Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp tục thoái vốn Habeco và Sabeco sau niêm yết: Không để nhóm lợi ích lộng hành

Theo Thanh Hương/Báo Đầu tư| 07/09/2016 10:31

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Sabeco và Habeco sẽ tiếp tục thoái vốn nhà nước sau khi niêm yết. Giới đầu tư đang chờ thêm tin tốt để xuống tiền.


Xác định giá trị

Câu hỏi được đặt ra lúc này là bao giờ thì Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) sẽ tiến hành niêm yết để thực hiện bước thoái vốn tiếp theo.

Sabeco đã tiến hành cổ phần hóa và bán đấu giá cổ phần ra công chúng lần đầu (IPO) vào ngày 28/1/2008 với giá đấu thành công bình quân đạt 70.003 đồng/cổ phần, không cao hơn mức giá khởi điểm được đặt ra là 70.000 đồng/cổ phiếu.


Nhà nước hiện nắm gần 90% vốn điều lệ tại Sabeco.


Với Habeco, phiên IPO diễn ra vào ngày 27/3/2008 có giá đấu thành công là 50.015 đồng/cổ phần, so với mức giá khởi điểm là 50.000 đồng/cổ phần.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, tiến trình niêm yết và bán tiếp phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp không tiến triển là bao.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, do quy mô vốn của Habeco và Sabeco khác nhau, nên Bộ Công thương đề xuất lộ trình thoái vốn của từng doanh nghiệp cũng khác nhau. Dự kiến, Habeco sẽ thoái toàn bộ vốn thuộc sở hữu nhà nước (81,79%) trong năm 2016. Đối với Sabeco, do vốn lớn, nên Bộ Công thương đề nghị thoái vốn chủ sở hữu nhà nước theo lộ trình làm 2 đợt. Đợt 1 bán 53,59% vốn điều lệ, đợt 2 bán 36% vốn điều lệ còn lại trong năm 2017, sau khi Sabeco đã thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán.

Về phương thức bán, ông Hải cũng cho hay, sẽ thực hiện thoái vốn theo quy định hiện hành, Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật Cạnh tranh, Luật Chống độc quyền và một số quy định pháp luật khác.

Về giá bán, sẽ thuê đơn vị tư vấn độc lập có kinh nghiệm, có thể là tư vấn nước ngoài theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để thẩm định giá cổ phiếu của 2 doanh nghiệp này tại thời điểm bán, làm căn cứ công bố giá khởi điểm trước khi thực hiện đấu giá. Trong trường hợp Habeco và Sabeco đã niêm yết, có thể lấy giá giao dịch trên sàn để tham chiếu khi xem xét xác định giá khởi điểm để đấu giá.

Điều được các nhà đầu tư rất quan tâm là đối tượng mua cổ phần của Sabeco và Habeco sẽ không phân biệt thành phần kinh tế, ngành nghề kinh doanh bởi đều có thể tham gia đấu giá.

Cũng theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, khi bán cổ phần tại các doanh nghiệp này, giá trị quyền sử dụng đất phải tính riêng.

Nhận xét về chỉ đạo của Thủ tướng trong việc thoái vốn nhà nước tại Sabeco và Habeco, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, thị trường đã chờ đợi quyết định này từ rất lâu và đây là một quyết định tốt cho tất cả bên tham gia thị trường trừ nhóm lợi ích.

“Với Nhà nước, phương án này sẽ xóa bỏ được sự bắt tay của các nhóm lợi ích làm thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình bán vốn thông qua việc giới hạn các nhà đầu tư theo ý muốn chủ quan của những người trực tiếp thực hiện, qua đấy sẽ tối ưu khoản thu thoái vốn. Việc hoạt động minh bạch khi niêm yết sẽ giúp công ty hiệu quả hơn, nộp thuế cho ngân sách sẽ cao hơn và phần lãi cổ đông phần nhà nước còn nắm giữ cũng sẽ cao hơn”, ông Hưng nhận xét.

Nguồn tin từ Bộ Công thương cho hay, bộ này đang chờ quyết định chính thức của Thủ tướng Chính phủ để triển khai các công việc tiếp theo. Theo kế hoạch, việc thuê tư vấn nước ngoài vào để định giá sẽ được thực hiện trước, sau đó là lập phương án và tiến hành đấu giá.

Chi phí cho việc thuê tư vấn này chưa được xác định, nhưng có nguồn tin cho rằng, giá thuê có thể lên tới cả triệu USD. Tuy nhiên, với tư cách là người trong nghề, ông Hưng bình luận, có thể chỉ mất vài trăm ngàn USD và thực hiện trong thời gian 2 tháng trở lại là xong.

Ẩn số hãng bia nước ngoài


Ngóng đợi thông tin mới về cổ phần hóa Sabeco, Habeco còn có các hãng bia ngoại. Thời gian qua, việc bán tiếp cổ phần nhà nước tại Sabeco đã từng được lên kế hoạch, nhưng trong các tiêu chí được lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, có yêu cầu loại trừ các nhà đầu tư là những hãng bia nổi tiếng thế giới, bởi có sự cạnh tranh, đối đầu trực tiếp đã được đưa ra. Bởi vậy, các tên tuổi như Heineken, AB Inbev, ThaiBev, Asahi… tuy rất quan tâm tới việc mua cổ phần của Sabeco thời gian qua, nhưng xem ra khó “lọt mắt xanh”.

Chia sẻ với phóng viên, đại diện một công ty bia nước ngoài từng rất quan tâm tới việc mua cổ phần của Sabeco cho hay, những chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ về bán tiếp cổ phần nhà nước tại Sabeco và Habeco đã được báo cáo về Tập đoàn. “Tuy nhiên, do mới quá và chưa có phương án chính thức được quyết định nên chưa thể bình luận thêm được gì”, vị này cho biết và nhấn mạnh, cách suy nghĩ, nhà đầu tư nước ngoài mua xong sẽ xóa thương hiệu Việt Nam đi là không hợp với xu thế hiện nay.

“Nhà đầu tư nước ngoài bỏ tiền ra mua thương hiệu, mua giá trị thương hiệu mà mua xong lại tự tay xóa đi thứ đang hái ra tiền thì không đúng. Cạnh đó, việc niêm yết, đấu giá công khai, không hạn chế tiêu chí nhà đầu tư tham gia sẽ giúp minh bạch và mang lại lợi cao nhất cho ngân sách nhà nước”, vị này nói.

Hiện Habeco có 15,77% vốn điều lệ được nắm giữ bởi Carlsberg (Đan Mạch). Nhà đầu tư này cũng từng mong muốn sẽ tăng tỷ lệ nắm giữ tại Habeco lên 30% vốn điều lệ.

Tại Sabeco, trong tổng 10,41% vốn điều lệ được nắm giữ bởi các nhà đầu tư ngoài nhà nước có 5% thuộc về Tập đoàn Heineken.

“Sau mấy hôm nghỉ lễ, trên thị trường chứng khoán lại vừa đồn thông tin Sabeco đang muốn được bán trước rồi mới lên sàn niêm yết. Nếu điều này xảy ra thì lại có dấu hiệu lợi ích nhóm tại đây”, một nhà đầu tư chứng khoán cho hay và kỳ vọng, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chống lợi ích nhóm sẽ được thực thi nghiêm túc trong việc bán cổ phần tại Sabeco và Habeco.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục thoái vốn Habeco và Sabeco sau niêm yết: Không để nhóm lợi ích lộng hành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.