Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sẽ thay đổi mạnh về chất

Đức Anh| 14/02/2017 07:35

(HNM) - Năm 2017 sẽ tập trung vào chất lượng cổ phần hóa (CPH), vốn nhà nước ở các doanh nghiệp (DN) phải giảm tối đa. Dự kiến, Chính phủ sẽ ban hành danh mục quy định rõ


Vinamilk là đơn vị sớm cổ phần hóa và đạt được hiệu quả cao. Ảnh: Hải Anh



Cổ phần hóa vẫn chưa đạt mục tiêu

Theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, giai đoạn 2011-2015, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã sắp xếp được 591 DN (đạt 96% kế hoạch). Sau 5 năm, đã có 5.950 DN được sắp xếp lại, trong đó CPH 4.460 DN. Nếu tính thêm số DN nhà nước sắp xếp trong năm 2016 là 60 DN, đến nay tổng số DN nhà nước sắp xếp lại là 6.010 DN. Tuy nhiên, báo cáo tổng kết công tác đổi mới DN nhà nước cũng nêu rõ, một trong những nguyên nhân dẫn tới các hạn chế trong quá trình CPH DN nhà nước chính là lợi ích cục bộ, tư duy nhiệm kỳ và một số cán bộ quản lý sợ "mất ghế” nên chần chừ CPH, thoái vốn nhà nước, hoặc đề nghị Nhà nước tiếp tục nắm giữ tỷ lệ chi phối vốn khi CPH.

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho biết, giai đoạn 2011-2015, việc sắp xếp, CPH đã được tích cực triển khai, trong năm 2016 tiếp tục được đẩy mạnh. Mặc dù năm 2016 chỉ có 56 DN được phê duyệt kế hoạch CPH, song đây đều là các tập đoàn lớn, trong đó có đơn vị đang CPH như Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam. Nếu thực hiện với tiến độ như trước, việc CPH tập đoàn này có thể mất tới 2-3 năm. Ngoài lý do thời gian, thì quan trọng là các DN không "mặn mà" CPH, vì lo ngại tổng công ty sau khi chuyển sang cho tư nhân thì lãnh đạo sẽ... thất nghiệp.

Trước thực trạng này, tại hội nghị toàn quốc về triển khai công tác đổi mới sắp xếp DN nhà nước giai đoạn 2016-2020 vừa diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu nêu rõ trách nhiệm cá nhân của từng tổng giám đốc tập đoàn, DN nhà nước khi chậm trễ trong CPH cũng như các vấn đề trong việc định giá tài sản vốn, định giá "đất vàng". Theo dẫn chứng của Thủ tướng, “có DN rất lớn khi tiến hành định giá và Kiểm toán Nhà nước xác định lại chênh lệch tới 10.000 tỷ đồng”.

Giai đoạn 2016-2020, Chính phủ xác định, những DN mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn và cổ phần chi phối chỉ duy trì trong những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng, quốc phòng an ninh hay ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, DN thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.



Xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân

Việc sắp xếp, CPH và thoái vốn khỏi những lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ không chỉ giúp ngân sách quốc gia thu về một khoản tiền lớn, mà còn tạo động lực cho các DN tư nhân phát triển. Câu chuyện của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) là những ví dụ điển hình. Cách đây hơn 10 năm, Sabeco là DN lớn hơn nhiều so với Vinamilk, với lợi nhuận cao gần gấp đôi, nhưng đến nay lợi nhuận của Vinamilk đã gần gấp 3 lần Sabeco. Cả hai đơn vị này đều thuộc những ngành Nhà nước chủ trương thoái vốn, không nắm giữ cổ phần chi phối và có khả năng tăng trưởng rất cao. Vì vậy, cơ hội cho các nhà đầu tư cũng chính là cơ hội đổi mới cho hai DN này.

Theo tính toán của Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI), việc CPH và thoái vốn nhà nước tại các DN có thể giúp ngân sách thu về khoảng 15 tỷ USD. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2016 ước đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 50 tỷ USD, trong đó 15 tỷ USD dự kiến thu được từ việc CPH, thoái vốn và đây là một con số không nhỏ. Vì vậy, quyết tâm "Nhà nước sẽ không còn đi bán bia, bán sữa" của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc không chỉ đem lại những lợi ích lớn cho quốc gia mà còn tạo điều kiện để các DN tư nhân đảm nhiệm và làm tốt chức năng tại hai lĩnh vực này.

Tại Chỉ thị 04/CT-TTg về việc đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới DN nhà nước giai đoạn 2016-2020 vừa ban hành, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị liên quan có cơ chế phù hợp để thu hút các nhà đầu tư chiến lược có năng lực, giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước xuống mức đủ để thay đổi quản trị DN, xây dựng chiến lược hoạt động kinh doanh cho từng DN, nghiên cứu, xác định giá trị thương hiệu vào giá trị DN khi CPH.

Đặc biệt, Chỉ thị này nêu rõ yêu cầu xử lý nghiêm lãnh đạo DN nhà nước, người đại diện phần vốn nhà nước tại DN không nghiêm túc thực hiện, hoặc thực hiện không có kết quả việc sắp xếp, CPH, thoái vốn nhà nước tại DN. Ông Đặng Quyết Tiến cho biết thêm, tới đây chúng ta sẽ ghi rõ từng DN nhà nước giữ bao nhiêu phần trăm vốn nhà nước. Năm 2017, công tác CPH và thoái vốn sẽ tập trung vào chất lượng, vốn nhà nước ở các DN phải giảm tối đa để dành cho các cổ đông khác tham gia đầu tư. Mục tiêu của Chính phủ là đưa DN lên thị trường để công khai minh bạch. DN nào càng "trốn" niêm yết càng chứng tỏ có vấn đề về quản trị và có thể cá nhân lãnh đạo sợ mất lợi ích.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sẽ thay đổi mạnh về chất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.