Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bước đà để hội nhập, cạnh tranh

Tuấn Lương| 12/02/2016 07:20

(HNM) - Bộ GT-VT được đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu trong thực hiện công tác tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa (CPH) và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN).


Thắng thầu quốc tế

Theo Bộ GT-VT, giai đoạn 2011-2015, Bộ GT-VT đã CPH 137 DN, tăng 67 DN so với kế hoạch. Đến hết năm 2015 đã có 124 DN hoàn thành phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), trong đó có 12 tổng công ty, nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) 1.701 tỷ đồng. Thứ trưởng, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN Bộ GT-VT Nguyễn Hồng Trường cho biết, trong 137 DN đã CPH có những đơn vị quy mô lớn như các tổng công ty: Hàng không Việt Nam (tổng tài sản hơn 57.000 tỷ đồng), Cảng hàng không Việt Nam (tổng tài sản hơn 40.000 tỷ đồng), Hàng hải Việt Nam (tổng tài sản hơn 17.000 tỷ đồng)...

Các doanh nghiệp trong nước đã trúng thầu và tham gia 5/8 gói thầu xây lắp thuộc Dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: Anh Tuấn


Việc thoái vốn nhà nước tại DN cũng đã đem lại những kết quả tích cực. Giai đoạn vừa qua, Bộ GT-VT đã rà soát, tập trung thoái vốn tại các DN đầu tư không hiệu quả, ngoài lĩnh vực kinh doanh chính. Đến nay, Bộ đã hoàn thành thoái vốn tại 113 DN, trong đó có 7 công ty mẹ - tổng công ty và 106 DN thành viên, thu về trên 4.399 tỷ đồng… Các DN sau CPH, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng giao thông, đã trở thành lực lượng nòng cốt giúp Bộ GT-VT hoàn thành vượt tiến độ những dự án giao thông trọng điểm, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Nhờ sắp xếp lại sản xuất, bố trí lại nguồn lực một cách hợp lý, trong giai đoạn 2012-2015, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) luôn hoàn thành khối lượng vận chuyển năm sau cao hơn năm trước, năng suất lao động tăng bình quân 7%/năm (theo khách lưu chuyển), 3,5%/năm (theo doanh thu). Sau khi thoái vốn nhà nước, các tổng công ty xây dựng giao thông như: Cienco 1, Cienco 4, Cienco 8 cũng đã hoạt động hiệu quả hơn. Đặc biệt, sau khi hoàn tất CPH, các Cienco có đủ năng lực cạnh tranh sòng phẳng với các nhà thầu quốc tế tại các dự án sử dụng vốn ODA. Đây là điều mà trước khi CPH, các Cienco không thể thực hiện do bị một số nhà tài trợ nước ngoài gạt ra khỏi danh sách dự thầu vì là DN nhà nước. Tại dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, sử dụng vốn vay của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA, DN Việt Nam đã tham gia 5/8 gói thầu xây lắp. Cũng tại dự án này, Cienco 4 đã vượt qua các nhà thầu ngoại và trúng các gói thầu giá trị trên 100 triệu USD. Tại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (hợp phần vốn JICA tài trợ), các nhà thầu trong nước cũng trúng thầu thi công 7/8 gói thầu xây lắp.

Thoái vốn quý I-2016 sẽ vượt cả năm 2015

Ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GT-VT) cho biết, từ những thành công trong CPH và thoái vốn giai đoạn 2011-2015, năm 2016, Bộ sẽ tiếp tục thoái vốn nhà nước tại một loạt các tổng công ty; trong đó thoái 100% vốn nhà nước tại Cienco 6, với 457 tỷ đồng; Cienco 5, với 212 tỷ đồng (23% vốn nhà nước); Vinamotor với 1.250 tỷ đồng (98% vốn nhà nước)... Chỉ riêng tháng 1-2016, Bộ GT-VT đã thoái được khoảng 2.000 tỷ đồng vốn nhà nước tại các tổng công ty, gần bằng tổng số vốn thoái trong năm 2015 (khoảng 2.400 tỷ đồng). Dự kiến, hết quý I-2016, Bộ GT-VT sẽ thoái vốn 2.500-3.000 tỷ đồng. Việc thoái vốn nhà nước sẽ giúp các DN chủ động nắm bắt cơ hội kinh doanh, không phải xin ý kiến chủ sở hữu.

Đánh giá về kết quả công tác CPH, sắp xếp các DN nhà nước của Bộ GT-VT, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cho rằng, sau khi CPH, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN đã hiệu quả hơn. Tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, doanh thu, thu nhập bình quân người lao động đều tăng, trong khi tỷ suất nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu giảm. Trong thời gian tới, Bộ GT-VT cần tiếp tục rà soát và đẩy mạnh CPH các DN, nhất là việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. Từ đó, nâng cao hiệu quả hoạt động và áp dụng phương thức quản trị tiên tiến để nâng sức cạnh tranh của DN; tập trung chỉ đạo hoàn thành tái cơ cấu một số đơn vị quan trọng đang gặp khó khăn như Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, đồng thời trình Thủ tướng cho triển khai CPH đồng loạt các đơn vị sự nghiệp công lập.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bước đà để hội nhập, cạnh tranh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.