Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần những biện pháp mạnh tay!

Hà Linh| 05/08/2017 06:16

(HNM) - Tính đến nay, còn hơn 500 doanh nghiệp sau cổ phần hóa chưa đăng ký niêm yết trên sàn chứng khoán. Có nhiều lý do dẫn đến sự “chây ỳ” này, nhưng hầu hết vẫn do doanh nghiệp đều e ngại phải minh bạch thông tin.


Thị trường chứng khoán minh bạch và lành mạnh sẽ thu hút nguồn vốn đầu tư lớn hơn. Ảnh: Như Ý



“Rút thẻ vàng” với doanh nghiệp chậm niêm yết

Theo kế hoạch năm 2017, cả nước phải cổ phần hóa 45 doanh nghiệp nhà nước, nhưng những tháng đầu năm mới hoàn thành 6 doanh nghiệp; công bố giá trị doanh nghiệp và đang xây dựng phương án để trình phê duyệt 14 doanh nghiệp khác. Đáng chú ý, con số sau cổ phần hóa vẫn chưa chịu lên sàn niêm yết lên tới hơn 500 doanh nghiệp.

Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp diễn ra vào tháng 7-2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá, tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn chậm, không đạt yêu cầu, kế hoạch đặt ra, dồn việc cho 6 tháng cuối năm. Đó là chưa kể đến những doanh nghiệp chưa đăng ký niêm yết giao dịch trên sàn chứng khoán, dù theo quy định hiện hành các công ty nhà nước sau cổ phần hóa 90 ngày kể từ khi có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là công ty cổ phần, phải đăng ký lên sàn UPCOM để công khai, minh bạch thông tin. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính công khai việc xử lý các doanh nghiệp sau cổ phần hóa không đăng ký trên thị trường chứng khoán.

Thực tế cho thấy, hơn 500 doanh nghiệp không phải là nhỏ, cản trở mục tiêu tiến đến thị trường chứng khoán minh bạch, trong đó quan trọng nhất là minh bạch hoạt động của doanh nghiệp niêm yết, tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Để khắc phục tình trạng này, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ đã triển khai nhiều giải pháp, như công khai danh sách hơn 500 doanh nghiệp sau cổ phần hóa nhưng chưa đưa cổ phiếu lên sàn. Như vậy, cơ quan quản lý “rút thẻ vàng” đối với các doanh nghiệp “chây ỳ”. Thêm nữa, vì việc lên sàn cần có ý kiến của cổ đông, nên ngoài việc theo dõi các doanh nghiệp có trình đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua phương án lên sàn hay không, nếu cổ đông thông qua mà doanh nghiệp vẫn “bất động”, Bộ Tài chính sẽ đôn đốc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước áp dụng các chế tài khác. Trong đó, mức phạt cao nhất sẽ được áp dụng là 300-400 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký, hoặc chậm đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán. Đây là quy định tại Thông tư số 36/2017/TT-BTC ban hành ngày 27-4-2017, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 217/2013/TT-BTC ngày 31-12-2013 hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, có hiệu lực từ ngày 15-6-2017.

Rõ ràng, tình trạng doanh nghiệp sau nhiều năm chào bán cổ phần nhưng không chịu lên sàn không mới, nhưng vẫn là vấn đề “nóng”. Việc này khiến nhà đầu tư không thể giải ngân được nguồn vốn, buộc phải đầu tư dài hạn vì không thể bán cổ phiếu. Hơn nữa, nhà đầu tư cũng dễ gặp rủi ro khi doanh nghiệp trốn tránh minh bạch thông tin qua sàn chứng khoán.

Chiêu trò “thổi” giá cổ phiếu

Cùng với tình trạng các doanh nghiệp không niêm yết trên sàn sau cổ phần hóa, một trong những vấn đề đáng lo ngại, gây mất lòng tin cho nhà đầu tư là lãnh đạo các doanh nghiệp bán lượng lớn cổ phần, khiến giá cổ phiếu biến động. Nhìn vào bảng giao dịch của các sàn chứng khoán Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, có thể dễ dàng nhận thấy nhiều mã cổ phiếu có giá thấp hơn khi mới chào sàn, thậm chí có những mã dưới mức giá khởi điểm, trong khi không có mã cổ phiếu nào khi được đấu giá lại thấp hơn giá khởi điểm (10.000 đồng/cổ phiếu). Mặc dù số mã cổ phiếu dưới giá khởi điểm không nhiều như thời điểm cách đây khoảng một năm (gần 400 mã cổ phiếu có mức giá dưới 10.000 đồng/cổ phiếu), nhưng cũng là bức tranh thiếu lạc quan.

Giá tham chiếu ở phiên giao dịch chào sàn là giá khởi điểm để nhà đầu tư tham khảo nhằm xác định giá cổ phiếu. Song, có một thực trạng là nhiều mã cổ phiếu giảm mạnh so với giá tham chiếu ở những phiên giao dịch sau đó, hoặc thậm chí ngay ở cuối phiên giao dịch đầu tiên. Đây không phải là tình trạng cá biệt khiến nhà đầu tư lo ngại về chất lượng xác định giá tham chiếu, cũng như khả năng cổ đông lớn của doanh nghiệp cố tình đẩy giá lên cao để bán cổ phiếu.

Đại diện một công ty chứng khoán cho biết, hiện việc định giá cổ phiếu doanh nghiệp khá tùy tiện. Hầu hết các doanh nghiệp khi niêm yết cổ phiếu trên sàn đều muốn đẩy giá cao trong phiên giao dịch chào sàn, chấp nhận cả việc tính thanh khoản bị kéo xuống thấp. Quy định về cách định giá tham chiếu chỉ hợp lý về lý thuyết, nhưng khi đưa ra thực tế lại không phù hợp, nên nhóm cổ đông lớn, lãnh đạo doanh nghiệp dễ dàng lợi dụng kẽ hở này để trục lợi.

Lãnh đạo doanh nghiệp, cổ đông lớn được lợi khi đẩy giá cổ phiếu lên cao hơn so với giá trị thật, nhưng những nhà đầu tư nhỏ lại gặp rủi ro vì lỡ mua phải cổ phiếu lúc giá cao, để rồi nhìn giá “rơi”. Sốc hơn nữa là sau khi tìm hiểu thực trạng của doanh nghiệp, nhà đầu tư mới “ngã ngửa” bởi những thông tin che giấu về thực tế hoạt động không mấy khả quan của doanh nghiệp. Vì để hấp dẫn nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp thiếu minh bạch đã làm đẹp hồ sơ với những thông tin tăng vốn, mở rộng hoạt động…

Thị trường chứng khoán là bức tranh phản ánh sức khỏe của nền kinh tế, nên rất cần thiết phải minh bạch để thu hút nhà đầu tư. Bởi vậy, những thủ thuật làm giá, hay đẩy giá cổ phiếu lên cao cần phải bị xóa bỏ, nhằm mang lại niềm tin cho nhà đầu tư. Còn đối với những doanh nghiệp vẫn tìm cách trốn tránh việc niêm yết sau khi cổ phần hóa, cơ quan quản lý cần có những biện pháp xử lý mạnh tay hơn nữa để trả lại cho nhà đầu tư một thị trường sạch và lành mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần những biện pháp mạnh tay!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.