Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển

Hương Ly| 24/05/2017 06:47

(HNM) - Hôm qua 23-5, Quốc hội đã nghe Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017; dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018 và thảo luận tại tổ về các chương trình này.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội thảo luận tại tổ. Ảnh: Viết Thành


Tiếp đó, Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật này. Đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng, cần tập trung làm rõ các tiêu chí hỗ trợ để giúp dự án luật sớm đi vào cuộc sống, tạo hành lang pháp lý, đạt được mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, phát triển bền vững.

Làm rõ những tiêu chí hỗ trợ

Phiên thảo luận tại hội trường chiều 23-5 đã ghi nhận nhiều ý kiến của các đại biểu xung quanh dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hay khu vực kinh tế tư nhân. Tại Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xác định, khu vực kinh tế tư nhân chính là động lực để phát triển nền kinh tế. Tuy nhiên, đa số ý kiến cho rằng, các tiêu chí hỗ trợ tại dự án luật cần được cụ thể hóa nhằm bảo đảm tính thống nhất của pháp luật, tính công bằng giữa các đối tượng được thụ hưởng ưu đãi và tránh tình trạng doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ phát triển đến một mức độ nhất định để duy trì việc hưởng hỗ trợ.

Một trong những vấn đề nổi bật được nhiều đại biểu quan tâm chính là quy định về hỗ trợ thuế. Một số đại biểu đề nghị, chỉ hỗ trợ thuế cho các đối tượng hỗ trợ trọng tâm theo quy định của luật, không hỗ trợ cho toàn bộ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tránh làm giảm thu ngân sách. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) cho rằng, các hộ kinh doanh vẫn nộp thuế thu nhập theo quy định thì doanh nghiệp nhỏ và vừa phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là việc bình thường. Việc miễn thuế có thời hạn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ dẫn đến bất bình đẳng và làm ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách vốn đang eo hẹp. Thêm vào đó, việc miễn lệ phí môn bài là phù hợp, song cần cân nhắc thời hạn miễn thuế cụ thể, bởi quy định này phải tuân theo Pháp lệnh Phí và lệ phí để không gây mâu thuẫn giữa các văn bản pháp quy.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Đoàn Phú Thọ) cũng cho rằng, ngân sách nhà nước hiện rất khó khăn. Trong giai đoạn trước, tổng vốn ngân sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp theo thống kê của Bộ Tài chính là 200 tỷ đồng. Để duy trì mức hỗ trợ này đã khó, nếu quy định hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là không khả thi. Do đó, thay vì tăng hỗ trợ, nên nỗ lực cải cách bộ máy hành chính, nâng cao tinh thần phục vụ… nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Về tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo đại biểu Cao Thị Giang (Đoàn Quảng Bình), không nên đưa tiêu chí nguồn vốn vào dự luật, bởi tiêu chí này không phản ánh đúng thực chất giá trị doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, có doanh nghiệp có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, nhưng vốn hoạt động vẫn phải vay ngân hàng. Do vậy, ngoài tiêu chí lao động, nên bỏ tiêu chí tổng nguồn vốn và chỉ nên xét thêm tiêu chí doanh thu để xác định đâu là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đồng tình với chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, song đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn TP Hồ Chí Minh) còn băn khoăn về độ rủi ro kinh doanh khá cao từ các doanh nghiệp này. Đại biểu đặt câu hỏi, khi đầu tư ngân sách vào một lĩnh vực rủi ro khá cao, cơ chế sẽ ra sao; đồng thời cơ chế hỗ trợ phải nêu rõ trách nhiệm chia sẻ của doanh nghiệp nhằm san sẻ rủi ro ngân sách.

Tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự án luật

Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ Hoàng Quang Hàm phát biểu tại hội trường. Ảnh: TTXVN


Tại Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, theo số liệu thống kê, chỉ có khoảng 50% doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ từ dự án luật này. Số doanh nghiệp đang hoạt động và làm ăn có lãi chỉ chiếm 49,4% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Như vậy, ước tính sẽ có khoảng 301.300 doanh nghiệp được hưởng lợi trực tiếp từ dự án luật, trong đó có khoảng 4.160 doanh nghiệp vừa, 116.920 doanh nghiệp nhỏ và 173.271 doanh nghiệp siêu nhỏ.

Liên quan tới quy định miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, dựa trên cơ sở tính toán giả định về mức giảm thuế đối với doanh nghiệp vừa là 1%; doanh nghiệp nhỏ là 2% và doanh nghiệp siêu nhỏ là 3% so với mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp hiện hành, dự kiến ngân sách nhà nước sẽ giảm thu khoảng 1.920,5 tỷ đồng.

Về quy định hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, thực tế nước ta cũng như kinh nghiệm một số nước cho thấy, đã có những doanh nghiệp, cá nhân có ý tưởng độc đáo, đang trong quá trình thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ mới, có khả năng tạo ra giá trị cao khi thành công như: Phần mềm công nghệ, rô bốt thông minh, xe ô tô tự lái, tàu ngầm mi ni, lò đốt rác nhiệt độ cao… Chính vì vậy, dự thảo luật đã tiếp thu, bổ sung quy định về hướng dẫn các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm mới vào dự án luật.

Lắng nghe ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, dự án luật đóng vai trò đặc biệt quan trọng nhằm hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Dự án luật này cũng hướng tới mục tiêu thu hút nhiều nguồn lực cùng tham gia hỗ trợ doanh nghiệp chứ không chỉ sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Tiếp thu ý kiến đóng góp của 20 đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, với không khí thảo luận thẳng thắn, mang tính xây dựng, có thể kỳ vọng dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ sớm đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo động lực cho các doanh nghiệp phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.