Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý nghiêm lãnh đạo "né" trách nhiệm

Đức Anh| 08/07/2017 06:17

(HNM) - Chậm thực hiện, sợ trách nhiệm là tình trạng chung của quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2017.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam là một trong số ít doanh nghiệp lớn đang đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa. Ảnh: Hữu Cường.


E ngại và nhiều lý do...

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), trong 6 tháng đầu năm 2017, đã có 19 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, với tổng giá trị thực tế là 31.331 tỷ đồng. Trong đó, giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 7.942 tỷ đồng. Theo phương án được phê duyệt, vốn điều lệ của 19 đơn vị này là 8.820 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước nắm giữ 4.035 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 3.073 tỷ đồng, đấu giá công khai là 1.630 tỷ đồng... Mặc dù các tập đoàn, tổng công ty nhà nước quy mô lớn như Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tổng công ty Phát điện 1, 2, 3 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil)... đã tích cực đẩy nhanh tiến độ, song so với yêu cầu giai đoạn 2017-2020 phải cổ phần hóa 137 doanh nghiệp nhà nước thì việc thực hiện còn chậm, chưa đạt kế hoạch. Nguyên nhân là một số lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước vẫn còn tư tưởng e ngại, sợ trách nhiệm. Thêm vào đó, đối tượng cổ phần hóa trong giai đoạn này chủ yếu là những doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực nên cũng cần nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý, kiểm toán trước khi công bố giá trị doanh nghiệp.

Một trong những doanh nghiệp lớn đang chậm trễ, vừa bị nêu tên là Tổng công ty Lương thực miền Nam. Theo kết luận thanh tra do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố, doanh nghiệp này đã bán tài sản trên đất, đồng thời chuyển quyền sử dụng đất sai quy định tại 3 lô đất, với giá trị 114,7 tỷ đồng. Việc sắp xếp nhà, đất, tổng công ty không báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính và UBND các tỉnh, thành phố là sai quy định tại Quyết định 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ... Với những sai phạm này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Tổng công ty Lương thực miền Nam tiếp tục triển khai cổ phần hóa theo đúng kế hoạch; kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có sai phạm.

Quyết liệt giải pháp

Theo ông Đặng Quyết Tiến, việc thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước cũng không khả quan hơn. Trong 6 tháng vừa qua, các tập đoàn, tổng công ty đã thoái được 3.466 tỷ đồng và thu về 14.842 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số thu về này phần lớn nhờ việc bán vốn tại Vinamilk, đã thực hiện từ cuối năm ngoái với tổng vốn lên tới hơn 11.000 tỷ đồng. Lý do khách quan của sự chậm trễ này là do khả năng hấp thụ của thị trường chưa lớn. Bên cạnh đó, còn một số quy định gây khó cho doanh nghiệp, tuy nhiên những vướng mắc này đã được Chính phủ xử lý. Cái khó hiện tại nằm ở yếu tố chủ quan, đó là tư tưởng chần chừ của lãnh đạo doanh nghiệp. Gần đây, nhiều doanh nghiệp "ngại" cổ phần hóa, hoặc có làm thì cũng không tích cực, quyết liệt vì việc này gắn với trách nhiệm cá nhân. Khi quy mô doanh nghiệp càng lớn thì sẽ càng "chạm" tới trách nhiệm của lãnh đạo các thời kỳ và của chính lãnh đạo hiện tại, khiến người đứng đầu các doanh nghiệp càng có tư tưởng né tránh, sợ trách nhiệm.

Bên cạnh "ngại" cổ phần hóa, việc các doanh nghiệp trì hoãn niêm yết trên sàn chứng khoán sau cổ phần hóa cũng khiến tiến trình này bị chậm. Theo ông Đặng Quyết Tiến, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xử lý nghiêm lãnh đạo doanh nghiệp chậm cổ phần hóa và công khai các doanh nghiệp chậm niêm yết trên sàn chứng khoán. “Hiện, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đang rà soát, sớm công khai trên mạng nội bộ và sau đó tiếp tục công khai rộng rãi. Từ thông tin này, cơ quan thanh tra chứng khoán xử phạt đơn vị chậm niêm yết do không có lý do chính đáng hoặc cố tình trì hoãn” - ông Tiến cho biết.

Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm, Bộ Tài chính sẽ thực hiện quyết liệt những giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty lớn. Theo đó, hội đồng thành viên, chủ tịch các đơn vị phải trình cấp có thẩm quyền phương án tái cơ cấu doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020 trước ngày 31-7-2017; công khai phương án, lộ trình thoái vốn tại các doanh nghiệp có vốn góp và kế hoạch cổ phần hóa trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và gửi về Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp để theo dõi, đôn đốc.

Việc cổ phần hóa và thoái vốn theo cơ chế thị trường và quy định của pháp luật, không để xảy ra tiêu cực, lợi ích nhóm, thất thoát vốn, tài sản và bảo đảm hoàn thành đúng kế hoạch đã được phê duyệt. Doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước, người đứng đầu doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm.

Các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo xây dựng danh mục doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa theo từng năm và danh mục doanh nghiệp thoái vốn nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Trước ngày 31-8-2017, phải phê duyệt phương án cơ cấu lại tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi quản lý; thẩm định phương án cơ cấu lại tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Đặc biệt, sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, bảo đảm quá trình thoái vốn nhà nước được thực hiện đúng quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý nghiêm lãnh đạo "né" trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.