Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Sớm bố trí khoa học, quản lý hiệu quả

Nhóm PV Nội chính| 28/08/2014 06:26

(HNM) - Giải pháp nào tháo gỡ những bất cập, bảo đảm quyền lợi người lao động, đồng thời tạo động lực để các cơ quan, đơn vị thực thi và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao là điều đáng quan tâm.

Giải pháp nào tháo gỡ những bất cập, bảo đảm quyền lợi người lao động, đồng thời tạo động lực để các cơ quan, đơn vị thực thi và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao là điều đáng quan tâm.

Vẫn là câu chuyện… sử dụng hợp lý

Nhìn vào những bất cập tồn tại trong việc thực hiện tổ chức bộ máy và quản lý, sử dụng biên chế hành chính, sự nghiệp, có thể thấy có nguyên nhân khách quan. Đó là một số văn bản pháp luật chưa phù hợp, thiếu hướng dẫn cụ thể khiến các cơ quan, đơn vị lúng túng trong quá trình thực hiện. Đơn cử như Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy pháp chế có hiệu lực từ ngày 25-8-2012 nhưng đến nay chưa có Thông tư hướng dẫn. Trong khi đó, nhiệm vụ mà bộ, ngành TƯ giao cho các cơ quan, đơn vị và cấp quận, huyện, xã, phường, thị trấn ngày càng tăng nhưng lại không giao thêm biên chế. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu. Rõ ràng, việc quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, tiền lương, tiền công, cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và lao động hợp đồng (LĐHĐ) là việc làm thường xuyên của các cơ quan, đơn vị. Thế nhưng, không ít đơn vị chậm và chưa chủ động triển khai, phần lớn là do Sở Nội vụ đề xuất, đôn đốc thì mới thực hiện. Ngay đợt kiểm tra nội dung này năm 2013, Sở Nội vụ đã yêu cầu các đơn vị rà soát, báo cáo nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Quận Long Biên đã ứng dụng CNTT vào bộ phận “một cửa”, tăng hiệu quả của nền hành chính.


Trên thực tế, không phải quá khó để khắc phục những bất cập trong quá trình quản lý, sử dụng biên chế hiện nay. Ngay như trong việc sử dụng LĐHĐ, lãnh đạo quận Long Biên khẳng định: Nếu thống nhất tất cả quận, huyện, thị xã không được sử dụng LĐHĐ thì đương nhiên phải thực hiện. Ngoài ra, theo tổng hợp của Sở Nội vụ, năm 2014, Hà Nội được giao 10.234 biên chế hành chính, số thực hiện là 9.728. Như vậy, số biên chế hiện có của Hà Nội không phải là thiếu trầm trọng. Kinh nghiệm của quận Long Biên trong xử lý tình trạng "ít người, nhiều việc" là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào giải quyết công việc. Hiện, tất cả văn bản của quận được xử lý trên phần mềm. Mỗi CBCC dù phải kiêm nhiều nhiệm vụ nhưng với hệ thống phần mềm kiểm soát thì không nhất thiết lúc nào cũng phải đi xuống đơn vị. Hay như Sở GD-ĐT, dù quản lý 334 đơn vị trực thuộc nhưng hằng năm vẫn kiểm tra toàn diện bằng cách chia các đơn vị thành 16 cụm. Buổi sáng kiểm tra một đơn vị, buổi chiều rút kinh nghiệm chung toàn cụm. Theo cách này, trung bình một năm Sở kiểm tra được 20% số cụm và có thông tin chung để rút kinh nghiệm. Theo Đoàn giám sát của Thường trực HĐND thành phố, đây chính là những cách làm hay mà các đơn vị cần phát huy để trên cơ sở định biên được giao, bố trí CBCCVC cho phù hợp.

