Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đại biểu QH băn khoăn khi 10 doanh nghiệp ra đời thì 9 doanh nghiệp... "ra đi"

Bảo Hân| 09/06/2017 13:20

(HNMO) - Thảo luận tại hội trường ngày 9-6, một số đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm đến thực trạng doanh nghiệp giải thể hiện nay, mong Chính phủ có đánh giá, nhìn nhận sâu sắc hơn.



ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum).


Đánh giá sâu sắc hơn hiện trạng DN giải thể, ngừng hoạt động

ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) đánh giá cao sự điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành khi đã có tinh thần đổi mới, cải cách, kiến tạo và hành động trong thời gian qua. Điều đó đã giúp môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong các đơn vị kinh tế, nhất là các DN ngày càng thông thoáng, thuận tiện. Các số liệu thực tế đã chứng minh điều này. Theo báo cáo của Chính phủ, trong 4 tháng đầu năm 2017, có trên 39.500 DN thành lập với vốn đăng ký là 369,6 nghìn tỷ đồng, tăng 14% về số DN và 48,9% về vốn so với cùng kỳ năm 2016; có 11.545 DN quay trở lại hoạt động, tăng 1,9%... 

Theo ĐB Tô Văn Tám, đây là kết quả tốt, được cử tri và dư luận ghi nhận, chứng tỏ việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và năng lực cạnh tranh, phát triển DN đang đi đúng hướng, theo chiều hướng tốt. Tuy nhiên, ĐB cũng nhận xét, còn có điều đáng chú ý cần được đánh giá sâu thêm. Đó là cùng với việc nhiều DN mới được thành lập, số DN giải thể, ngừng hoạt động có xu hướng tăng: tổng số DN ngừng hoạt động và giải thể là 31.457 DN, bằng 79% số DN mới thành lập.

"Hiện tượng này là dấu hiệu gì của nền kinh tế? Là tốt hay chưa tốt? Chính phủ cần đánh giá, nhìn nhận sâu sắc hơn để có các giải pháp thích hợp" - ĐB Tô Văn Tám kiến nghị.

ĐB Tám cũng nêu vấn đề, phải chăng là do rào cản lợi ích cục bộ; sự trì trệ, bảo thủ trong quá trình tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng và tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức chưa làm tròn trách nhiệm, có thái độ thờ ơ, thiếu thiện chí?...


Chung mối quan tâm, ĐB Nguyễn Thị Lệ Thuỷ (Bến Tre) tập trung phân tích số lượng DN đăng ký thành lập mới tăng mạnh nhưng quy mô DN nhỏ, siêu nhỏ lại chiếm tới 95 - 96%. Theo đánh giá của cơ quan thẩm tra, quy mô DN có xu hướng nhỏ dần, thiếu tính cạnh tranh và thiếu các DN lớn làm trụ cột. Cơ cấu DN biểu hiện sự thiếu ổn định, chủ yếu là DN làm dịch vụ, thiếu các DN tập trung vào chế biến, chế tạo...

Qua số liệu DN giải thể trong 4 tháng đầu năm 2017 và theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch - Đầu tư giai đoạn 2014-2016, tốc độ tăng bình quân của DN đăng ký mới là 17%, trong khi tốc độ tăng DN giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động là 82%. ĐB Thủy lo ngại sau 3 năm nữa, chỉ tiêu có ít nhất 1 triệu DN là khó khả thi, khi hiện cả nước mới có khoảng 500.000 DN đang hoạt động.

Sự tắc trách của một số người khiến DN khốn đốn

Không chỉ nêu các "rào cản" chung, đang gây ra nhiều thách thức, khó khăn, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của DN, ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) còn dẫn ra những ví dụ cụ thể.


ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước).


