Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ hội từ "vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo"

Việt Nga| 23/12/2016 07:21

(HNM) - Tháng 5-2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) đến năm 2020, trong đó có giải pháp hỗ trợ DN khởi nghiệp (startup) đổi mới sáng tạo để có ít nhất 1 triệu DN hoạt động có hiệu quả.

Công ty Eway - một doanh nghiệp startup thành công trong lĩnh vực phân phối và quảng cáo trực tuyến tại khu vực.


UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành quyết định phê duyệt đề án xây dựng "Vườn ươm DN công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo"… Đây là cơ hội để các DN startup trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) phát triển thuận lợi.

Không để “chảy máu” chất xám

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có 1.500 DN startup trong lĩnh vực CNTT, lớn hơn số lượng DN CNTT đang hoạt động tại Việt Nam. Trong số này, sinh viên và thanh niên khởi nghiệp chiếm tỷ trọng lớn. Theo đánh giá của Google, Việt Nam có thể phát triển mạnh DN startup CNTT vì Việt Nam là quốc gia duy nhất trong nhóm các nước đang phát triển có tỷ lệ người sử dụng internet chiếm hơn một nửa dân số; thêm nữa, số lượng người truy cập bằng điện thoại, lập tài khoản mạng xã hội… cao cho thấy tiềm năng lớn để phát triển.

Tuy nhiên, tình trạng “chảy máu” chất xám trong lĩnh vực CNTT đang diễn ra khi không ít DN startup Việt Nam đăng ký kinh doanh ở nước ngoài. Có thể kể đến Công ty DesignBold - một hiện tượng mới của startup Việt Nam khi bất ngờ đạt doanh thu 3 tỷ đồng trong 2 tuần ra mắt (dự án được hình thành từ một lớp học tại Israel); song DN này lại được thành lập tại Mỹ (cũng là thị trường chính của DesignBold). Hay như mạng xã hội Lozi (về địa điểm ăn uống và nhà hàng) được đăng ký thành lập tại Singapore với vốn đầu tư đến 5 triệu USD từ Quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate Ventures của Singapore và Tập đoàn DesignOne Japan của Nhật Bản.

Sàn giao dịch tiếng Anh cho người Việt Antoree.vn; dự án BabyMe - ứng dụng giúp các bà mẹ Việt chăm sóc sức khỏe cũng được “khai sinh” ở nước ngoài… Một phần nguyên nhân khiến các startup thành lập DN ở nước ngoài là dễ được “rót” vốn từ các quỹ đầu tư nước ngoài… Đây rõ ràng là sự “chảy máu chất xám” nếu như cơ quan chức năng không có các biện pháp quản lý hữu hiệu. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã từng phát biểu, không có lý do gì để các DN người Việt Nam, hoạt động tại Việt Nam nhưng lại đóng thuế cho nước ngoài. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ và các bộ, ngành đã, đang triển khai các giải pháp để hỗ trợ DN khởi nghiệp…

Hà Nội miễn phí mặt bằng cho doanh nghiệp startup sáng tạo

Hà Nội đặt ra mục tiêu đến năm 2020 phát triển 200.000 DN mới. Thành phố cũng đã công bố kế hoạch, giải pháp để thực hiện mục tiêu này, trong đó có kế hoạch để hỗ trợ và ưu tiên startup trong lĩnh vực công nghệ, sáng tạo. Cụ thể, đầu tháng 11-2016, UBND thành phố đã ban hành Quyết định 6165/QĐ-UBND phê duyệt Đề án "Vườn ươm DN CNTT đổi mới sáng tạo Hà Nội". Mục tiêu là trong vòng một chu kỳ (3 năm) tiếp nhận tối thiểu 12 DN khởi nghiệp, kết quả ươm tạo đạt 70% DN có khả năng tồn tại và thành công. Trong đó có 5 DN gọi được vốn đầu tư lần đầu và hỗ trợ thương mại hóa tối thiểu 2 ý tưởng kinh doanh.

Cùng với đó, thành phố đồng hành hỗ trợ khóa đào tạo; cung cấp cơ sở vật chất - kỹ thuật; các dịch vụ tư vấn; nâng cao năng lực, sản xuất, kinh doanh, tiếp cận thị trường, vốn đầu tư, kỹ thuật, công nghệ cho các DN startup trong vườn ươm; thực hiện kết nối với các nhà đầu tư cho DN… Tại không ít cuộc hội thảo, diễn đàn về DN do UBND thành phố và VCCI tổ chức, lãnh đạo thành phố cũng nhiều lần khẳng định Hà Nội sẽ huy động nguồn lực và tạo cơ chế thông thoáng, đồng hành với các DN, trong đó chú trọng ưu tiên tạo điều kiện cho DN đổi mới sáng tạo phát triển.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông - đơn vị đầu mối triển khai đề án, Sở dành toàn bộ sàn tầng 8 (tương đương 400m2, đáp ứng được nhu cầu cho 10 DN) của tòa nhà Trung tâm Giao dịch CNTT Hà Nội ở trụ sở 185 Giảng Võ cho DN startup được lựa chọn vào “vườn ươm”. Khi đó, các DN hoạt động tại đây không phải trả phí thuê mặt bằng, chỉ phải trả phí điện, nước, vệ sinh. Cùng với đó, thành phố cũng hỗ trợ đào tạo, về thủ tục hành chính, về kết nối với các quỹ đầu tư... Hiện Sở đang cùng các bên liên quan gấp rút để bảo đảm từ ngày 1-1-2017, “Vườn ươm” của Hà Nội hỗ trợ các startup chính thức được
hoạt động.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội từ "vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.