Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý 41 người đứng đầu để xảy ra tham nhũng

H.Vân| 22/10/2013 09:45

(HNMO) - Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013 của Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, cho biết, năm qua, các cấp, các ngành đã chuyển đổi vị trí công tác 16.542 cán bộ, xử lý 41 trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng.


Theo Tổng thanh tra Chính phủ, năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban 158 nghị định, 162 nghị quyết; 80 quyết định về quản lý, điều hành và nhiều quyết định hành chính khác, góp phần phòng ngừa tham nhũng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN gắn với việc thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Năm qua, đã có hơn 3,5 triệu lượt cán bộ, công chức, viên chức, người dân được phổ biến, giới thiệu, giáo dục pháp luật về PCTN (tăng 16% so với cùng kỳ năm 2012), với hơn 51.000 lớp tuyên truyền, quán triệt được tổ chức và trên 250.000 cuốn sách, tài liệu về PCTN được phát hành. Có 20 người tố cáo hành vi tham nhũng được khen thưởng; đã tổ chức lễ trao giải thưởng cho 24 đề án xuất sắc nhất từ 130 đề án tham gia Chương trình VACI 2013.

Các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng đã từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, điều tra và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; kết quả điều tra, truy tố một số vụ án tham nhũng lớn được dư luận quan tâm. Tuy nhiên, cần phải tiếp tục kiện toàn bộ máy, tổ chức hoạt động và có các quy định đặc thù đối với hoạt động nghiệp vụ về phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng.

Về thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương tập trung thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước; tăng cường chỉ đạo nâng cao kỷ cương, kỷ luật hành chính, đặc biệt là trong kiểm tra, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ, công việc đã giao; một số địa phương triển khai thi tuyển lãnh đạo cấp sở, phòng như TP Đà Nẵng, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ninh… Việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được tăng cường; đã cung cấp thông tin, tăng cường trách nhiệm giải trình trên các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao, dư luận xã hội quan tâm.

Các bộ, ngành, địa phương đã ban hành 2.588 văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; huỷ bỏ, sửa đổi, bổ sung 1.351 văn bản; tiến hành 5.466 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, đã phát hiện 210 vụ việc vi phạm, xử lý kỷ luật 134 người; kiến nghị thu hồi và bồi thường hơn 78,5 tỷ đồng, đã thu hồi được 37,3 tỷ đồng.

Bị cáo Trần Minh Long, nguyên kế toán trưởng Kho bạc Nhà nước huyện Nhà Bè - TPHCM bị tuyên tử hình về tội tham ô tài sản và đánh bạc. Ảnh: NLĐ


Về minh bạch tài sản, thu nhập, trong năm 2012 đã có 113.436 người kê khai lần đầu, trên tổng số 115.883 người phải kê khai (đạt 97,9%); 519.320 người kê khai bổ sung, trên tổng số 526.632 người phải kê khai bổ sung (đạt 98,6%); có 376.197 người được công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại nơi công tác; có 3 trường hợp qua xác minh đã kết luận về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; 58 trường hợp bị xử lý kỷ luật do chậm kê khai, chậm tổng hợp, báo cáo.

Các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành 4.713 cuộc kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, đã xử lý 118 công chức, viên chức vi phạm, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm. Năm 2013, đã có 364 cán bộ, công chức, chiến sỹ công an không nhận quà tặng, nộp và trả lại quà tặng theo đúng quy định.

Các cấp, các ngành đã chuyển đổi vị trí công tác 16.542 cán bộ, công chức. Có 41 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng (4 người bị xử lý hình sự, 33 người bị xử lý kỷ luật hành chính, 4 trường hợp khác đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý).  

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiểm toán đã có nhiều cố gắng. Toàn ngành đã triển khai 4.474 cuộc thanh tra hành chính và 131.749 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại 287.325 tổ chức, cá nhân. Qua thanh tra phát hiện vi phạm 12.639,6 tỷ đồng, 1.438 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 5.053,5 tỷ đồng và 1.374 ha đất (đã thu hồi 2.390 tỷ đồng, 18,2 ha đất); xử phạt vi phạm hành chính 324,7 tỷ đồng; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 6.379,8 tỷ đồng, 51 ha đất; đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 550 tập thể, 1.051 cá nhân; ban hành 153.457 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 50 vụ, 52 đối tượng.

Thanh tra Chính phủ và thanh tra các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 4.370 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra; kết quả thu hồi đạt 43,2% (so với năm 2012 tăng 7,47%); đôn đốc xử lý hành chính 202 tổ chức, 469 cá nhân.

Cơ quan hành chính các cấp đã giải quyết 40.206/47.060 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 85,44% (tăng 1,14% so với năm 2012). Qua giải quyết, đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 225,5 tỷ đồng, 40,3 ha đất; trả lại cho tập thể, công dân 115,5 tỷ đồng; trả lại quyền lợi cho 3.739 người, kiến nghị xử lý hành chính 537 người (đã xử lý 275 người); chuyển cơ quan điều tra xem xét trách nhiệm hình sự 50 vụ việc với 84 đối tượng.

