Theo dõi Báo Hànộimới trên

EVN tiếp tục đổi mới, sáng tạo để trở thành tập đoàn vững mạnh toàn diện

Thanh Mai| 20/01/2016 21:49

(HNMO) - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã vượt “vũ môn” trong tình hình kinh tế đất nước có nhiều khó khăn, bất lợi tác động ảnh hưởng từ khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm (2011-2015), tài chính của EVN ở vào tình trạng mất cân bằng, bên cạnh đó, khô hạn dẫn đến thiếu hụt nguồn nước cho thủy điện; lạm phát tăng; mặt bằng lãi suất, giá nguyên vật liệu đầu vào, tỷ giá tăng cao… đã xảy ra tình trạng thiếu hụt lớn nguồn điện, thua lỗ về tài chính.

Trong bối cảnh đó, được sự quan tâm, lãnh đạo kịp thời của Đảng, Chính phủ, của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Ban cán sự Đảng Bộ Công thương, EVN đã nỗ lực, phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, kết thúc kế hoạch 5 năm, EVN đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đáp ứng đủ nhu cầu điện của đất nước, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa và đời sống nhân dân, cân bằng được tài chính, sản xuất kinh doanh có lãi…


Điện đã thực sự đi trước một bước

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ và các chỉ tiêu kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm, Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ EVN đã xây dựng phương hướng, nhiệm vụ và các nhóm giải pháp, lãnh đạo tổ chức thực hiện; xây dựng Chương trình công tác hàng năm với những nội dung cụ thể theo từng tháng, quý; ban hành các nghị quyết lãnh đạo hàng năm, các nghị quyết chuyên đề, chỉ thị, kết luận về những vấn đề lớn của Tập đoàn, những nội dung cấp bách, trọng tâm như: vấn đề cân bằng tài chính, thu xếp vốn đầu tư, công tác viễn thông, Điện cho miền Nam, Tối ưu hóa chi phí, Quản trị Thủy điện...

Kết thúc Kế hoạch 5 năm, EVN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh, đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân với tăng trưởng điện thương phẩm bình quân đạt 10,84%/năm; điện sử dụng bình quân trên đầu người đạt 1.536kh/người/năm); hệ thống điện có dự phòng và điện đã thực sự đi trước một bước; tổn thất điện năng đã giảm từ 10,15% năm 2010 xuống còn 8% vào cuối năm 2015, đạt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Tính chung 5 năm, tổn thất điện năng giảm được 2,15% (bình quân mỗi năm giảm 0,43%); sản lượng điện tiết kiệm hàng năm đạt từ 1,7-2,5% sản lượng điện thương phẩm.

Trước tình hình khó khăn chung đối với các doanh nghiệp để duy trì sản xuất và kinh doanh, các đơn vị trong EVN đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi về điện cho phát triển sản xuất và kinh doanh, góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế, giải quyết kịp thời các nhu cầu điện đột xuất như trồng Thanh Long, phát triển nuôi tôm hộ gia đình ở một số tỉnh Tây Nam bộ, hoàn thành các công trình cấp điện cho các Tổ hợp công nghiệp có quy mô lớn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Với kết quả hoàn thành tốt nhiệm vụ đáp ứng đủ điện cho đất nước, EVN đã đảm bảo yếu tố quan trọng để các các tỉnh/thành phố, các ngành thực hiện được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015 của địa phương và ngành.

Các Trung tâm kinh tế-chính trị, các vùng kinh tế trọng điểm ở 3 miền Bắc, Trung, Nam luôn được đáp ứng đầy đủ và kịp thời về nhu cầu điện, qua đó EVN đã góp phần vào tăng trưởng kinh tế của nước ta với tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2015 đạt trên 6,5%, tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 5,9%/năm.

Bảo toàn và phát triển vốn nhà nước

Bước vào giai đoạn năm 2011-2015, tình hình kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, chưa vượt qua được suy thoái, hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của EVN gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn, tình hình tài chính mất cân bằng lớn trong hai năm liên tục 2010-2011.

