Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp

Hiền Chi| 05/02/2013 06:03

(HNM) - Đề án "Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thực hiện từ tháng 10-2012 đến tháng 10-2015. Với mục tiêu xây dựng một nền công vụ "Chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả", đề án đưa ra 9 nhiệm vụ trọng tâm, 10 nội dung và các chỉ tiêu cụ thể.

Một trong 10 nội dung của đề án "Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức" được quan tâm là "Đẩy mạnh triển khai việc xác định vị trí việc làm và cơ cấu công chức theo ngạch trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ trung ương đến địa phương". Việc xác định vị trí việc làm là một vấn đề mới và khó. Thực chất của việc xác định vị trí việc làm là trả lời được câu hỏi trong cơ quan, tổ chức có bao nhiêu chỗ làm việc để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức đó.

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) có hàng vạn công chức, viên chức (CCVC), phạm vi quản lý nhà nước rộng, các nhiệm vụ có tính chất phức tạp cao. Tuy nhiên, vị trí làm việc chưa được xác định. Do đó, việc xác định tiêu chuẩn, trình độ, năng lực tại các vị trí công tác vẫn phải dựa vào tiêu chuẩn ngạch CCVC và tiêu chuẩn các chức danh lãnh đạo quản lý. Nhằm đổi mới cơ chế quản lý CCVC, cuối năm 2012, Bộ TNMT đã đầu tư 5 tỷ đồng để xây dựng và thực hiện đề án xác định vị trí việc làm, biên chế và cơ cấu CCVC theo ngạch của Bộ TNMT. Đề án đặt mục tiêu làm rõ vị trí việc làm, cơ cấu công chức theo ngạch để tăng tính dân chủ, tránh sự áp đặt; góp phần bảo đảm tính khách quan, toàn diện, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tránh qua loa, đại khái. Dự kiến, đề án sẽ được thực hiện trong 2 năm (2012 - 2013).

Bộ Nội vụ cũng đã tiến hành xác định vị trí việc làm và hoàn thành xác định vị trí việc làm của các đơn vị thuộc khối cơ quan Bộ (17 vụ) là 84 vị trí; khối các cơ quan trực thuộc Bộ (8 cơ quan, tổ chức) là 88 vị trí. Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ xác định được số biên chế cần có là 1.979 người. Bảo hiểm xã hội Việt Nam xác định được ở khối trung ương là 174 vị trí việc làm; khối cấp tỉnh là 53 và cấp huyện là 13 vị trí việc làm; từ đó, xác định số lượng biên chế cần bổ sung cho ngành là 6.513 người.

Nội dung "Nâng cao chất lượng thi tuyển, thi nâng ngạch công chức "trong đề án cũng được các bộ, địa phương quan tâm. Đặc biệt, đầu năm 2013, Bộ Nội vụ đã tiên phong trong việc đổi mới phương thức tổ chức kỳ thi tuyển công chức, trong đó bước đầu có 3/5 nội dung được tiến hành bằng hình thức thi trực tuyến nhằm lựa chọn được những người năng lực thực sự, góp phần thực hiện một cách triệt để nguyên tắc khách quan, công bằng trong kỳ thi. Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thi tuyển công chức của Bộ Nội vụ, việc tổ chức thi tuyển là một trong các giải pháp quan trọng và cần thiết nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức. Với hình thức thi trực tuyến và sự nghiêm túc của các cán bộ, công chức trong Hội đồng thi, Ban Giám sát kỳ thi, Ban Coi thi và các thí sinh dự thi, kết quả thi tuyển sẽ thực chất.

Hiện tại, nhiều địa phương như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ... cũng đang tích cực đổi mới công tác thi tuyển; đổi mới phương pháp đánh giá cán bộ, công chức; xác định vị trí việc làm... nhằm thực hiện hiệu quả đề án. Thực hiện nội dung "Ứng dụng CNTT, đổi mới phương thức thi tuyển và thi nâng ngạch công chức để bảo đảm nguyên tắc khách quan, công bằng, chất lượng, thực tài" của đề án, Hà Nội cũng đang triển khai việc lắp camera trong phòng thi. Chính sách nhân tài thông qua việc triển khai đề án tuyển dụng 1.000 công chức nguồn cho các cơ quan hành chính của thành phố, bảo đảm đội ngũ công chức nguồn có chất lượng đầu vào cao hơn số được tuyển dụng thường xuyên đang được quan tâm thực hiện.

Sau khi tuyển và đào tạo nội dung theo chương trình phù hợp, đối tượng này sẽ được đưa về xã, phường, thị trấn công tác để tiếp tục học tập kinh nghiệm, kiến thức thực tiễn. Theo kế hoạch, năm 2013, thành phố tổ chức tuyển 500 người, năm 2014 tuyển 500 người. Đặc biệt, việc chọn năm 2013 là "Năm kỷ cương hành chính" được xem là tín hiệu tốt để Hà Nội thực hiện hiệu quả một trong 9 nhiệm vụ trọng tâm đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ công chức là "Chú trọng và nâng cao chế độ kỷ luật trong hoạt động công vụ để duy trì trật tự, kỷ cương và phát huy tinh thần trách nhiệm trong hoạt động công vụ".

Hy vọng rằng, với quyết tâm chung của các bộ, ngành, địa phương, việc triển khai sớm các nội dung, nhiệm vụ của đề án "Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức" sẽ là tiền đề tốt để đến năm 2015, cả nước xây dựng được một nền công vụ "Chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả".

Mục tiêu cụ thể đến năm 2015 của đề án "Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức": 70% cơ quan, tổ chức của Nhà nước từ trung ương đến cấp huyện xây dựng và được phê duyệt danh mục vị trí việc làm và cơ cấu công chức theo ngạch; tiến hành sửa đổi, bổ sung và xây dựng được 100% các chức danh và tiêu chuẩn công chức; 100% cơ quan ở trung ương và 70% các cơ quan ở địa phương thực hiện ứng dụng công nghệ tin học vào thi tuyển, thi nâng ngạch công chức.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.