Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động về chất lượng đội ngũ cán bộ nguồn

Võ Lâm| 19/08/2014 05:50

(HNM) - Hôm nay 19-8, lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn lãnh đạo, quản lý TP Hà Nội năm 2014 bế giảng. Với nhiều ý nghĩa mới, lớp học một lần nữa cho thấy quyết tâm của Thành ủy Hà Nội trong đổi mới công tác cán bộ.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị và học viên lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn lãnh đạo, quản lý thành phố năm 2014. Ảnh: Viết Thành


Nhân dịp này, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, Phó trưởng ban chỉ đạo lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn lãnh đạo, quản lý thành phố năm 2014 đã dành cho Báo Hànộimới cuộc phỏng vấn về những nội dung liên quan.

- Có ý kiến cho rằng lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn lãnh đạo, quản lý là “một lớp học đặc biệt”. đồng chí có thể cho biết ý kiến?

- Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng: Đúng là lớp học lần này có những yếu tố đặc biệt. Trước hết là việc tổ chức những lớp học như vậy chưa có tiền lệ ở Hà Nội. Hơn 100 học viên tham gia lớp học đều là lãnh đạo chủ chốt các sở, ban, ngành, đoàn thể và các quận, huyện, thị xã; là cán bộ nằm trong diện quy hoạch nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015 - 2020 và những năm tiếp theo đã được TƯ phê duyệt. 100% các học viên có trình độ từ đại học trở lên và có bằng cao cấp lý luận chính trị, trong đó có 64 người có trình độ trên đại học (56 thạc sĩ, 8 tiến sĩ). Các học viên đều đã trải qua nhiều cương vị công tác.

Các học viên được nghiên cứu chương trình gồm 7 học phần. Trong đó có 5 học phần cơ bản về hệ thống các vấn đề lý luận chính trị, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, những vấn đề quốc tế và lý thuyết, kỹ năng lãnh đạo, quản lý; 1 học phần các chuyên đề bổ trợ và 1 học phần nghiên cứu thực tế. Trong 2 tháng học tập vừa qua, các học viên đã được nghe giảng, trao đổi trực tiếp với các đồng chí lãnh đạo TƯ, các đồng chí Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, các nhà khoa học, các chuyên gia có uy tín, kinh nghiệm và tâm huyết… Qua lớp học, các học viên đã được bồi dưỡng nhiều kiến thức, kỹ năng để mỗi người vững vàng hơn về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, có tầm nhìn và tư duy chiến lược, năng lực lãnh đạo, quản lý được hoàn thiện hơn.

- Một lớp học như vậy chắc chắn công tác tổ chức, quản lý phải được chú trọng để việc giảng dạy, học tập đạt kết quả cao. đồng chí có thể cho biết những kinh nghiệm rút ra từ công tác tổ chức, quản lý lớp học này?

- Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng: Chúng tôi đã tham khảo rất kỹ việc tổ chức, quản lý lớp cán bộ dự nguồn cao cấp của Ban Tổ chức TƯ. Ngay sau khi Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Quyết định số 4580-QĐ/TU về việc thành lập Ban chỉ đạo và Kế hoạch số 1190-KH/TU ngày 5-6-2014 về “Tổ chức lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn lãnh đạo, quản lý thành phố Hà Nội năm 2014”, Ban Chỉ đạo lớp học, Ban Tổ chức Thành ủy đã khẩn trương tham mưu với Thường trực Thành ủy ban hành quyết định cử cán bộ đi học, xây dựng quy chế học tập, liên hệ mời đội ngũ giảng viên thành lập ban cán sự lớp… Bên cạnh việc thực hiện tốt chương trình khóa học, bảo đảm giáo trình, tài liệu…, Ban Chỉ đạo phân công các thành viên, tổ thư ký thường xuyên theo dõi, quản lý các nội dung chương trình, kế hoạch đào tạo, bảo đảm tiến độ, chất lượng nội dung. Lớp được tổ chức theo phương thức học tập trung liên tục trong 2 tháng tại Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong. Ngoài thời gian nghe giảng viên trên lớp, học viên tự nghiên cứu các chuyên đề và viết thu hoạch theo các nội dung của chương trình; duy trì thảo luận tổ vào buổi chiều trong tuần theo lịch. Ban Chỉ đạo lớp học đã xây dựng chương trình thực tế ở cơ sở là những huyện, xã khó khăn, vùng xa trung tâm của thành phố, những nơi có mô hình tiêu biểu để các học viên vận dụng được kiến thức, kỹ năng học tập, đề ra các biện pháp giải quyết khó khăn cho địa phương… Đây là bài học kinh nghiệm rất cần thiết.

Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng.


- Kết quả học tập của các học viên như thế nào? Đồng chí có thể đánh giá về ý thức tác phong trong học tập của các học viên vốn bận rộn vì phải đảm đương những chức vụ chủ chốt tại các cơ quan, đơn vị của thành phố?

- Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng: Lớp bồi dưỡng được tổ chức vào thời điểm các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã đang tập trung chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ của kế hoạch năm 2014. Song các học viên đã tham gia dự khóa học với ý thức trách nhiệm cao, chủ động khắc phục khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ học tập, chấp hành nghiêm nội quy lớp học. Thời gian học tập, sinh hoạt tại trường bảo đảm theo kế hoạch; tập trung nghiên cứu tài liệu và nghe giảng; tích cực phát biểu ý kiến, trao đổi, thảo luận; gương mẫu trong rèn luyện đạo đức, tác phong, kỷ luật; chấp hành đúng thời gian, địa điểm và các yêu cầu trong tự nghiên cứu, đi thực tế theo chương trình lớp học. Nhiều đồng chí học viên là cán bộ lãnh đạo các huyện, quận xa nơi học như Thạch Thất, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Mê Linh, Sóc Sơn… đã có nhiều cố gắng trong học tập. Nhiều học viên có chức trách, cương vị công tác phải chỉ đạo, điều hành trực tiếp, thường xuyên, liên tục công việc của địa phương, đơn vị, nhưng vẫn tham gia học tập chuyên cần. Trên cơ sở kiểm tra, đánh giá đúng quy trình, nguyên tắc, Ban Chỉ đạo lớp học xếp loại chung của lớp là giỏi. Các học viên đều đạt kết quả học tập, rèn luyện cao.

- Được biết, cùng với lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn lãnh đạo, quản lý, Ban Tổ chức Thành ủy đã tham mưu cho Thành ủy tổ chức các lớp đào tạo cán bộ nguồn khác. đồng chí cho biết mục tiêu của công tác đào tạo cán bộ nguồn của thành phố là gì?

- Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng: Ban Tổ chức Thành ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy xây dựng Đề án số 07-ĐA/TU ngày 24-9-2013 về “Đào tạo cán bộ nguồn thành phố Hà Nội giai đoạn từ nay đến năm 2020”. Mục tiêu của Đề án trước hết là thực hiện thành công chỉ tiêu đào tạo 1.000 cán bộ nguồn mà Đại hội lần thứ XV của Đảng bộ thành phố đã đề ra. 1.000 cán bộ nguồn gồm 500 cán bộ nguồn làm công tác Đảng các cấp, 200 cán bộ nguồn chuyên trách công tác Đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội làm việc tại xã, phường, thị trấn, 300 cán bộ nguồn làm công tác quản lý nhà nước tại chính quyền cấp xã, phường, thị trấn.

Tiến độ thực hiện Đề án 07-ĐA/TU đến nay rất khả quan. 5 lớp đào tạo cán bộ nguồn làm công tác Đảng đã hoàn thành xong chương trình học tập. Lớp cán bộ nguồn kiểm tra đã hoàn thành xong chương trình đi thực tế ở cơ sở, đã được tuyển dụng và phân công công tác. Lớp cán bộ nguồn tuyên giáo chuẩn bị kết thúc chương trình đi thực tế ở cơ sở. Lớp cán bộ nguồn tổ chức đang đi thực tế. Cách đây một tuần, cũng tại Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, Thành ủy Hà Nội đã bế giảng lớp cán bộ nguồn dân vận sau 18 tháng học tập trung. 3 lớp cán bộ nguồn cấp xã, phường, thị trấn đã được tổ chức, nâng tổng số cán bộ nguồn được tuyển chọn và đào tạo của thành phố đến nay là khoảng 800 người.