Ban Chấp hành Đảng bộ EVN đã ban hành nghị quyết về tối ưu hóa chi phí và triển khai trong 02 năm 2013 – 2014 với nhiều giải pháp thực hiện đồng bộ, hiệu quả, phấn đấu tăng doanh thu, tiết kiệm chi phí, nên đã góp phần quan trọng giúp hoạt động SXKD của EVN có lãi, cơ bản giải quyết xong các khoản lỗ trong SXKD của các năm trước để lại; nâng cao năng lực tài chính, bảo toàn và phát triển vốn, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với Nhà nước.

Trong giai đoạn 2011-2015, EVN đã tập trung các nguồn lực vào đầu tư, phát triển các nhà máy điện, lưới điện theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia và Quy hoạch điện lực của các địa phương, công tác đầu tư xây dựng các công trình nguồn và lưới điện, theo đó, Hệ thống điện quốc gia liên tục mở rộng phạm vi, qui mô và năng lực sản xuất đáp ứng tốc độ tăng trưởng cao về nhu cầu điện của đất nước.

Tổng vốn đầu tư trong giai đoạn 2011-2015 của EVN là 479.620 tỷ đồng gấp 2,37 lần so với giai đoạn 2006-2010. Theo đó, đã đưa vào vận hành 34 tổ máy với tổng công suất 9.852MW, bằng 125% so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh; khởi công 10 dự án nguồn điện với tổng công suất 5.629 MW. Đặc biệt, công trình Thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á công suất 2.400MW đã chính thức khánh thành vào ngày 23-12-2012, vượt trước thời hạn 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội, đem lại hiệu quả kinh tế lớn cho đất nước, được Đảng và Chính phủ đánh giá cao.

Các dự án nguồn điện cấp bách miền Nam đảm bảo tiến độ (như Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Nhiệt điện Duyên Hải 1...) góp phần đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam; hoàn thành đóng điện 865 công trình lưới điện từ 110-500kV với tổng chiều dài đường dây trên 13.360km, tổng công suất các trạm biến áp gần 61.000 MVA, đảm bảo đấu nối, truyền tải công suất phát các nguồn điện, tăng cường năng lực truyền tải của toàn hệ thống, đã kết nối khép kín mạch vòng 500kV tại khu kinh tế trọng điểm miền Bắc, miền Nam và kết nối ở cấp điện áp 500kV lưới điện Đông Nam bộ với Tây Nam bộ và khả năng cung ứng điện của lưới điện tại nhiều khu vực.

Trong đó, đã hoàn thành đưa vào vận hành các công trình nâng khả năng truyền tải Bắc – Nam, như: đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, đường dây 220kV Đắk Nông - Phước Long - Bình Long; thay thế tụ bù dọc nhằm nâng cao khả năng tải cho cả 2 mạch đường dây 500kV Bắc - Nam; các công trình lưới điện đấu nối các nhà máy thủy điện Sơn La, Lai Châu, các trung tâm điện lực Vĩnh Tân, Duyên Hải, Mông Dương.


Đối chiếu với nhiệm vụ được giao trong Quy hoạch điện VII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tập đoàn lần thứ nhất, giai đoạn 2011-2015 khối lượng lưới điện 500kV hoàn thành đạt cao, đáp ứng nhu cầu đấu nối các nguồn điện và nâng cao vượt bậc năng lực truyền tải của hệ thống điện.

Đến cuối năm 2015, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống là 38.800MW (tăng 1,8 lần so với năm 2010) đứng thứ 2 trong các nước ASEAN (sau Indonesia) và thứ 30 thế giới, trong đó các nguồn điện do EVN và 03 TCT phát điện thuộc EVN sở hữu là 23.580MW (chiếm 60,8% công suất đặt của hệ thống).

