Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xác định giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa

18/09/2018 07:01

(HNM) - Thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, từ năm 2011, Kiểm toán Nhà nước đã bắt đầu kiểm toán tái cơ cấu cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Với nhiều nỗ lực của Kiểm toán Nhà nước đã góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, tăng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đồng thời chỉ ra những hạn chế, bất cập trong thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, xác định giá trị doanh nghiệp, cũng như những hạn chế về chế độ chính sách của Nhà nước...

Hoạt động nghiệp vụ của Kiểm toán Nhà nước tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Ảnh: Phạm Hậu


Phát hiện nhiều sai sót

Từ năm 2012 đến năm 2016, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa của 17 doanh nghiệp nhà nước. Kết quả đã xác định tăng giá trị vốn nhà nước 22.230,8 tỷ đồng, kiến nghị tăng thu cho ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng. Qua kiểm toán đã phát hiện nhiều sai sót trong tổ chức định giá và xử lý tài chính, như kiểm kê thiếu tài sản, phân loại tài sản không đúng quy định, một số đơn vị đã không xử lý các khoản tài chính đủ điều kiện ghi tăng vốn nhà nước. Báo cáo tài chính tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp chưa được điều chỉnh theo kết quả kiểm tra, thanh tra của cơ quan có thẩm quyền. Định giá tài sản nhà cửa, vật kiến trúc không tuân thủ ưu tiên áp dụng đơn giá xây dựng cơ bản, suất đầu tư, xác định thiếu chi phí trong suất vốn đầu tư, áp dụng hệ số trượt giá chưa đúng.

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước còn chỉ ra những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đó là, việc ban hành cơ chế chính sách cổ phần hóa, thoái vốn đã bộc lộ nhiều bất cập như chưa xác định giá bán tối thiểu đối với trường hợp thoái vốn doanh nghiệp đã niêm yết dẫn đến có thể bị lợi dụng thao túng giá cổ phiếu. Cơ chế đặc thù cho phép Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) bán vốn doanh nghiệp chưa niêm yết theo phương thức 30:70 (đấu giá công khai 30%, bán thỏa thuận 70%) chưa có sự cạnh tranh nhiều về giá để bảo đảm tính hiệu quả như hình thức bán đấu giá công khai...

Cùng với đó, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán chuyên đề việc sử dụng lợi thế quyền thuê đất để góp vốn đầu tư các dự án bất động sản của các doanh nghiệp nhà nước. Kết quả kiểm toán đã chỉ ra nhiều sai sót và đã có kiến nghị cơ quan có thẩm quyền đề ra các giải pháp quản lý thích hợp với lĩnh vực này.

Hạn chế trong tái cơ cấu doanh nghiệp

Kiểm toán công tác tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011- 2015, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra những hạn chế, bất cập trong thực hiện. Tính đến hết năm 2015, công tác cổ phần hóa chỉ đạt 96,3% kế hoạch, những doanh nghiệp chưa được cổ phần hóa theo kế hoạch tuy chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, nhưng đều là những doanh nghiệp có vướng mắc, thua lỗ, kém hiệu quả, không có lợi thế về đất... nên rất khó cổ phần hóa, nhiều trường hợp không thể cổ phần hóa nếu không có biện pháp tháo gỡ. Nhiều doanh nghiệp không bán được hết cổ phần theo phương án được phê duyệt, hoặc tỷ lệ bán ra ngoài được rất nhỏ. Các tập đoàn, tổng công ty mới chỉ thoái khoảng 40% số vốn phải thoái ra khỏi lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, chứng khoán, quỹ đầu tư...

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp thoái vốn không triệt để, lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ nhưng tỷ lệ thoái vốn thấp, tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ vẫn ở mức cao, chưa đa dạng hóa sở hữu. Quản lý vốn tại các doanh nghiệp có phần vốn nhà nước không chi phối rất khó khăn, đặc biệt là tại các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, thuộc diện giám sát tài chính hoặc có cổ đông lớn thiếu hợp tác...

Công tác chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp của các bộ, ngành, UBND các tỉnh về SCIC chưa tốt và chậm. Việc thực hiện mục tiêu quản lý, đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp gắn với quá trình tích tụ, tập trung vốn nhà nước vào các ngành, lĩnh vực quan trọng, chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Từ những vướng mắc trên, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng mô hình thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tách bạch với chức năng quản lý nhà nước. Kiến nghị cơ chế chuyển giao quyền đại diện vốn về SCIC và đánh giá cơ chế thí điểm thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước. Bên cạnh đó, các bộ, ngành nên sửa đổi bổ sung cơ chế, chính sách và giải pháp quản lý. Riêng với các doanh nghiệp, cần chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại trong tổ chức thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn theo kế hoạch được phê duyệt.

Kiểm toán Nhà nước cũng đã rút ra bài học để thực hiện nhiệm vụ các năm tiếp theo. Đó là, chủ động cập nhật thông tin, tình hình xác định giá trị doanh nghiệp để dự kiến kế hoạch kiểm toán dự phòng; phối hợp tốt với đơn vị được kiểm toán và đơn vị chủ sở hữu của đơn vị được xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa... Một số giải pháp thực hiện năm 2018 và các năm tiếp theo là khắc phục khó khăn trong việc giao kế hoạch, chủ động triển khai kế hoạch kiểm toán, làm tốt ngay từ khâu khảo sát lập kế hoạch kiểm toán. Tăng cường sự phối hợp với các vụ tham mưu trong quá trình kiểm toán, chủ động đề xuất và làm việc với cơ quan có thẩm quyền quyết định giá trị doanh nghiệp để giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh có thể ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả kiểm toán; đào tạo kiến thức kiểm toán định giá và xử lý các vấn đề tài chính của doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa cho kiểm toán viên trong đơn vị...


Nguyễn Anh Tuấn

Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VI

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xác định giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.