Kiểm toán Nhà nước cũng đã kiến nghị xử lý tài chính trong năm 2012 đối với niên độ ngân sách 2011 là 14.710,8 tỷ đồng, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm để xử lý đối với 27 cá nhân; chuyển 7 hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra, cơ quan thanh tra.

Liên quan đến phát hiện và xử lý tham nhũng, năm qua, ngành thanh tra phát hiện 80 vụ, 90 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 117,5 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 117,5 tỷ đồng; đã thu hồi 59 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với 04 tập thể, 28 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra hình sự 11 vụ, 34 đối tượng.

Lực lượng cảnh sát điều tra đã thụ lý 371 vụ án, 847 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó: khởi tố mới 233 vụ, 568 bị can (so với cùng kỳ năm trước tăng 11 vụ và 97 bị can); thiệt hại khoảng 9.260 tỷ đồng; 51.000 lượng vàng SJC và 155.000m¬2 đất; đã thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 900 tỷ đồng. Đã kết luận điều tra 255 vụ, 581 bị can; đình chỉ điều tra 07 vụ, 06 bị can; tạm đình chỉ 09 vụ, 23 bị can; hiện đang điều tra 96 vụ, 230 bị can.

Viện kiểm sát các cấp đã truy tố 335 vụ, 803 bị can về tội tham nhũng (tăng 91 vụ, 202 bị can so với cùng kỳ năm 2012); 19 vụ, 30 bị can đã đình chỉ điều tra trong giai đoạn tố tụng.

Tòa án các cấp đã xét xử sơ thẩm 278 vụ, 584 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 41,2 % (năm 2012 tỷ lệ này là 44,1%); số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm 31,2 % (năm 2012 tỷ lệ này là 34,2%).

Theo nhận xét của Tổng thanh tra, năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục đạt được kết quả tích cực trên các lĩnh vực như hoàn thiện thể chế, tuyên truyền, công khai minh bạch hoạt động của một số cơ quan… Việc phối hợp giữa các cơ quan liên quan đã tốt hơn, việc xử lý thanh tra, kiểm toán hiệu quả hơn, hoạt động điều tra, xử lý tham nhũng tích cực hơn.

Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế về chế độ trách nhiệm, công vụ với nhiều vị trí chưa minh bạch, rõ ràng; việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng còn yếu, chủ yếu qua dư luận xã hội, báo chí phản ánh hoặc khi có các cơ quan chức năng vào làm việc; vai trò xã hội trong chống tham nhũng chưa được phát huy đầy đủ; việc xử lý tham nhũng trong một số trường hợp chưa nghiêm, chưa kịp thời…

Để nâng cao hơn nữa sức chiến đấu trên mặt trận phòng, chống tham nhũng, trong năm 2014, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo việc nghiên cứu, hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng; đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước, triển khai việc xây dựng vị trí việc làm và cơ cấu công chức, viên chức tại tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý công chức, viên chức; nâng cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc công tác điều tra, xử lý vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng…

Tỷ lệ tài sản tham nhũng được kiến nghị thu hồi thấp

Báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013 của Ủy ban Tư pháp Quốc hội nhất trí đánh giá, năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã được triển khai khá đồng bộ trên các mặt và đạt được kết quả tốt hơn so với những năm trước. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm, việc xử lý hành vi tham nhũng có biểu hiện nương nhẹ, vẫn còn tình trạng lạm dụng để xử lý kỷ luật, hành chính, không khởi tố vụ án, đình chỉ vụ án, bị can, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm; việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt hiệu quả rất thấp…

Về xây dựng, hoàn thiện thể chế về phòng chống tham nhũng, theo Ủy ban Tư pháp, việc rà soát, đánh giá những sơ hở về cơ chế, chính sách để hoàn thiện thể chế, pháp luật trên các mặt kinh tế - xã hội nhìn chung còn chậm, thiếu cụ thể, chưa phúc đáp đầy đủ, kịp thời yêu cầu PCTN; không ít quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, sơ hở dễ bị lợi dụng để tham nhũng; việc quy định chi tiết một số nội dung quan trọng trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung năm 2012 chưa kịp thời, chưa phù hợp.

Hiệu quả hoạt động của các đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Số vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lý qua hoạt động của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán, Điều tra còn thấp; việc điều tra, truy tố, xét xử đối với nhiều vụ án tham nhũng còn kéo dài, một số vụ việc đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, miễn trách nhiệm hình sự, việc thay đổi sang tội danh khác nhẹ hơn hoặc không phải là tội danh về tham nhũng còn chiếm tỷ lệ cao… đã phản ánh chất lượng hoạt động chưa cao của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng.

Qua giám sát, khảo sát ở một số địa phương, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, một số vụ việc được cơ quan Thanh tra chuyển sang Cơ quan điều tra nhưng bị trả lại với lý do chứng cứ chưa đủ để khởi tố vụ án hình sự. Bên cạnh đó, qua thanh tra, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của các cơ quan hành chính nhà nước có những vụ việc vi phạm có dấu hiệu của tội phạm tham nhũng nhưng các cơ quan có thẩm quyền lại để xử lý kỷ luật, hành chính, chỉ đến khi có đơn tố cáo tiếp theo thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát mới nắm bắt được những thông tin này. Do đó, cần xác định rõ trách nhiệm pháp lý trong mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan Thanh tra, Kiểm toán với các Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhằm bảo đảm kịp thời phát hiện các tội phạm về tham nhũng, tránh bỏ lọt tội phạm.