EVN hiện đang quản lý hệ thống lưới điện gồm trên 41.100km ĐD 500-220-110kV (tăng 1,5 lần so với năm 2010) và trên 440.000 km ĐD trung thế và hạ thế (tăng 1,2 lần so với năm 2010); Tổng dung lượng trạm biến áp 500-220-110kV tăng 1,8 lần so với năm 2010.

Năng suất lao động SXKD điện bình quân giai đoạn 2011-2015 tăng 6,8%/năm, bằng 1,79 lần so với mức năng suất lao động chung cả nước (3,8%/năm).

EVN bảo toàn và phát triển được vốn nhà nước. Vốn điều lệ của Công ty mẹ - EVN đến 31-12-2015 là 160.000 tỷ đồng, tăng 2,08 lần so với vốn điều lệ năm 2010 (76.742 tỷ đồng); các chỉ tiêu tài chính cơ bản của Công ty mẹ và các đơn vị thành viên đảm bảo an toàn.

Hệ số nợ phải trả/ vốn chủ sở hữu, hệ số khả năng thanh toán, hệ số tự đầu tư đều đạt chuẩn quy định, đáp ứng yêu cầu của các tổ chức cho vay vốn (Công ty mẹ EVN: hệ số nợ phải trả/ vốn chủ sở hữu 1,67 lần, hệ số khả năng thanh toán: 1,02 lần, tỷ lệ tự đầu tư: 37,5%).

Góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới

EVN đã tập trung nỗ lực lớn trong hoàn thành vượt kế hoạch đầu tư đưa điện về nông thôn, hải đảo giai đoạn 2011-2015 với tổng vốn trên 640 triệu USD và gần 3.500 tỷ đồng để thực hiện các dự án đầu tư cấp điện nông thôn trên phạm vi cả nước, trọng tâm là các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc, khu vực Tây Nguyên và Tây Nam bộ.

Tính đến cuối năm 2015, trên cả nước số xã có điện đạt 99,8% và số hộ dân nông thôn được sử dụng điện đạt 98,76% (vượt 0,76% so với chỉ tiêu được giao cuối năm 2015 đạt 98%). Tỷ lệ có điện tại khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc đạt 96,62% về số xã và 83,76% số hộ dân nông thôn; Các tỉnh Tây Nguyên đã đạt tương ứng là 99,83% số xã và 95,8% số hộ dân; Khu vực Tây Nam bộ là 98,85% số xã và 97,27% số hộ dân. Hầu hết các xã biên giới đã có điện, góp phần vào công tác định canh định cư, phát triển kinh tế và giữ gìn an ninh khu vực biên giới.

EVN cũng đã cơ bản hoàn thành công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn để bán điện trực tiếp các hộ dân với mục đích để người dân nông thôn được hưởng lợi ích chính sách ưu đãi giá điện của Chính phủ.

Giai đoạn 2011-2015 đã tiếp nhận tại 1.524 xã với trên 1,95 triệu hộ dân nông thôn. Tiến hành cải tạo nâng cấp lưới điện nông thôn theo tiêu chí số 4 của Chương trình nông thôn mới; đã đảm nhận cấp điện cho 9/12 huyện đảo gồm: đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi); Phú Quốc, Kiên Hải (Kiên Giang); Phú Quý (Bình Thuận); Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Hải (Hải Phòng), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Bạch Long Vỹ (Hải Phòng).

Các huyện đảo, xã đảo có vị trí chiến lược trên biển (như: Phú Quốc, Cô Tô, Lý Sơn, Kiên Hải), EVN thực hiện đầu tư đưa điện lưới quốc gia từ đất liền ra đảo để cấp điện ổn định cho nhu cầu dân sinh và phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc.

