Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Thận trọng, tránh thất thoát

Hương Ly| 18/06/2016 07:40

(HNM) - Thoái vốn nhà nước tại những doanh nghiệp (DN) mà Nhà nước không cần nắm giữ, bao gồm cả những DN kinh doanh có hiệu quả theo đúng quy định là chỉ đạo mới nhất của Chính phủ về thực hiện kế hoạch cổ phần hóa DN.

Trao đổi với PV Báo Hànộimới, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng, Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) khẳng định: Sẽ xác định những DN thuộc diện Nhà nước không cần nắm giữ, tổ chức thoái vốn thận trọng, tránh thất thoát.

- Nhiều DN nhà nước sau CPH vẫn giữ tỷ lệ vốn nhà nước ở mức cao, thậm chí trên 90%. Điều này cho thấy việc CPH dường như chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Ý kiến của ông về vấn đề này?

- Mặc dù một số DN vẫn còn tỷ lệ cổ phần nhà nước nắm giữ ở mức cao, nhưng việc CPH chuyển đổi thành công ty cổ phần trên thực tế đã góp phần tạo cơ hội phát triển cho DN. Các DN này cũng đều thực hiện đúng quy định về bán vốn nhà nước. Theo đó, sau khi không bán hết cổ phần lần đầu ra công chúng với mức giảm tỷ lệ cổ phần nhà nước theo quy định, thì DN sẽ tiếp tục bán vòng 2 và các vòng tiếp theo. Mặt khác, nếu có yêu cầu từ phía đối tác chiến lược và DN, Chính phủ có thể xem xét điều chỉnh lại phương án CPH, trong đó có thể gồm việc giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước. Đơn cử, các DN thuộc ngành xây dựng, như LILAMA, Sông Đà tới đây cần có phương án đẩy nhanh bán vốn cho đối tác chiến lược. Bộ Xây dựng nên cân nhắc, rà soát các trường hợp này căn cứ theo quy định của pháp luật, quy hoạch phát triển của ngành, đặc thù của từng DN.

Tới đây, khi sửa Quyết định 37/2014/QĐ-TTg về tiêu chí, danh mục phân loại, sẽ xác định rõ hơn những DN thuộc diện Nhà nước không cần nắm giữ tỷ lệ chi phối, có phương án CPH tốt, năng lực DN tốt thì không nên đặt lộ trình bán từng phần, mà nên xây dựng phương án bán hết phần vốn nhà nước theo quy định. Còn các DN phải tiếp tục đợt bán thứ hai sau khi bán chưa hết lần một thì phải cân nhắc để bảo đảm thoái vốn thành công, tránh tư tưởng phải bán ồ ạt có thể dẫn đến thất thoát.

Sản xuất quạt gió tại Công ty Cơ điện Thống Nhất. Ảnh: Thái Hiền


- Chính phủ đã chỉ đạo sẽ thoái vốn nhà nước tại những DN mà Nhà nước không cần nắm giữ, bao gồm cả những DN đang kinh doanh có hiệu quả theo đúng quy định. Vậy, chủ trương này đã được thực hiện thế nào, thưa ông?

- Đây là những DN đang hoạt động kinh doanh rất tốt, có thể xem là "của để dành", nên cần có cách làm tốt nhất. Nếu thoái vốn nhà nước cùng lúc khỏi những DN này có thể đẩy "sức nóng" của thị trường tăng cao, gây bất lợi cho các DN này cũng như các DN khác. Bởi cùng một lượng vốn tốt bán ra thị trường thì có thể bị ép giá, rất thiệt thòi. Lộ trình thoái vốn tại những DN này như thế nào sẽ được công khai trong thời gian tới sau khi cân nhắc, tính toán cẩn thận phương án bán và thời điểm bán. Đơn cử trường hợp của Vinamilk, Chính phủ đã có yêu cầu về lộ trình, các phương án thực hiện. Đến nay, DN này vẫn chưa công bố được phương án thoái vốn vì phải tính toán thận trọng và đây cũng là quyền của Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), trong đó cả yếu tố mang tính chất bí mật của DN trong kinh doanh. Do đó, theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, chúng ta nên tôn trọng quyền của DN. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã có yêu cầu sớm báo cáo lộ trình thoái vốn tại Vinamilk.

- Với các đơn vị như Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), bao giờ Nhà nước sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ xuống dưới 51%?

- Trước mắt, Nhà nước vẫn có thể giữ tỷ lệ vốn như hiện nay (trên 51%) tại VietinBank, Vietcombank và BIDV. Trong tương lai, khi xây dựng và điều chỉnh các đề án tái cơ cấu ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tính toán lại, vì đây là những lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn.

- Việc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chậm thoái vốn khỏi một số DN thuộc diện Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối đang được dư luận quan tâm. Theo ông, điều này liệu có khiến quá trình thoái vốn nhà nước sẽ chậm?

- Năm 2006, SCIC được thành lập và số DN được bàn giao để quản lý là khoảng 900 DN. Hiện vẫn còn khoảng 400-500 DN chưa được bàn giao. Các tập đoàn, tổng công ty thực hiện CPH DN theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Căn cứ vào lộ trình đó, SCIC sẽ phối hợp với cơ quan đại diện chủ sở hữu để xây dựng kế hoạch cụ thể với từng DN được bàn giao cho SCIC quản lý.

Về vấn đề thoái vốn ngoài ngành, những phần vốn tốt nhất đã làm rồi, những phần vốn còn lại chủ yếu là phải cắt lỗ. Ngoài ra, còn một số dự án đầu tư ngoài ngành chưa hiệu quả nên khó thoái vốn. Một số trường hợp thoái vốn chậm là do nghẽn ở việc DN có dấu hiệu vi phạm pháp luật, khi cơ quan chức năng vào cuộc nhà đầu tư sẽ nghe ngóng, tìm hiểu chứ chưa dám mua. Mặt khác, Chính phủ cũng đã giao Bộ Tài chính có phương án để khi tiến hành đấu giá số vốn nhà nước cần thoái phải có biện pháp kiểm tra năng lực tài chính của nhà đầu tư. Bởi đã có trường hợp nhà đầu tư đăng ký mua và trúng thầu, nhưng lại bỏ cọc. Điều này chứng tỏ năng lực tài chính yếu kém, hoặc nhà đầu tư "cơ hội" muốn mua nhưng không đủ tiền… Những trường hợp như vậy phải xem xét cụ thể, thậm chí khi nhà đầu tư bỏ cọc có thể công khai danh tính để cảnh báo cho thị trường.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Thận trọng, tránh thất thoát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.