Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ tịch BIDV: Hoàng Anh Gia Lai là đối tác trả lãi sòng phẳng

Theo Infonet| 24/04/2016 15:43

Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển (BIDV) thừa nhận, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) là một trong các đối tác trả lãi sòng phẳng. Giá trị tài sản đảm bảo của doanh nghiệp này tại BIDV 18.000 tỷ đồng, hệ số tài sản đảm bảo/dư nợ đạt tỷ lệ 1,8 lần.


Những lo lắng về các khoản nợ “khủng” của Hoàng Anh Gia Lai tại BIDV được các cổ đông nêu ra và đặt câu hỏi chất vấn cho lãnh đạo nhà băng này tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2016 vào sáng 24/4.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về các khoản nợ của HAGL tại Ngân hàng BIDV, ông Phan Đức Tú – Tổng giám đốc BIDV cho biết, hiện khoản nợ của HAGL còn 10.500 tỷ đồng, các khoản vay đều có tài sản đảm bảo và số dư nợ vẫn trong tầm kiểm soát. Tài sản đảm bảo của HAGL chủ yếu là đường, cao su, cọ dầu dọc tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia với diện tích 50.000ha. Theo lời Tổng giám đốc BIDV thì HAGL gặp khó khăn về thanh khoản chứ không mất khả năng chi trả nợ. Nếu bán toàn bộ dự án cao su thì BIDV hoàn toàn có thể thu hồi được nợ. Hiện hệ số tài sản đảm bảo/dư nợ đạt tỷ lệ 1,8 lần. Giá trị tài sản đảm bảo của HAGL tại BIDV là hơn 18.000 tỷ đồng (tổng dư nợ 10.500 tỷ đồng).

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2016 của Ngân hàng BIDV sáng 24/4


Nêu quan điểm của mình về đối tác HAGL, ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch BIDV nói thêm, HAGL là một trong các đối tác của BIDV 20 năm nay, chi trả lãi sòng phẳng. Vừa qua đúng là có chuyện HAGL gặp khó khăn nên chậm trả lãi nhưng với giá trị tài sản đảm bảo của đơn vị này tại BIDV lớn, nếu bán toàn bộ thu đủ nợ gốc và có lãi. Không chỉ BIDV mà cả 9 ngân hàng khác hiện đang là “chủ nợ” của HAGL đều nhận thấy, khi doanh nghiệp gặp khó khăn thì cần đồng hành, hỗ trợ. “Chúng ta phải có trách nhiệm vun đắp, bình ổn thị trường chứ không bới móc ra”- ông Trần Bắc Hà nói.

Cũng theo ông Phan Đức Tú, hiện cả 10 ngân hàng là chủ nợ của HAGL đang đề xuất kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước cho phép giữ nguyên nhóm nợ và kéo dài thời gian trả nợ, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Trước đó, theo báo cáo tài chính của HAGL, hiện doanh nghiệp này đang là “con nợ khủng” của 10 ngân hàng, trong đó gồm: BIDV, Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng Liên doanh Lào Việt, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Phát triển TP.Hồ Chí Minh (HD Bank), Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank), Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVCombank), Ngân hàng TMCP Bản Việt và Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TP Bank). Ngoài ra, một đối tác nước ngoài là Northebrooks Investment - một thành viên của Tập đoàn Temasek, Singapore.

Về tình hình hoạt động kinh doanh tài chính của BIDV năm 2015, tăng trưởng dư nợ tín dụng và đầu tư của BIDV đạt tỷ lệ 26%, trong đó tăng trưởng tín dụng đạt 22,3%. Nguồn vốn huy động tăng 24%, trong đó huy động vốn từ tổ chức, dân cư tăng 28%.

Lợi nhuận trước thuế năm 2015 đạt 7.473 tỷ đồng, gần hoàn thành kế hoạch đề ra. BIDV đề xuất chi trả cổ tức năm 2015 với tỷ lệ 8,5% bằng cổ phiếu, thấp hơn kế hoạch ban đầu. Thời gian chi trả cổ tức dự kiến vào quý II/2016.

Năm 2016, BIDV đề ra mục tiêu nguồn vốn huy động tăng trưởng 22%. Dư nợ tín dụng tăng trưởng 18-20%. Lợi nhuận trước thuế ở mức 7.900 tỷ đồng. Tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến từ 7% trở lên.

Bên cạnh đó, nhà băng này cũng đưa ra kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 9.446 tỷ đồng thông qua 3 nguồn: Thứ nhất, phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài khi có điều kiện thuận lợi. Chủ trương này đã được ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 phê duyệt nhưng chưa thực hiện được trong năm 2015, BIDV sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch này trong năm 2016.

Thứ 2, phát hành trái phiếu chuyển đổi căn cứ khả năng triển khai phương án phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài và phát hành cho cổ đông hiện hữu, để đảm bảo vốn điều lệ đáp ứng cho hoạt động kinh doanh, trường hợp thuận lợi BIDV sẽ có phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi phù hợp.

Nguồn tăng vốn thứ 3, phát hành cho cổ đông hiện hữu với tổng giá trị dự kiến phát hành là 9.446 tỷ đồng.Trong đó, phát hành ra công chúng và Nhà nước từ chối quyền mua 2.118 tỷ đồng (tương đương 6,2% vốn điều lệ tại thời điểm 31/12/2015), phát hành từ nguồn thặng dư thoái vốn từ đơn vị liên doanh và bán cổ phần công ty con 1.503 tỷ đồng (tương đương 6,2% vốn điều lệ) và phát hành cho cổ đông hiện hữu 5.825 tỷ đồng (17,04% vốn điều lệ).

Sau đợt phát hành này, dự kiến vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng từ 34.187 tỷ đồng lên 43.633 tỷ đồng, tương đương mức tăng 27,63%. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý II và III/2016.

Lý giải về kế hoạch chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài đã được BIDV “rục rịch” từ lâu nhưng tới thời điểm này chưa tiến hành được, Chủ tịch BIDV thừa nhận, việc bán cổ phần cho các nhà đầu tư từ châu Âu, Mỹ là không thể thực hiện được. BIDV đang chuyển hướng nhắm tới các quỹ đầu tư châu Á song tới thời điểm này vẫn chưa thể “chốt” do quá trình đàm phán kéo dài. Thêm vào đó, giá cổ phiếu của BIDV trong 3 tháng trở lại đây đang có dấu hiệu giảm, vì thế cũng phần nào ảnh hưởng tới quá trình chào bán của ngân hàng.

Thông báo về tình hình kinh doanh quý I/2016, lãnh đạo BIDV cho biết, tăng trưởng tín dụng quý I đạt 3,6%, cao hơn bình quân các ngân hàng, trong khi huy động vốn ước tính tăng 3,5%. Theo kế hoạch năm 2016 của BIDV, huy động dự kiến cao hơn tăng trưởng dư nợ tín dụng từ 3-4%.

Tại Đại hội, BIDV cũng trình cổ đông thông qua miễn nhiệm hai thành viên HĐQT gồm bà Nguyễn Thị Kim Thanh và ông Lê Đào Nguyên để nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định. Mới đây, NHNN đã có quyết định cử ông Đặng Xuân Sinh, thành viên HĐQT BIDV thay bà Thanh làm người đại diện 30% vốn nhà nước. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch BIDV: Hoàng Anh Gia Lai là đối tác trả lãi sòng phẳng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.