, để hội nhập thành công, đồng thời tận dụng được các cơ hội mà xu thế này đem lại, chúng ta cần phải xây dựng một chiến lược hội nhập để có thể phát huy hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của DN, cũng như của hàng hóa, dịch vụ. Một trong những yếu tố quyết định vị thế của DN và góp phần quan trọng vào hiệu quả nâng cao năng lực cạnh tranh chính là vấn đề thương hiệu. Giá trị thương hiệu tạo nên 70% giá thành sản phẩm. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, thương hiệu còn có tác dụng thiết lập chỗ đứng của DN, tạo cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi của DN, tạo điều kiện tiếp cận khách hàng và mở rộng thị trường; thể hiện trách nhiệm của DN với khách hàng, góp phần nâng cao giá trị của DN. Mặt khác, khi sử dụng hàng hóa, dịch vụ của thương hiệu có uy tín, khách hàng có thể xác định được nguồn gốc của sản phẩm tạo nên được tâm lý tin cậy.

Tại diễn đàn xây dựng thương hiệu Việt diễn ra trong khuôn khổ "Tuần nhận diện hàng Việt" do Bộ Công thương tổ chức mới đây, nhiều DN chia sẻ không phải họ lãng quên việc xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, mà tiềm lực tài chính của DN còn hạn chế khiến việc tạo lập, quảng bá thương hiệu gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để làm được việc này cần nâng cao vai trò của Nhà nước trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu. Nhà nước cần có chương trình tổng thể mang tầm quốc gia nhằm tăng cường nhận thức và hỗ trợ DN trong quá trình xây dựng, bảo vệ thương hiệu, quảng bá, phát triển thương hiệu; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho DN đăng ký thương hiệu; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, sở hữu thương hiệu. Bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, các DN cần chủ động trong việc cải tiến mẫu mã, giữ chữ tín bằng cách không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu NTD trong nước và xuất khẩu; xây dựng văn hóa kinh doanh, đấu tranh mạnh với nạn hàng giả, hàng nhái...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng thương hiệu Việt: Không thể chậm trễ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.