"Một DN chế biến mủ cao su ở tỉnh Bình Phước bị phạt và buộc đóng cửa dây chuyền sản xuất 3 tháng chỉ vì tự thay đổi công nghệ xử lý chất thải không đúng quy định. Dù dây chuyền xử lý chất thải hiện đại hơn nhưng theo đơn vị thanh tra là không đúng quy định nên phải chấp nhận xử lý. Sau đó, cũng chính đơn vị thanh tra này lại ra văn bản huỷ bỏ quyết định đóng cửa dây chuyền sản xuất khi DN phản đối mạnh. Thiệt hại do quyết định tuỳ tiện đó, DN phải gánh chịu. Gần đây, giám đốc một DN nguyên là ĐBQH khóa trước than phiền với tôi về việc thường xuyên bị gây khó khăn trong hoạt động kinh doanh vì phải tiếp các đoàn kiểm tra liên quan đến môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, bị kéo dài thời gian xin giấy phép..." - ĐB Nguyễn Tuấn Anh nêu vài ví dụ nhỏ đang gây ảnh hưởng xấu đến niềm tin của cộng đồng DN. 


"Chỉ cần vấp phải sự tắc trách của một số cá nhân trong quá trình thực thi nhiệm vụ như trên cũng khiến DN khốn đốn, lao đao. Điều này được thể hiện gián tiếp trong báo cáo của Chính phủ khi Việt Nam đứng thứ 82 trên 189 quốc gia được xếp hạng về môi trường kinh doanh, dù năm 2016 có tăng 9 bậc" - ĐB Tuấn Anh phân tích.

Đề cập đến số liệu trong báo cáo của Chính phủ về số DN mới được thành lập và số DN giải thể, ngừng hoạt động trong 4 tháng đầu năm, ĐB Nguyễn Tuấn Anh so sánh: "như vậy cứ 10 DN ra đời thì khoảng 9 DN rời khỏi thị trường...".

ĐB Nguyễn Thị Lệ Thuỷ (Bến Tre).

ĐB Nguyễn Thị Lệ Thuỷ (Bến Tre) cũng đưa ra một ví dụ cho thấy hoạt động của các DN chế biến dừa tại địa phương đang gặp khó khăn do chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Để bảo đảm sản xuất, duy trì công ăn việc làm cho công nhân, nhiều DN phải nhập dừa từ Indonesia. Tuy nhiên, trong quá trình nhập khẩu, dừa tự nảy mầm và cơ quan quản lý nhà nước cho đây là cây giống, áp dụng quy trình nhập khẩu phức tạp, nhiêu khê và tốn thời gian. Do đó, DN thà chịu bồi thường hợp đồng, để công nhân mất việc làm chứ không tiếp tục nhập khẩu nữa.

"Đây là rào cản trong thủ tục hành chính. Nếu muốn phát triển DN thì Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt hơn, cụ thể hơn như giảm chi phí kinh doanh cho DN, cải cách thủ tục hành chính và hỗ trợ DN tiếp cận vốn tín dụng. 3 giải pháp này kết hợp với Luât Hỗ trợ DN nhỏ và vừa sắp được QH thông qua cũng đủ tạo niềm tin cho DN thành lập và duy trì kinh doanh" - ĐB Thuỷ bày tỏ. 

Kết thúc phiên thảo luận hôm nay, có 56 ĐB phát biểu tại hội trường, trong đó có nhiều ý kiến khác cũng thống nhất quan điểm: các luật được QH ban hành đều hướng đến mục tiêu tạo hành lang pháp lý để DN hoạt động thực chất, hiệu quả. Tuy nhiên, quá trình thi hành luật lại làm nảy sinh nhiều điều kiện, thủ tục gây khó khăn và hạn chế quyền tự chủ, quyền tự do kinh doanh theo luật định. Do đó, Chính phủ cần sớm tháo gỡ những rào cản này bằng những biện pháp quyết liệt, cụ thể thì mới có thể tạo động lực mạnh mẽ cho các DN mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu QH băn khoăn khi 10 doanh nghiệp ra đời thì 9 doanh nghiệp... "ra đi"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.