Nâng trách nhiệm cơ quan chủ quản

Sau khi rà soát, đánh giá tình hình, ngày 31-7-2014, UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 5686/ UBND-NC về việc chấn chỉnh công tác quản lý biên chế, tiền lương CBCC các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã. Theo đó, thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã khẩn trương hoàn thành Đề án vị trí việc làm theo đúng kế hoạch, làm cơ sở xây dựng kế hoạch biên chế hằng năm; thực hiện tuyển dụng, bố trí, sử dụng CBCC. Đồng thời, rà soát việc thực hiện kế hoạch biên chế, từ đó đăng ký tuyển dụng để bổ sung số CC còn thiếu so với chỉ tiêu biên chế được giao, tránh sử dụng LĐHĐ thay cho CC. Cùng với đó là rà soát các đối tượng ký HĐLĐ để thực hiện chế độ chính sách, bảo đảm quyền lợi cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Như vậy, chỉ đạo của thành phố rất rõ, các đơn vị cần nghiêm túc thực hiện. Đây cũng là quan điểm của Đoàn giám sát của Thường trực HĐND thành phố sau khi trực tiếp làm việc với 11 sở, ngành, quận, huyện. Để khắc phục những bất cập, chưa hợp lý, tại các cuộc làm việc, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh đã yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, quận, huyện cần quan tâm tổ chức và đăng ký thi tuyển CCVC hằng năm theo đúng nghị quyết của HĐNĐ thành phố. Đặc biệt, các đơn vị cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án vị trí việc làm làm cơ sở để HĐND thành phố giao chỉ tiêu biên chế.

Chủ tịch HĐND thành phố Ngô Thị Doãn Thanh chỉ rõ: Chúng ta đang trong quá trình triển khai Nghị quyết TƯ 7 (khóa XI) về một số vấn đề cải cách tiền lương nên Sở Nội vụ cần chú ý tham mưu cho UBND thành phố về việc phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, tiền lương CBCCVC; tham mưu HĐND thành phố ra nghị quyết hằng năm về biên chế. Đặc biệt, nghị quyết này phải được xây dựng trên tinh thần Hiến pháp năm 2013, tinh thần Nghị quyết TƯ 7 và bảo đảm việc thực hiện tổ chức bộ máy quản lý, sử dụng biên chế hành chính, sự nghiệp của TP Hà Nội đúng quy định.

Để khắc phục những tồn tại đã phản ánh trong loạt bài này, Sở Nội vụ với vai trò cơ quan tham mưu về tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng biên chế cũng đưa ra giải pháp tháo gỡ. Trong đó, theo Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng thì cần tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp theo hướng tinh gọn, hiệu quả; kiên quyết tổ chức lại, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị hoạt động hiệu quả thấp hoặc đã hết chức năng, nhiệm vụ. Về phần mình, Sở Nội vụ tiếp tục duy trì, đổi mới công tác tuyển dụng CCVC, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đột xuất đối với các cơ quan, đơn vị nhằm kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót, sai phạm…

Nếu như các giải pháp này được triển khai một cách nghiêm túc, mỗi cơ quan, đơn vị đều quyết tâm vượt khó, sắp xếp, bố trí hợp lý đội ngũ CBCCVC, cộng với sự điều chỉnh kịp thời một số quy định của TƯ, chắc chắn hiệu quả hoạt động của bộ máy sẽ được nâng lên.

Một số kiến nghị của Hà Nội với Trung ương

- Nghị định số 24/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức có một số quy định về tiếp nhận không qua thi tuyển đối với các trường hợp đặc biệt và không qua thi tuyển đối với những trường hợp tiếp nhận không qua thi tuyển vào công chức còn chung chung, thiếu thực tế.

- Quyết định số 27/2003/QĐ-TTg của Chính phủ về việc ban hành "Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm, cán bộ công chức lãnh đạo" và Quyết định số 11/1998/QĐ-TCCP - CCVC của Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) về việc "Ban hành quy chế đánh giá công chức hằng năm" đã cũ không còn phù hợp với những quy định mới trong các nghị quyết của BCH TƯ Đảng (khóa XI), luật pháp hiện hành và thực tế công tác quản lý.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Sớm bố trí khoa học, quản lý hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.