Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà nước không làm thay doanh nghiệp

Việt Nga| 20/01/2017 07:20

(HNM) - Cuối tháng 12-2016, UBND TP Hà Nội đã có văn bản đồng ý với chủ trương bàn giao nguyên trạng các công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị sử dụng chung cho các doanh nghiệp (DN) quản lý, duy trì.


Như vậy, các công trình ngầm được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước lần đầu tiên được giao cho DN quản lý và khai thác. Điều này cũng thể hiện tư duy mới của thành phố tách bạch giữa quản lý nhà nước và kinh doanh, nhà nước không làm thay DN…, nhằm đem lại hiệu quả hoạt động cao nhất.

Sớm bàn giao cho doanh nghiệp

UBND thành phố đã thống nhất bàn giao các công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị sử dụng chung (tuynel, hào, cống bể kỹ thuật gồm: Các bể cáp kỹ thuật, ga kỹ thuật, tủ cáp thông tin, ganivo, ống kỹ thuật để luồn cáp) được đầu tư bằng ngân sách nhà nước cho các đơn vị Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Công ty CP Viễn thông FPT, Công ty CP Đầu tư thương mại và xây dựng đô thị Hà Nội tiếp nhận, quản lý, duy trì. Trong đó, MobiFone tiếp nhận, quản lý, duy trì các công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn 10 quận, huyện: Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Đống Đa, Thanh Trì; các công trình ngầm đang triển khai trên địa bàn quận Ba Đình, Hai Bà Trưng.

FPT tiếp nhận, quản lý, duy trì các công trình ngầm tại 5 quận, huyện: Long Biên, Gia Lâm, Sóc Sơn, Đông Anh, Mê Linh. Công ty CP Đầu tư thương mại và xây dựng đô thị Hà Nội tiếp nhận, quản lý, duy trì công trình ngầm (do Sở TT-TT quản lý) thuộc địa bàn 11 quận, huyện: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân, Tây Hồ, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Gia Lâm, Sóc Sơn. Trong đó, với các công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung do Sở TT-TT quản lý, việc tiếp nhận chuẩn bị đưa vào quản lý, khai thác, bàn giao trước ngày 25-1. Từ ngày 10-2 đến 31-3 hoàn thành việc tiếp nhận, bàn giao các công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị sử dụng chung do UBND các quận, huyện, các sở chuyên ngành quản lý, hoặc hoàn thành việc đầu tư xây dựng... Cùng với đó, UBND thành phố giao Sở TT-TT chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng cùng Sở Tài chính, Giao thông Vận tải triển khai thông báo này.

Theo đại diện Ban quản lý dự án thuộc Tổng công ty Viễn thông MobiFone, do đặc thù hoạt động trước đây là trực thuộc Tập đoàn VNPT và chỉ kinh doanh di động, nên so với hai nhà mạng đối thủ là VNPT và Viettel, MobiFone hầu như chưa xây dựng được mạng lưới truyền dẫn tại Hà Nội. Do vậy, sau khi hoạt động độc lập, với mong muốn thiết lập mạng truyền dẫn để cung cấp đa dịch vụ một cách tốt nhất, thì việc đầu tư, quản lý và khai thác công trình ngầm được chú trọng và ưu tiên trong chiến lược phát triển. Vì vậy, chủ trương Hà Nội thực hiện xã hội hóa, giao cho DN tham gia là cơ hội tốt cho MobiFone tham gia để bình đẳng với các DN khác.

Không bàn giao vĩnh viễn

Trao đổi với Báo Hànộimới, Giám đốc Sở TT-TT Phan Lan Tú cho biết, thay vì trước đây thành phố chi vốn từ ngân sách đầu tư, chi phí quản lý, duy trì..., thì nay thành phố chuyển và xây dựng cơ chế để DN triển khai thực hiện với yêu cầu bảo đảm chất lượng quy định. Trên quan điểm đó, tập thể lãnh đạo UBND thành phố đã thống nhất và giao Sở làm việc với các DN trên địa bàn. Có 3 DN đăng ký nhận quản lý các công trình này là MobiFone, Công ty CP Viễn thông FPT và Công ty CP Đầu tư thương mại và xây dựng đô thị Hà Nội.

Trong số này, MobiFone là nhà cung cấp dịch vụ di động lớn và có phong cách làm việc rất chuyên nghiệp, FPT là nhà cung cấp dịch vụ internet mạnh đã có sẵn hạ tầng cáp quang trên địa bàn, còn Công ty CP Đầu tư thương mại và xây dựng đô thị Hà Nội là DN mạnh về phát triển hạ tầng và cũng là đơn vị làm hầu hết các công trình ngầm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Trên cơ sở xét duyệt đề án của 3 DN, Sở đã trình và được UBND thành phố đồng ý với chủ trương giao cho các DN này quản lý, duy trì và khai thác hệ thống công trình ngầm đã được đầu tư bằng vốn ngân sách.

Trước đó, ngày 11-1-2017, Sở TT-TT đã tổ chức hội nghị cùng với các sở, ngành liên quan và 3 DN kể trên để cùng bàn bạc và thống nhất về vấn đề này. Cùng với đó, Sở TT-TT chủ trì phối hợp xây dựng quy trình phối hợp, quản lý nhằm bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ của DN được giao cũng như DN, cơ quan, đơn vị thuê công trình ngầm. Đặc biệt là việc xây dựng đơn giá thuê công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật bảo đảm chi phí hoạt động cho DN quản lý cũng như giá thuê cho khách hàng. Theo Giám đốc Sở TT-TT Phan Lan Tú, việc giao cho DN quản lý được dự kiến là có thời hạn, song thời hạn cũng phải dựa trên sự tính toán, tránh trường hợp gây thiệt hại cho DN sau khi DN bỏ vốn duy tu, bảo dưỡng..., và đặc biệt là không giao khối tài sản này vĩnh viễn cho DN quản lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà nước không làm thay doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.