Điều quan trọng là các lớp cán bộ nguồn này đều được tổ chức, quản lý một cách hết sức bài bản, khoa học nhằm kiểm soát được chất lượng từ “đầu vào” đến “đầu ra”. Nói riêng về khâu tuyển chọn, Ban Tổ chức Thành ủy đã tham mưu thành lập các hội đồng để xét duyệt qua 3 vòng: Vòng xét duyệt, thẩm định lại hồ sơ của các đơn vị; vòng sơ tuyển và báo cáo hội đồng xét tuyển quyết định danh sách học viên tham dự các lớp nguồn. Việc xét duyệt học viên được thực hiện công khai, có nguyên tắc, tiêu chuẩn, điều kiện rõ ràng. Học viên được tuyển chọn từ cơ sở, sau quá trình học tập trung từ 18 đến 24 tháng (tùy từng đối tượng) sẽ được phân công về học tập thực tiễn tại cơ sở 12 tháng. Sau thời gian đó, mỗi học viên được sát hạch công chức dựa trên nhiều cơ sở như kết quả học tập trong trường đại học, kết quả học tập lớp cán bộ nguồn, kết quả hoạt động thực tiễn ở cơ sở. Trên cơ sở đó, cán bộ nguồn được bổ sung cho các cơ quan của thành phố và các địa phương… Với chế độ đãi ngộ khá cao (học viên tốt nghiệp lớp cán bộ nguồn đi thực tế cơ sở, ngoài hưởng lương cơ bản theo quy định còn được hỗ trợ của thành phố, có thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng), thành phố đã tạo môi trường tích cực để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Thực tế kiểm chứng thời gian qua, các học viên lớp cán bộ nguồn về công tác ở cơ sở đều được đánh giá cao về phẩm chất và năng lực.

Đề án 07-ĐA/TU là sự chủ động của Thành ủy trong việc chuẩn bị nhân sự, xây dựng đội ngũ cán bộ bảo đảm chất lượng cho nhiệm kỳ kế tiếp, nói rộng ra là cho tương lai. Cách làm này của Hà Nội đã được TƯ đánh giá cao, được coi là đơn vị đi đầu cả nước về công tác cán bộ.

- Từ nay đến hết nhiệm kỳ có thể coi là giai đoạn nước rút để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Ban Tổ chức Thành ủy sẽ tiếp tục tham mưu cho Thành ủy những công việc gì về công tác đào tạo cán bộ nguồn, thưa đồng chí?

- Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng: Thực hiện Quy định 164-QĐ/TƯ ngày 1-2-2013 của Bộ Chính trị về “chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”, ngay trong năm nay, Ban Tổ chức Thành ủy tiếp tục tham mưu với Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức lớp bồi dưỡng cho các đồng chí thành ủy viên, cán bộ chủ chốt đương chức của các sở, ban, ngành, các địa phương thuộc thành phố. Từ nay đến hết nhiệm kỳ, Ban Tổ chức Thành ủy sẽ tập trung tham mưu với Ban Thường vụ Thành ủy, phối hợp với các ban đảng, các cấp ủy Đảng tập trung thực hiện thắng lợi Đề án 07-ĐA/TU, trước hết là mục tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ các cấp, hoàn thành đào tạo 1.000 cán bộ nguồn bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung và công tác đào tạo cán bộ nguồn thành phố nói riêng là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, là khâu then chốt được Thành ủy luôn quan tâm chỉ đạo. Mặc dù đã thu được nhiều kết quả nhưng công tác đào tạo cán bộ rất khó khăn nên cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, đòi hỏi phải có sự vào cuộc trách nhiệm, tâm huyết của các cấp, các ngành. Chúng tôi mong rằng, trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền đã tuyển chọn, cử học viên đi học lớp cán bộ nguồn tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, cùng với Thành ủy giúp đỡ, tạo điều kiện, theo dõi, giám sát, nói chung là “vun trồng” cho lớp cán bộ nguồn của thành phố ngày càng tiến bộ cả về đạo đức, tác phong, năng lực, trình độ. Chúng ta phải làm hết sức để nắm thế chủ động về chất lượng đội ngũ cán bộ nguồn. Chúng ta đều mong muốn và tin tưởng học viên các lớp cán bộ nguồn ý thức được trách nhiệm của bản thân để không ngừng vươn lên trong học tập, rèn luyện trở thành những cán bộ, công chức có phẩm chất tốt, năng lực nghiệp vụ cao, tinh thần thái độ phục vụ nhân dân, đáp ứng được mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển Thủ đô.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động về chất lượng đội ngũ cán bộ nguồn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.