Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động

Hồng Sơn| 23/07/2016 07:35

(HNM) - Từ đầu tháng 7-2016, khi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp có hiệu lực, hàng nghìn điều kiện kinh doanh (ĐKKD) đang được quy định tại các thông tư trong 10 năm qua, nay không đúng với tinh thần của luật, không tiếp tục được quy định trong các nghị định mới đương nhiên bị bãi bỏ.

Việc bãi bỏ các quy định không sát thực giúp doanh nghiệp thuận lợi trong phát triển sản xuất kinh doanh. Ảnh: Nhật Nam


Nhưng, các ngành chức năng và doanh nghiệp (DN) vẫn cần xác định, chặng đường phía trước còn dài và việc cải cách cần tiếp tục tiến hành mạnh mẽ nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN hoạt động.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có nhiều ĐKKD đã bị bãi bỏ, một số khác được “nâng lên”, quy định tại các nghị định. Về lý thuyết, đã có khoảng 3.000 ĐKKD được bãi bỏ, nhưng vấn đề đáng lo ngại là khả năng một số ĐKKD được chuyển sang các văn bản quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn của các ngành. Trong khi đó, thời gian dành cho việc đánh giá nội dung, nhất là sự chính xác, mức độ hợp lý của dự thảo 50 nghị định mới quy định ĐKKD lại rất gấp, do VCCI chỉ được tiếp cận với các dự thảo này từ cuối tháng 6.

Thực tế cho thấy, VCCI đã tổ chức một số hội thảo có nội dung liên quan đến ĐKKD, chủ động mời các DN tham gia, nhất là đóng góp ý kiến với các bộ. Vì vậy, cộng đồng DN vẫn còn tâm lý băn khoăn, mong muốn tiếp tục rà soát các quy chuẩn này để bảo đảm tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN. Đặc biệt, dư luận tỏ ra lo ngại, phân vân trước tình huống DN đối diện với một số quy định rất chung chung như “theo đúng quy định pháp luật”, mà không ghi rõ là luật nào, hay quy định về vốn tối thiểu của DN…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, việc thực hiện rà soát ĐKKD lần này là cơ hội chưa từng có, liên quan mật thiết đến công tác quản lý, đặc biệt là đối với DN; cần thống nhất cách hiểu, hành xử là chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Tóm lại, các quy định pháp luật phải đáp ứng được yêu cầu chính đáng của DN để từ đó xây dựng môi trường đầu tư - kinh doanh minh bạch, dễ hiểu và thân thiện với người dân, DN.

Đến nay, các bộ đã ban hành văn bản về việc bãi bỏ toàn bộ, hoặc một phần các văn bản quy định về ĐKKD trước đây. Đơn cử, Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư 22/2016/TT-BXD để bãi bỏ hai thông tư, một quyết định, một chỉ thị có liên quan đến các vấn đề như quản lý vật liệu xây dựng, ĐKKD xây dựng, vệ sinh lao động trong Ngành Xây dựng cũng như bãi bỏ một số điều trong các thông tư đã ban hành. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước cũng quyết định bãi bỏ nhiều quy định liên quan đến ĐKKD thuộc về nội dung cho vay, thực hiện ủy thác, chi nhánh ngân hàng nước ngoài…, giúp Ngành Ngân hàng nâng cao chỉ số tiếp cận tín dụng, khuyến khích đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục.

Thực tế cho thấy, cải cách là một quá trình luôn cần sự phản biện từ xã hội để hoàn thiện. Vì vậy, luôn còn “dư địa” cho việc thực hiện, nhưng phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các cấp điều hành. Chính phủ và các cơ quan quản lý, nhất là giới DN đều xác định bám sát mục tiêu hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật để bảo đảm đầy đủ quy định pháp lý cho DN hoạt động.

Về phía DN, phần lớn đơn vị đều sẵn sàng đón nhận những thay đổi tích cực trong thực hiện cải cách, nhất là các việc liên quan đến bảo đảm thực thi Luật DN và Luật Đầu tư. Ông Sỹ Danh Phúc, Giám đốc siêu thị Fivimart Trúc Khê (Hà Nội) cho biết, đơn vị rất quan tâm và theo dõi các diễn biến của giai đoạn rà soát, bãi bỏ những ĐKKD bất hợp lý vừa qua. Song, không nên coi như việc này đã hoàn thành, mà ngược lại vẫn cần tiếp tục việc rà soát, tham góp ý kiến; trong đó tập trung phát hiện những vấn đề, nội dung bất cập để hoàn thành công tác cải cách hành chính, nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư - kinh doanh quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.