Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khuyến khích doanh nghiệp tham gia

Phương Nhi| 27/06/2016 07:49

(HNM) - Việt Nam được nhận định là một trong 5 quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu (BĐKH). Cùng với nỗ lực của Chính phủ trong triển khai nhiều thể chế chính sách và chương trình hành động nhằm tăng cường năng lực quốc gia thích ứng và ứng phó hiệu quả với hiện tượng này,

Dự án "Hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng dẫn dụ cá sử dụng đèn led" của Công ty Kỹ thuật Novas (Đà Nẵng) là một trong 19 dự án được trao giải “Khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với BĐKH”, do Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với BĐKH (VCIC) - Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức trung tuần tháng 6, tại Hà Nội. Trao đổi về ý tưởng dự án, anh Nguyễn Nam Hải, Phó Tổng Giám đốc Công ty Kỹ thuật Novas cho biết, công trình nghiên cứu từ năm 2013, xuất phát từ việc ngư dân thường sử dụng đèn sợi đốt công suất 1.000 wat (tương đương với một máy điều hòa nhiệt độ) để dẫn dụ cá khi đánh bắt. Một tàu bình quân có 50-100 bóng và sử dụng điện từ máy nổ, do vậy rất tốn kém, cỡ 40-50 triệu đồng tiền dầu, nhưng hiệu quả không cao, chỉ khoảng 15% ánh sáng chiếu được xuống nước. “Từ đó, chúng tôi nghĩ, phải sản xuất loại đèn tiết kiệm năng lượng, giúp giảm phát thải CO2 và tăng hiệu quả sử dụng cho ngư dân” - anh Nguyễn Nam Hải nói.

Từ ý tưởng ban đầu đến sản phẩm thực tế, nhóm của anh Hải gặp khá nhiều khó khăn. Đèn led thông thường sau vài tháng bị nước biển ăn mòn, phải thay thế rất tốn kém, nên nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm thay thân đèn bằng inox để thích ứng với nước biển. Tuy nhiên, nảy sinh vấn đề khác là khi đèn được thắp sáng sẽ tỏa nhiệt lớn, nếu không kịp giải nhiệt đèn bị cháy. Cuối cùng, nhóm nghiên cứu quyết định lấy chính nước biển đưa vào trong đèn để giải nhiệt. "Ngoài đèn trên boong, chúng tôi lắp thêm đèn led có công suất lớn hạ sâu xuống 50m dưới mực nước biển. Cá bị thu hút nhiều hơn, đặc biệt là cá dưới tầng nước sâu, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho bà con” - anh Hải cho biết thêm.

Tại lễ trao giải “Khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với BĐKH”, ông Achim Fock, quyền Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam cho biết, 19 doanh nghiệp được vinh danh đều có ý tưởng xuất sắc, chứng minh được tác động tích cực của công nghệ đối với tăng trưởng xanh và xây dựng nền kinh tế cacbon thấp ở Việt Nam. Ngoài dự án "Hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng dẫn dụ cá sử dụng đèn led" của Công ty Kỹ thuật Novas, có thể kể đến dự án thương mại hóa và nhân rộng mô hình sản xuất, tiêu dùng thực phẩm hữu cơ khép kín, không chất thải; dự án "Đi chung" - phát triển giải pháp đi chung xe dựa trên nền tảng trực tuyến, giúp người tham gia giao thông tiết kiệm chi phí, đồng thời giảm số lượng xe lưu hành trên đường; dự án trạm thời tiết tự động dự báo và cảnh báo, phục vụ sản xuất nông nghiệp và cộng đồng dân cư...

Cùng với việc vinh danh doanh nghiệp, VCIC tiếp tục tìm kiếm, lựa chọn và hỗ trợ ươm tạo các ý tưởng sáng tạo công nghệ ứng phó với BĐKH, thông qua các cuộc thi. Theo VCIC, tùy từng quy mô, mỗi dự án sẽ được hỗ trợ kinh phí tương ứng, cao nhất là 75.000 USD, để phát triển sản phẩm. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng, các doanh nghiệp đã có một giai đoạn chạy theo tăng trưởng mà xem nhẹ yếu tố môi trường. Điều này phải thay đổi, từ quy trình sản xuất đến đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải và rác thải, để bảo đảm môi trường. Xu thế tiêu dùng toàn cầu hiện nay là chú trọng hơn việc sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường.

Cũng theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, Chính phủ quyết tâm đến năm 2020 sẽ không tồn tại doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chính phủ có chủ trương, chính sách cụ thể khuyến khích các doanh nghiệp bảo vệ môi trường. Phát triển năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo là một trong những chính sách được ưu tiên, với việc hỗ trợ về đất đai, thuế... Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam cũng dành một phần chi phí lớn cho lĩnh vực này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khuyến khích doanh nghiệp tham gia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.