Song song với đó, hiệu quả của các biện pháp phòng ngừa tham nhũng nhìn chung còn hạn chế. Đặc biệt, chưa có cơ chế khả thi để kiểm soát tính chính xác của việc kê khai tài sản; chưa có biện pháp xử lý đối với tài sản có giá trị lớn tăng lên bất thường mà người kê khai không chứng minh được tính minh bạch, hợp pháp của tài sản tăng thêm. Việc kê khai tài sản, thu nhập mới chỉ dựa vào sự tự giác của người phải kê khai; việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại nơi cán bộ, công chức thường xuyên công tác chưa được thực hiện đồng bộ hoặc chưa phát huy tác dụng, vì cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan rất khó biết được thực chất số lượng tài sản của người có chức vụ, quyền hạn và thông thường, vì sợ bị trù dập nên họ rất ngại tố cáo trong trường hợp biết được lãnh đạo kê khai tài sản, thu nhập không đúng. Thời gian qua, có nhiều trường hợp lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích được nhận lương hàng tỷ đồng/năm, có nơi đến 2,6 tỷ đồng/người/năm và kéo dài nhiều năm nhưng qua công tác kê khai, minh bạch tài sản không phát hiện được cho thấy tính hình thức của biện pháp phòng ngừa tham nhũng này.

Việc xử xử lý trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng cũng còn lúng túng, có biểu hiện không nghiêm minh, mặc dù số lượng các vụ án tham nhũng năm nay được phát hiện, xử lý tăng, nhưng việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng lại giảm 14% so với cùng kỳ năm trước; mới chỉ xử lý trách nhiệm một số trường hợp người đứng đầu có liên đới hoặc đồng phạm với người có hành vi tham nhũng; một số nơi cấp ủy, chính quyền địa phương còn nể nang trong việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng.

Về kết quả thanh tra, kiểm toán nhà nước, giải quyết khiếu nại, tố cáo, theo Ủy ban, hầu hết các địa phương mà Đoàn của Ủy ban \ tiến hành giám sát, khảo sát đều cho rằng, số vụ việc phát hiện và xử lý chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra; số tiền, tài sản sai phạm có liên quan đến tham nhũng phát hiện được qua công tác thanh tra, kiểm toán là rất lớn, nhưng kiến nghị thu hồi chỉ khoảng trên 40%, số thu hồi được còn thấp hơn nữa (đạt dưới 50% số tiền, tài sản kiến nghị thu hồi). Tại các địa phương, Cơ quan thanh tra tiến hành rất nhiều cuộc thanh tra nhưng lại phát hiện được rất ít tham nhũng (có một số địa phương trong hơn 2 năm thực hiện 804 cuộc thanh tra nhưng chỉ phát hiện được 1-2 vụ tham nhũng nhỏ và kiến nghị xử lý kỷ luật, hành chính...). Việc xử lý sai phạm, thực hiện kiến nghị sau kết luận của Thanh tra, Kiểm toán thực hiện còn hạn chế. Qua nhiều năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, công tác tự phát hiện tham nhũng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị là rất yếu.

Ủy ban Tư pháp đề nghị, thời gian tới, Chính phủ cần tập trung lực lượng trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, khắc phục những sơ hở trong quản lý kinh tế, xã hội, nhất là trong các lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Các cơ quan chuyên trách về chống tham nhũng có biện pháp khắc phục yếu kém trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, nâng cao hiệu quả phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng; tập trung các giải pháp đột phá để phát hiện và xử lý các vụ án tham nhũng lớn. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hướng tăng thẩm quyền, trách nhiệm và tính độc lập của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán trong việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng.

Chính phủ khẩn trương nghiên cứu để ban hành hoặc trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành cơ chế hiệu quả hơn để kiểm soát tài sản, thu nhập không chỉ của người có chức vụ, quyền hạn mà của toàn bộ cán bộ, công chức; tăng cường chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền trong công tác thanh tra, kiểm tra tự phát hiện tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; ban hành tiêu chí cụ thể để xác định và xử lý được trách nhiệm của người đứng đầu.

Cũng trong phiên làm việc sáng nay, Quốc hội đã nghe Báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật Quốc hội về tình hình triển khai thi hành (trong đó có việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành) các luật, nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII thông qua.

Báo cáo Chính phủ cho biết, hết tháng 7/2013, Quốc hội đã thông qua 46 luật, pháp lệnh và đã có 37 luật, pháp lệnh có hiệu lực pháp luật. Đến nay, Chính phủ đã ban hành được 98/200 văn bản, đạt hơn 49%, còn nợ lại 102 văn bản.

Chiều nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý 41 người đứng đầu để xảy ra tham nhũng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.