Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo đà cho doanh nghiệp phát triển

Thanh Hiền| 15/08/2017 07:10

(HNM) - Thực hiện các giải pháp kích cầu, trao đổi, kết nối cung cầu hàng hóa với các địa phương, xây dựng mô hình chuỗi các cửa hàng bán nông sản sạch, đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái... nhằm tạo đà cho doanh nghiệp phát triển.

Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thực hiện cải cách hành chính sẽ tạo đà cho doanh nghiệp phát triển.Ảnh: Viết Thành


Vẫn nặng gánh chi phí

Theo Sở Công Thương Hà Nội, từ đầu năm đến nay, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tương đối ổn định và đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2016. Tính chung 7 tháng qua, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2016. Trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ đạt 1.294.569 tỷ đồng, tăng 7,5%.

Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong bối cảnh sức mua giảm, sức ép cạnh tranh với hàng ngoại nhập ngày càng tăng, ngay từ đầu năm lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo phải tạo chuyển biến mạnh về môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất và tăng trưởng. Sở đã rà soát 65/132 thủ tục hành chính. 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Sở đã được rút ngắn 25-40% thời gian thực hiện, các hồ sơ đề nghị giải quyết đều được thực hiện đúng thời gian đã công bố… Sở cũng đã đẩy mạnh phối hợp với các địa phương trong quản lý nhà nước về lĩnh vực công thương, kịp thời giải quyết hoặc trình UBND thành phố tháo gỡ các vướng mắc nhằm đẩy mạnh tốc độ phát triển công nghiệp và thương mại.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam Nguyễn Văn Thân chia sẻ, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, bức xúc nhất là gánh nặng chi phí. Kết quả cải cách thủ tục hành chính của các sở, ngành Hà Nội đã tạo một bước tiến về môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, chi phí trong một số lĩnh vực còn cao, một số quy định chồng chéo làm tăng thời gian và chi phí của doanh nghiệp. Chi phí tiếp cận một số dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, tín dụng… chưa có sự cải thiện. Trong các lĩnh vực thường xuyên bị kiểm tra như thuế, hải quan, đánh giá tác động môi trường… doanh nghiệp vẫn phải chi các khoản không chính thức. Những khoản chi đó buộc doanh nghiệp phải cộng vào giá thành sản phẩm, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam Nguyễn Văn Thân trăn trở, nếu không đẩy lùi các chi phí không chính thức sẽ khiến doanh nghiệp chán nản, giảm sức cạnh tranh, giảm niềm tin. Để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất và tăng trưởng, ông Lê Hồng Thăng cho biết, Sở Công Thương sẽ tiếp tục rà soát quy trình áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001-2008; đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công mức 3, 4 đối với thủ tục hành chính…

Sở sẽ phối hợp các quận, huyện triển khai thủ tục hành chính cấp huyện; tạo mọi điều kiện cho tổ chức, cá nhân đến giao dịch; đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng nhiệm vụ được giao. Sở cũng phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử tổ chức các hoạt động kinh doanh trực tuyến, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa; kết nối với các doanh nghiệp có hệ thống phân phối đa quốc gia; phối hợp với các bên liên quan triển khai quy trình xác thực chống hàng giả, sử dụng mã hình QR để truy xuất nguồn gốc, chất lượng hàng hóa...

Những tháng cuối năm, thành phố sẽ tổ chức các chương trình như "Tháng khuyến mãi năm 2017", "Hội chợ hàng Việt", "Hội chợ đặc sản vùng miền", các chuyến bán hàng Việt về ngoại thành, khu công nghiệp… để giúp doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm và kích cầu tiêu dùng; hỗ trợ doanh nghiệp tìm nguồn hàng, liên kết tạo các chuỗi sản xuất - phân phối; kết nối cung - cầu, kết nối giao thương giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố...

Để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng cả năm từ 8,5 đến 9%, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thực hiện cải cách thủ tục hành chính; rà soát, chỉnh sửa và bổ sung các cơ chế, chính sách theo hướng minh bạch, thông thoáng, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp, giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp, thúc đẩy dòng vốn đầu tư phát triển… là những ưu tiên hàng đầu của Hà Nội. Thành phố cũng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, tập trung vào các chỉ số: Gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch và tiếp cận thông tin, môi trường cạnh tranh bình đẳng và tính năng động, tiên phong của chính quyền thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo đà cho doanh nghiệp phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.