Hiện tại, đang tiếp tục triển khai cấp điện từ hệ thống điện quốc gia cho một số xã đảo tỉnh Kiên Giang, Cù Lao Chàm (Quảng Nam). Công tác đầu tư đưa điện về nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2011-2015 đã góp phần thực hiện xoá đói giảm nghèo, cùng Trung ương và Chính quyền địa phương giải quyết kịp thời các vấn đề kinh tế-xã hội, giữ gìn ổn định chính trị, an ninh tại các địa bàn trọng điểm tại 5 tỉnh Tây Nguyên, khu vực Tây Nam bộ, Tây Bắc.

Dịch vụ khách hàng chuyển biến mạnh mẽ

Khởi động từ năm 2013 với Chủ đề là “Năm kinh doanh và dịch vụ khách hàng”, công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng đã có nhiều chuyển biến để phục vụ tốt hơn trên 23,7 triệu khách hàng dùng điện. Các Công ty Điện lực/Điện lực cấp quận huyện được tổ chức và sắp xếp lại, hoàn thiện thống nhất bộ máy quản lý kinh doanh điện năng ở cấp cơ sở để có đủ năng lực và điều kiện thực hiện hiệu quả các dịch vụ về điện của khách hàng trên địa bàn.

Cơ sở vật chất của các đơn vị được tăng cường đầu tư, trên 900 phòng Giao dịch khách hàng tại các CTĐL/ĐL quận, huyện, được chỉnh trang với đầy đủ phương tiện làm việc, bố trí địa điểm thuận tiện, có không gian thân thiện với khách hàng. Tập đoàn đưa vào áp dụng 14 chỉ tiêu về chất lượng dịch vụ khách hàng để theo dõi, đánh giá mức độ tiến bộ hàng năm, kết quả đến nay các đơn vị thực hiện đạt từ 96-98%.

Cải cách thủ tục hành chính trong giao dịch khách hàng được đẩy mạnh, nhất là trong khâu cấp điện mới, đã rút ngắn thời gian giải quyết cấp điện mới cho khách hàng sinh hoạt khu vực thành phố/thị xã/thị trấn là 2,11 ngày, khu vực nông thôn là 2,55 ngày và khách hàng ngoài sinh hoạt là 3,13 ngày.

Đặc biệt, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam đã có bước đột phá. Theo đánh giá của tổ chức Doing Business (thuộc Ngân hàng Thế giới), năm 2015 chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam tăng 22 bậc (từ vị trí 130 năm 2014 lên vị trí 108/189 quốc gia) và là chỉ số có mức độ cải thiện tốt nhất trong các chỉ số đánh giá về môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Số ngày làm thủ tục cấp điện trung áp của Việt Nam giảm từ 115 ngày xuống còn 59 ngày, trong đó số ngày thực hiện của EVN giảm từ 38 ngày xuống còn 14 ngày. Tháng 9-2015, EVN đã ban hành Quyết định số 832/QĐ-EVN về việc sửa đổi bổ sung Bộ Quy trình kinh doanh điện năng theo đó quy định thời gian giải quyết các công việc liên quan đến Điện lực rút xuống còn không quá 10 ngày.

Từ năm 2013, EVN tiến hành điều tra lấy ý kiến khách hàng thông qua các Tổ chức Tư vấn độc lập, để khách hàng chấm điểm chất lượng công tác kinh doanh điện và dịch vụ của Điện lực. Sau 3 năm thực hiện, cán bộ nhân viên Điện đã có nhiều chuyển biến trong nhận thức, khắc phục các biểu hiện quan liêu, cửa quyền, xây dựng tác phong làm việc chuyên nghiệp, tận tụy thân thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu về điện của khách hàng.

Khách hàng ghi nhận và đánh giá tích cực sự chuyển biến rõ rệt trong cung cấp điện, giảm bớt các thủ tục cấp điện, thái độ phục vụ của nhân viên Điện lực. Điểm bình quân mức độ hài lòng khách hàng sử dụng điện toàn EVN hàng năm đều tăng, trong đó, năm 2013 là 6,45/10; năm 2014 là 6,9/10.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
EVN tiếp tục đổi mới, sáng tạo để trở thành tập đoàn vững mạnh toàn diện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.