Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điểm sáng bức tranh doanh nghiệp

Hồng Sơn| 08/01/2018 07:33

(HNM) - Kết thúc năm 2017, cả nước có thể an tâm trước kết quả về số lượng doanh nghiệp mới thành lập đã tăng mức kỷ lục. Bên cạnh đó, hiệu quả hoạt động của các đơn vị cũng có bước cải thiện đáng kể.


Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, năm qua cả nước có thêm 126.859 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là gần 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 15,2% về số doanh nghiệp và tăng 45,4% về vốn đăng ký so với năm 2016. Đặc biệt, vốn bình quân của doanh nghiệp mới đạt 10,2 tỷ đồng, tăng hơn 26%. Bên cạnh đó, đã có 26.448 doanh nghiệp quay lại hoạt động, giảm 0,9% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động giảm 0,2% so với cùng kỳ.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của Tổng cục Thống kê cho biết, có 48,2% doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất, kinh doanh quý I-2018 tốt hơn quý IV năm 2017 và gần 36% doanh nghiệp đánh giá tình hình sẽ ổn định.

Như vậy, nếu chỉ xét riêng về “bề nổi” thì có thể đánh giá bức tranh doanh nghiệp đang sáng dần lên, tăng tiến ở hầu hết các chỉ tiêu cơ bản. Thực tế này có được chủ yếu do sự cải thiện liên tục, thiết thực về chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh và khẳng định vai trò của Chính phủ kiến tạo. Chính phủ, các bộ cũng như chính quyền các địa phương đều vào cuộc, thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, lấy lợi ích của doanh nghiệp làm mục tiêu phục vụ để kích đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Trong một diễn biến mới nhất, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ yêu cầu các bộ đẩy nhanh tốc độ rà soát, tiếp tục giảm bớt số lượng thủ tục, điều kiện kinh doanh trong năm 2018. Chính phủ giao các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa 50% số điều kiện kinh doanh hiện hành trong lĩnh vực quản lý và thủ tục hành chính, đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Bích Lâm chia sẻ, cần tập trung vào việc đẩy mạnh cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, Đặc biệt, Chính phủ và các bộ, ngành cần xác định việc tạo lập và thực thi chính sách nhằm nâng cao năng suất lao động, là giải pháp quan trọng hàng đầu trong nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

Dự báo, xu hướng đăng ký thành lập doanh nghiệp mới sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2018. Bởi, niềm tin vào thị trường và tương lai kinh doanh của các cá nhân đang tăng lên, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế thông qua các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và đối tác song phương, đa phương ngày càng rõ rệt. Thực tế đó mang lại lợi ích cụ thể cho doanh nghiệp trong nước, trong đó cơ hội xuất khẩu sẽ rộng mở hơn, việc hiện thực hóa cam kết phục vụ doanh nghiệp của Chính phủ ngày càng diễn ra một cách sâu rộng, hiệu quả...

Đặc biệt, làn sóng khởi nghiệp sẽ tiếp tục lan rộng, hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp cũng hứa hẹn sôi động hơn theo hướng tích cực. Nhiều nhà đầu tư sẽ xuất hiện, tham gia thị trường thông qua hoạt động đầu tư gián tiếp, mua cổ phần hoặc mua toàn bộ doanh nghiệp khác. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số lĩnh vực như bất động sản, du lịch, hạ tầng, phân phối, công nghiệp chế tạo sẽ phát huy tốt xu hướng tăng trưởng khá cao từ năm 2017.

Về phía mình, cộng đồng doanh nghiệp cũng ngày càng chủ động hợp tác, thắt chặt quan hệ với hệ thống cơ quan chức năng, nhất là trong việc tham vấn chính sách, nâng cao chất lượng hoạt động đối thoại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điểm sáng bức tranh doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.