Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dấu hiệu tốt trong đánh giá chất lượng cán bộ

Minh Thúy| 14/01/2013 07:13

(HNM) - Ngày 8-1-2013, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy. Phó Chủ tịch HĐND, UBND thành phố. Đây là cách làm đổi mới, nhằm đánh giá thực chất năng lực, chất lượng cán bộ bằng tinh thần trách nhiệm, khách quan, thẳng thắn. Trước sự việc này, nhiều cán bộ, người dân đã tỏ rõ sự đồng tình...


Ông Bùi Văn Hà, Bí thư Chi bộ khu dân cư số 2, phường Trung Liệt (Đống Đa): Cần sớm nhân rộng xuống cơ sở

Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt được nhiều người theo dõi sát sao, thể hiện sự quan tâm của người dân đến chất lượng của hệ thống cán bộ các cấp, các ngành. Riêng với tôi, đây là một việc làm có ý nghĩa, bảo đảm khách quan, là “kênh” đánh giá có độ tin cậy cao. Sau khi bỏ phiếu, kết quả tín nhiệm như thế nào sẽ được thông báo công khai đến người được lấy phiếu, là lời nhắc nhở đối với người được lấy phiếu, là sự ràng buộc trách nhiệm hết sức nặng nề trong việc tự sửa đổi, điều chỉnh bản thân. Bên cạnh đó, với người có phiếu tín nhiệm cao là nguồn cổ vũ, động viên rất thiết thực… Với hình thức này, có thể vẫn không loại trừ được hiện tượng “vận động” bỏ phiếu, song tôi cho rằng rất hãn hữu và đây vẫn là cách đánh giá khá thực chất. Chúng tôi đang chờ đợi việc lấy phiếu tín nhiệm thực hiện ở cấp cơ sở để những hạn chế của đội ngũ cán bộ được chấn chỉnh kịp thời, mang lại hiệu quả trong đời sống.

Ông Chu Thoa, phường Đồng Tâm (Hai Bà Trưng): Việc bỏ phiếu tín nhiệm cần phải được giám sát nghiêm túc

Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt kết hợp với việc thực hiện kiểm điểm nghiêm túc theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 là một sự kết hợp hay, bổ sung và điều chỉnh cho nhau rất hiệu quả. Chỉ có điều làm thế nào để việc kiểm điểm cũng như bỏ phiếu tín nhiệm không “chạy” theo hình thức. Do đó, khâu giám sát bỏ phiếu tín nhiệm cần thực hiện hết sức nghiêm túc. Muốn vậy, kết quả của bỏ phiếu tín nhiệm phải công khai để mọi người cùng nhìn nhận và cố gắng. Người có kết quả tín nhiệm thấp phải có lộ trình tự nâng cao chất lượng cho chính mình, quá thời hạn nếu không tự khắc phục được phải bị luân chuyển, thay thế… Việc đó phải thực hiện minh bạch để mọi người cùng biết và giám sát.

Bà Vũ Thị Hiền, phường Kim Giang (Thanh Xuân): Phải thực hiện đồng nhất trong toàn hệ thống chính trị

Trong những năm qua, nhiều cán bộ, công chức khi đã có chức danh đều yên tâm “định vị” bởi nếu không có “sự cố” lớn xảy ra thì cứ yên tâm với vị trí của mình. Nhưng, nay với cách lấy phiếu tín nhiệm chắc chắn nhiều người sẽ phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, do vậy ít nhiều cũng sẽ tạo sự chuyển biến tích cực. Muốn mang lại hiệu quả trên thực tiễn, cách làm này cần phải duy trì đều đặn và thực hiện phải đồng nhất trong cả hệ thống, tránh hiện tượng một số cá nhân lạm dụng bỏ phiếu kín để “dìm” uy tín của người khác hay lợi dụng chức vụ để gây “ảnh hưởng” hay “vận động” người khác bỏ phiếu cho mình. Do đó, khâu giám sát phải được coi trọng, người vi phạm phải bị xử lý nghiêm.

Ông Cù Hoàng Diệp, Tổ trưởng tổ 20, xã Xuân Phương (Từ Liêm): Phải đồng thời phối hợp nhiều biện pháp

Để tăng tính hiệu quả của biện pháp đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên thì cùng một lúc phải thực hiện nghiêm túc và có sự kết nối giữa công tác kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4, tinh thần “phê và tự phê” cũng như việc kê khai tài sản, lấy phiếu tín nhiệm. Và điều cốt lõi, quyết định nhất khi đánh giá chất lượng cán bộ vẫn phải dựa trên những tiêu chí cụ thể về mức độ hoàn thành công việc, lý do của việc không hoàn thành phải được “mổ xẻ” để thuyết phục tất cả mọi người trong việc đánh giá chất lượng một con người cụ thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu hiệu tốt trong đánh giá chất lượng cán bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.