Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp xây dựng

Thanh Hải| 27/01/2018 08:25

(HNM) - Tích cực cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp là điểm nhấn mà ngành Xây dựng đạt được trong năm 2017. Năm 2018, ngành Xây dựng đặt ra những mục tiêu cụ thể trong hành động với điểm nhấn cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.


Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2017, triển khai kế hoạch của ngành Xây dựng năm 2018 tổ chức trung tuần tháng 1-2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận, đánh giá cao những kết quả Bộ Xây dựng đạt được trong năm qua, đặc biệt là lĩnh vực cải cách hành chính.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, trong năm qua, Bộ đã hoàn thành hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Đáng chú ý, Bộ đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định nhằm giải quyết vướng mắc về đầu tư, kinh doanh, tạo sự liên thông giữa các thủ tục đầu tư với các thủ tục về đất đai, xây dựng, đấu thầu, môi trường. Việc rà soát, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh được thực hiện quyết liệt, hiệu quả. Bộ Xây dựng đã chủ động đề xuất bãi bỏ 7/17 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trong tổng số 215 điều kiện kinh doanh, Bộ Xây dựng đã bãi bỏ 41,3%, đơn giản hóa 47,3% và giữ nguyên 15%. Thủ tục hành chính giảm 49/90 thủ tục, đơn giản hóa 22 thủ tục...

Những đổi mới này thúc đẩy hoạt động đầu tư kinh doanh của ngành Xây dựng năm 2017 có nhiều khởi sắc. Giá trị sản xuất, kinh doanh ước đạt 131.933 tỷ đồng, đạt 104% kế hoạch năm, tăng 16,6% so với năm 2016. Tổng giá trị đầu tư toàn ngành đạt 10.792 tỷ đồng; doanh thu ước đạt 119.834 tỷ đồng, bằng 108,4% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế ước đạt 5.952 tỷ đồng, bằng 102,7% kế hoạch năm; nộp ngân sách ước đạt 6.928 tỷ đồng, bằng 128,2% kế hoạch năm...

Năm 2018, Bộ Xây dựng sẽ quyết liệt triển khai tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa. Hiện tại, các tổng công ty thuộc danh mục thoái vốn đã xây dựng phương án, trình Bộ xem xét phê duyệt. Theo phương án tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020, Bộ Xây dựng được Chính phủ giao đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại 16 công ty mẹ - tổng công ty, trong đó gồm 12 tổng công ty - công ty cổ phần và 4 tổng công ty TNHH MTV gồm: Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp (IDICO), Sông Đà, Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) và Công nghiệp Xi măng (VICEM). Năm qua, Bộ đã hoàn thành cổ phần hóa đối với IDICO và Tổng công ty Sông Đà; năm 2018, cổ phần hóa hai đơn vị còn lại là HUD và VICEM. Bộ cũng đang triển khai đồng loạt việc thoái vốn nhà nước tại 12 tổng công ty - công ty cổ phần...

Bộ Xây dựng cũng tập trung vào các nhóm nhiệm vụ trọng tâm như phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng của ngành; rà soát, hoàn thiện thể chế; xây dựng hệ thống công cụ quản lý, đặc biệt là các công cụ để kiểm soát hiệu quả hoạt động xây dựng, quy hoạch phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật, thị trường bất động sản, nhà ở và nhà ở xã hội, vật liệu xây dựng theo quy hoạch, kế hoạch; hướng dẫn, triển khai có hiệu quả các văn bản pháp luật thuộc các lĩnh vực của ngành mới được ban hành và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện; nắm chắc tình hình, chủ động phát hiện và giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong thực tiễn...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp xây dựng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.