Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguy cơ mất thương hiệu trên “sân nhà”

Thanh Hiền| 14/06/2016 06:56

(HNM) - Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế toàn cầu, nhất là khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp được thực thi, nếu không có nhận thức đúng về sở hữu trí tuệ (SHTT), các doanh nghiệp (DN) dệt may (DM)

Sản xuất hàng xuất khẩu tại Tổng công ty May 10. Ảnh: Viết Thành


Dệt may là ngành tham gia thị trường thế giới sớm, nên từ nhiều năm qua các DN thuộc Tập đoàn DM Việt Nam (Vinatex) đã chú trọng sử dụng công cụ SHTT nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Có thể kể đến các nhãn hiệu uy tín như Vinatex, VIFF của Vinatex; VIETTIEN, SANSCIARO, MANHATTAN, VIETTIEN-CASUAL, VIETLONG của Tổng công ty CP May Việt Tiến; GARCO 10, ETERNITY GRUSZ của Tổng công ty May 10… Trong đó, May 10 là một trong những đơn vị đầu tiên của Vinatex đăng ký bảo hộ thương hiệu từ năm 1992. Đến năm 2008, May 10 tiếp tục đăng ký thương hiệu May 10 tại Liên minh Châu Âu (EU), Mỹ và trong năm 2016 thương hiệu này được đăng ký tại bang Texas (Mỹ). Ngoài ra, DN còn áp dụng nhiều giải pháp để bảo vệ thương hiệu và quyền lợi người tiêu dùng bằng những biện pháp chống hàng giả, như áp dụng mã số mã vạch, sử dụng tem chống hàng giả,… Tuy nhiên, số liệu của Cục SHTT (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho thấy, chỉ tính các đơn vị thành viên của Vinatex, mới có 30 trong tổng số 49 công ty thành viên của Vinatex có đăng ký nhãn hiệu, 19 đơn vị còn lại chưa đăng ký. Riêng đăng ký bảo hộ quyền SHTT về kiểu dáng công nghiệp và sáng chế, chưa có DN DM nào thực hiện.

Ông Nguyễn Sỹ Phương, Trưởng ban Kỹ thuật công nghệ của Tập đoàn DM Việt Nam cho biết, việc sử dụng công cụ SHTT như bảo hộ nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp… không chỉ giúp tăng khả năng cạnh tranh của DN, mà còn bảo vệ được quyền lợi của chủ sở hữu hợp pháp khi có tranh chấp phát sinh. Tuy nhiên, nhiều DN DM vẫn có tâm lý tập trung mạnh vào bán hàng và phân phối hơn là xây dựng thương hiệu, định vị DN. Hơn nữa, sản phẩm thời trang là loại sản phẩm đặc thù, mỗi mùa có thể ra đến hàng trăm loại mẫu khác nhau. Vì vậy, để đăng ký cho hàng trăm, hàng nghìn mẫu sản phẩm như vậy, DN phải tốn nhiều chi phí, chưa kể việc chờ xác nhận làm chậm tiến độ đưa sản phẩm ra thị trường. Ngoài ra, hiểu biết của người tiêu dùng về thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa còn hạn chế, cũng là lý do làm giảm động lực xây dựng thương hiệu của DN.

Tại hội thảo về "Sử dụng công cụ SHTT để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành DM Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế" tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh cho biết, DM cũng như các sản phẩm hàng hóa khác đều có thể bị làm giả, làm nhái ở trong nước và quốc tế. Vì vậy, DN DM cần bảo hộ quyền SHTT cả ở trong và ngoài nước vì quyền SHTT chỉ có giá trị trong phạm vi lãnh thổ. Khi đăng ký bảo hộ SHTT ở các nước sở tại, nếu sản phẩm của DN bị xâm phạm, DN DM Việt Nam sẽ được hệ thống luật pháp của nước đó bảo vệ.

Bên cạnh những thuận lợi, các đơn vị thành viên của Tập đoàn DM Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thách thức tại thị trường nội địa như áp lực từ phía khách hàng, người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi cao hơn về giá cả, chất lượng và mẫu mã sản phẩm, cũng như sức ép cạnh tranh rất lớn từ các DN đầu tư nước ngoài, đặc biệt là phân khúc sản phẩm DM giá rẻ bị Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường. Hàng nhập lậu, hàng nhái kém chất lượng tràn lan trên thị trường được gắn mác "Made in Vietnam" làm ảnh hưởng không nhỏ đến các DN sản xuất hàng DM chân chính.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn DM Việt Nam Hoàng Vệ Dũng kiến nghị, sản phẩm DM mang tính thời trang nên vòng đời ngắn, trong khi thời gian chờ để đăng ký nhãn hiệu kéo dài trong vòng một năm, vì vậy Cục SHTT nên rút ngắn thời gian chờ đăng ký đối với mặt hàng đặc thù này. Ngoài ra, các ngành chức năng cần có chính sách hỗ trợ DN trong lĩnh vực SHTT và bảo hộ thương hiệu; xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, tiêu thụ hàng nhái, hàng giả. Việc giải quyết đồng bộ các bất cập trên sẽ tạo cơ hội cho ngành DM Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò là ngành xuất khẩu mũi nhọn và chủ lực trong tiến trình hội nhập quốc tế. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ mất thương hiệu trên “sân nhà”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.