Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đòi hỏi sự năng động của doanh nghiệp

Hồng Sơn| 28/11/2015 07:16

(HNM) - Việt Nam cùng các nước ASEAN vừa ký văn bản thành lập Cộng đồng ASEAN. Đây là dấu mốc mới nhất trong quá trình hội nhập, từ đó chuẩn bị mở đường cho sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) - một không gian kinh tế rộng mở, với nhiều vận hội đi kèm thách thức. Yêu cầu đặt ra là làm thế nào phát huy


Theo các chuyên gia, gia nhập AEC, Việt Nam sẽ đứng trước nhiều cơ hội để thay đổi, phát triển kinh tế thông qua việc xuất khẩu hàng hóa sang một thị trường gồm 600 triệu người tiêu dùng, với phần lớn thuế suất sẽ giảm xuống 0-5%. Cùng với đó, đây còn là điều kiện thuận lợi, có tính chất kích thích cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong nước chủ động đầu tư mở rộng sản xuất, trang bị công nghệ tiên tiến, sản xuất những sản phẩm có sức cạnh tranh trên một thị trường mở. Một số sản phẩm như dệt may, cơ kim khí, điện thoại di động, tàu biển… sẽ được dịp phát huy thế mạnh để sang các quốc gia nội khối.

Đáng chú ý, AEC cho phép dịch chuyển nguồn nhân lực giữa các nước; trước mắt là các ngành kế toán - kiểm toán, điều dưỡng viên, kiến trúc sư, du lịch… Ước tính, sẽ có khoảng 6 triệu việc làm mới được tạo ra do thành lập DN mới dưới tác động của làn sóng đầu tư, xây dựng cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Đặc biệt, AEC sẽ là cú hích mạnh mẽ đối với hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, do các DN Nhật Bản, Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) - có thế mạnh về vốn và công nghệ, sẽ tập trung đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất ở Việt Nam để tranh thủ nguồn nhân công dồi dào; sau đó xuất khẩu sang các nước trong khu vực. Đáng lưu ý, nhà đầu tư ngoài khối AEC sẽ tận dụng vai trò của AEC - một trung tâm năng động hàng đầu thế giới và có vị trí chiến lược, gần tuyến đường hàng hải quốc tế. Đây là lợi thế đáng kể, tạo nên sức hút lớn vì nó cho phép nhà xuất khẩu tiết kiệm thời gian, chi phí cho hoạt động vận tải.

Tuy nhiên, tăng trưởng sản xuất kinh doanh nhanh hay chậm, thành công hay thất bại còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là sự sẵn sàng và năng động của mỗi DN. Các chuyên gia cảnh báo, làn sóng di cư, tìm việc làm mới của lực lượng lao động sẽ diễn ra từng bước, nhưng theo hướng liên tục và ngày càng mạnh mẽ. Đây là vấn đề chung của cả khối, nhưng càng sôi động đối với Việt Nam. Nguyên nhân là thu nhập của người lao động Việt Nam thấp, có khoảng cách xa so với các nước như Singapore, Malaysia, Thái Lan… nên dễ xảy ra nguy cơ lao động kỹ năng cao, chuyên gia sẽ tìm việc làm ở các nước láng giềng có thu nhập cao hơn so với trong nước. Đây là vấn đề quy luật và không thể can thiệp một cách chủ quan, thông qua biện pháp hành chính. Đó cũng là mầm mống, làm phát sinh câu chuyện "chảy máu chất xám" với mức độ ồ ạt. Ngược lại, chuyên gia giỏi về kỹ năng quản lý và công nghệ từ các nước nội khối AEC cũng sẽ vào Việt Nam làm việc.

Ngoài ra, DN trong nước cũng phải đối diện với mức độ cạnh tranh rất cao. Các chuyên gia nhận định, một số sản phẩm của ta yếu thế trong cạnh tranh với các nước láng giềng là nông sản (xoài, chôm chôm, chuối, gạo); hàng điện tử gia dụng (tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ, thiết bị phục vụ nấu bếp); xe máy; phụ tùng ô tô và dịch vụ phân phối bán lẻ. Đó là những lĩnh vực, sản phẩm mà Thái Lan, Malaysia, Indonesia đã tập trung đầu tư từ lâu; đến nay đã có thương hiệu, có uy tín, bề dày kinh nghiệm và công nghệ đáng nể. Bên cạnh đó, DN Việt Nam cũng không được đánh giá cao về kỹ năng quản trị, khả năng về vốn, ứng phó với tranh chấp thương mại.

Trên thực tế, không có quốc gia nào phải chịu thiệt thòi khi mở cửa, hội nhập với đời sống kinh tế khu vực và quốc tế. Vấn đề ở chỗ, mức độ "gặt hái" đến đâu phụ thuộc vào sự năng động, khả năng ứng phó và tận dụng cơ hội của DN, với chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đòi hỏi sự năng động của doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.