Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hỗ trợ doanh nghiệp: Tạo chuyển biến mạnh mẽ

Hồng Sơn| 19/05/2016 06:21

(HNM) - Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả, thông qua việc xác định doanh nghiệp (DN) là đối tượng hỗ trợ từ hệ thống cơ quan quản lý là nội dung hội thảo

Theo Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung, môi trường đầu tư, kinh doanh đã cải thiện, được cộng đồng DN ghi nhận và đó là chuyển biến rất quan trọng trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, với yêu cầu ngày càng cao về năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, giữa yêu cầu của DN và khả năng đáp ứng của các cơ quan chức năng vẫn còn khoảng cách. Một số chỉ tiêu quan trọng như cấp phép xây dựng, tiếp cận nguồn tín dụng, đăng ký tài sản của nhà đầu tư, giải quyết tranh chấp theo hợp đồng… cải thiện chậm, là nguyên nhân khiến chất lượng môi trường kinh doanh của Việt Nam còn khoảng cách đáng kể so với các nước Singapore, Thái Lan và Malaysia - ông Cung nhấn mạnh.

Doanh nghiệp cần chủ động đặt ra các “yêu cầu” với các cơ quan hành chính để được phục vụ hiệu quả hơn nữa. Ảnh: Nhật Nam


Nghị quyết 19/2016/NQ-CP của Chính phủ (NQ 19) xác định mục tiêu Việt Nam đạt mức trung bình về chất lượng môi trường kinh doanh của ASEAN-4 vào năm 2017 và ASEAN-3 (Thái Lan, Singapore và Malaysia) vào năm 2020. Chính phủ sẽ tham chiếu các chỉ số của Ngân hàng Thế giới; hệ thống chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới; đánh giá toàn diện năng lực cạnh tranh, so sánh với hơn 140 nền kinh tế. NQ 19 cũng xác lập nhiệm vụ, trách nhiệm của 17 bộ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội…

Xét từ góc độ địa phương, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Minh cho biết, việc triển khai NQ 19 cần có sự theo dõi sát sao từ cấp vĩ mô, qua từng cấp quản lý, để bảo đảm hiệu quả thực tế. Sự vào cuộc phải đồng bộ, cầu thị và không né tránh. Đặc biệt, ông Minh cho rằng, yếu tố quyết định sự thành bại là ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức có đạt yêu cầu hay không. Nếu không hành động xuất phát từ lợi ích DN thì không đạt kết quả. Ông Minh cũng nhất trí quan điểm duy trì việc chính quyền đối thoại với DN, lắng nghe, giải quyết các vấn đề phát sinh.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, NQ 19 đặt ra yêu cầu không dễ thực hiện, đòi hỏi sự quyết tâm, nghiêm túc của các ngành. Riêng lĩnh vực hải quan, Bộ sẽ đầu tư thêm trang thiết bị hiện đại, đủ đáp ứng yêu cầu kiểm tra tại cửa khẩu, bố trí nhân sự có trình độ tương xứng với đòi hỏi của công việc. Ông Tuấn xác nhận, việc đổi mới, cải cách hành chính trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng là thách thức đối với cơ quan quản lý. Đơn cử, hiện 35% hàng hóa xuất - nhập khẩu được kiểm tra trong quá trình thông quan tại cửa khẩu, nhưng sẽ giảm xuống 15% vào cuối năm nay. Đây là khối lượng công việc rất lớn, là áp lực đối với ngành hải quan và minh chứng cho nhận thức quá trình cải cách thủ tục là không có điểm dừng… Nếu chỉ riêng ngành hải quan không thể quyết định kết quả cuối cùng, cần có sự hợp tác, giải quyết đồng bộ của các ngành như y tế, nông nghiệp, môi trường.

Với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, lấy người dân và DN là đối tượng phục vụ, Chính phủ là nhà kiến tạo, DN cần hiểu rõ quyền lợi chính đáng của mình, yêu cầu được phục vụ hiệu quả thay vì thụ động chờ đợi. Bên cạnh đó, người dân và DN cũng cần giám sát, đánh giá chất lượng phục vụ của các cơ quan quản lý. Vì sự hài lòng của DN chính là thước đo chất lượng phục vụ, mức độ hoàn thành công việc của cán bộ, công chức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ doanh nghiệp: Tạo chuyển biến mạnh mẽ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.