Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp dân doanh: Một động lực phát triển

Hồng Sơn| 24/02/2016 06:48

(HNM) - Những thông tin và đánh giá về thực trạng, thành tựu, thách thức cùng hạn chế của kinh tế vĩ mô Việt Nam đã được phân tích sâu sắc trong Báo cáo Việt Nam 2035, với chủ đề



Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhận định: Việt Nam cần sự thay đổi căn bản, liên tục để tránh bẫy thu nhập trung bình; quan tâm thỏa đáng việc cổ phần hóa DN nhà nước; đồng thời công nhận vai trò của DN dân doanh như một động lực phát triển.

Sản xuất bao bì tại HTX Công nghiệp Song Long. Ảnh: Huy Hùng


Năng suất lao động - trở ngại trên đường phát triển

Theo Chủ tịch WB Jim Yong Kim, Việt Nam là ví dụ tiêu biểu cho sự thành công với kết quả nổi bật trong xóa đói giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế và hoàn thành hầu hết các mục tiêu thiên niên kỷ. "Đây là bài học và kinh nghiệm quan trọng, đáng được phổ biến, tham khảo đối với nhiều quốc gia đang phát triển khác" - ông Jim Yong Kim nhấn mạnh: Từ một nước thuộc nhóm nghèo nhất thế giới, chỉ trong thời gian ngắn, Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình, cũng như đạt nhiều thành tựu về xã hội tương đương với các quốc gia có thu nhập cao hơn. Mức tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt 5,5%/năm trong gần 30 năm qua và đến nay là một nền kinh tế năng động, chủ động hội nhập quốc tế.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam:
Quan tâm quyền lợi con người trong mối quan hệ hài hòa

Những thành tựu tích cực trong phát triển kinh tế chủ yếu là do sự điều hành linh hoạt, hợp lý của Chính phủ, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp (DN). Tuy vậy, cần nhận thức rõ các thách thức, nguy cơ và tránh tâm lý thỏa mãn, để tiếp tục thúc đẩy quá trình phát triển, hướng tới mục tiêu bền vững, quan tâm đến quyền lợi con người trong mối quan hệ hài hòa, nhằm thực hiện khát vọng thịnh vượng và văn minh.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Việt Nam còn thua kém một số nước có cùng hoàn cảnh, điều kiện hoặc điểm xuất phát tương đồng, trong một số lĩnh vực. Đặc biệt, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn nhiều nước và vẫn trong xu thế suy giảm, thật sự là nguy cơ cho sự phát triển. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cảnh báo: "Nếu không nhận thức đầy đủ và có biện pháp khắc phục kịp thời thì tình trạng năng suất lao động thấp sẽ là một trở ngại lớn của tiến trình HĐH-CNH đất nước, cũng như chất lượng tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới".

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, thời gian qua, việc huy động và sử dụng các nguồn lực cho phát triển chưa thật sự hợp lý, còn tình trạng manh mún, thiếu hiệu quả nên chưa tận dụng được hết lợi thế. Thực tế đó đặt ra yêu cầu cải cách với tốc độ mạnh mẽ và triệt để hơn, nhất là trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quốc tế ngày càng khốc liệt. Vì vậy, Việt Nam cần sự thay đổi căn bản, liên tục để tránh bẫy thu nhập trung bình đối với nền kinh tế như một số quốc gia đang phát triển đã từng phải gánh chịu. Cùng với đó, quan tâm thỏa đáng việc cổ phần hóa DN nhà nước, đẩy nhanh quá trình thực hiện cam kết theo các hiệp định thương mại tự do và đáp ứng nhu cầu của cộng đồng DN, nhà đầu tư nói chung...

Công nhận vai trò của doanh nghiệp dân doanh

Theo "Báo cáo Việt Nam 2035", đến năm 2035, Việt Nam sẽ là một quốc gia thịnh vượng, ở mức trung bình cao của thế giới, với tiềm lực và vị thế xứng đáng. Thu nhập bình quân đạt khoảng 18 nghìn USD/người/năm và tốc độ tăng trưởng GDP bình quân tính theo đầu người đạt tối thiểu 6%/năm. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Chính phủ cần tạo dựng cơ chế, điều kiện đầu tư - kinh doanh thông thoáng và bình đẳng đối với tất cả các loại hình DN, trong đó nhấn mạnh vai trò của DN dân doanh. Việc huy động và sử dụng các nguồn lực vật chất và nhân lực phải được đặt ra trong bối cảnh hướng tới phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, phục vụ con người. Đặc biệt, cần tạo ra làn sóng khởi nghiệp trên toàn quốc, chủ động thiết lập và hoàn thiện các thị trường quan trọng như công nghệ, lao động, vốn, các quỹ đầu tư phát triển… "Xã hội cần thống nhất quan điểm công nhận vai trò, tầm quan trọng của DN dân doanh như một động lực phát triển" - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Báo cáo của WB cũng nêu ra 3 trụ cột cho phát triển đến năm 2035. Trụ cột thứ nhất là thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường và đòi hỏi tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 35% (so với mức 31% hiện nay). Trụ cột thứ hai là công bằng và hòa nhập xã hội. Trụ cột thứ ba là Nhà nước có năng lực và trách nhiệm giải trình. Theo Chủ tịch WB Jim Yong Kim, thời gian tới, Việt Nam cần đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế thị trường đầy đủ, khuyến khích sức sáng tạo của DN và chủ động nâng cao năng suất lao động. Đặc biệt nên có biện pháp phù hợp để huy động, sử dụng các nguồn lực một cách hợp lý; giải quyết dứt điểm những tồn tại của DN nhà nước, tạo điều kiện tối đa và công bằng cho DN tư nhân. "Theo tôi, Việt Nam cần lưu ý 2 thách thức lớn là: Đáp ứng nhu cầu về vốn và đất đai cho DN và cải thiện tình trạng yếu kém về chất lượng nguồn nhân lực, từ đó gia tăng đầu tư cho người lao động để họ bảo đảm được yêu cầu về thể lực cũng như trình độ nghề nghiệp. Đầu tư cho con người chính là vấn đề thuộc phạm trù kinh tế, là yếu tố thúc đẩy phát triển trong thời đại số hóa…", Chủ tịch WB Jim Yong Kim bày tỏ quan điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp dân doanh: Một động lực phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.