Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thi tuyển chức danh lãnh đạo: Thiếu mô hình thống nhất

Mai Hoàng| 09/12/2014 05:20

(HNM) - Thời gian qua, nhiều bộ, ngành, địa phương đã chủ động thực hiện thi tuyển chức danh lãnh đạo, tuy nhiên, mỗi nơi thực hiện một kiểu.

Rất nhiều tỉnh, thành đã mạnh dạn thí điểm thi tuyển lãnh đạo đứng đầu sở, ngành như: Quảng Bình, Hải Phòng, Quảng Nam, Đồng Tháp, Quảng Ninh, Đà Nẵng… Tuy nhiên, mỗi nơi có hình thức thi riêng của mình. Chẳng hạn như tháng 4-2013, tỉnh Quảng Bình tổ chức thi tuyển chức danh Giám đốc Sở Y tế thì đối tượng dự tuyển là những người nằm trong quy hoạch cho chức danh Giám đốc Sở. Các thí sinh báo cáo chương trình hành động của mình, ban giám khảo hỏi thêm một số câu rồi bỏ phiếu. Tỉnh Đồng Tháp cũng tiến hành nhận hồ sơ thi tuyển 4 chức danh: Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, GT-VT, Đài Phát thanh và Truyền hình và Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh (mỗi chức danh tuyển 1 người). Với chức danh Phó Giám đốc của hai Sở, thí sinh dự thi là các Phó Bí thư, Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND cấp huyện. Với chức danh Phó Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng, những người đang làm việc ở các đơn vị kinh tế cũng có thể dự thi. Những người trong cơ quan đã được quy hoạch hoặc chưa quy hoạch 4 chức danh trên, những người ở cơ quan khác đã được quy hoạch chức danh tương đương (kể cả ở các cơ quan ngành dọc trung ương đóng tại Đồng Tháp) đều có thể nộp hồ sơ dự thi.

Một kỳ thi tuyển công chức ở tỉnh Quảng Ninh.


Thông qua công tác thi tuyển, TP Hải Phòng tuyển được Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Phòng. Tỉnh Quảng Nam đã tuyển được Hiệu trưởng Trường Đại học Quảng Nam và Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Quảng Nam. Tỉnh Quảng Ninh chọn được 12 lãnh đạo cho các sở, ngành. TP Đà Nẵng cũng đã tuyển được 40 vị trí chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị, trong đó có nhiều vị trí quan trọng. Đáng chú ý, từ việc thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập tại thành phố, dự kiến hết năm 2014, TP Hồ Chí Minh sẽ có lứa cán bộ lãnh đạo cấp phòng đầu tiên thông qua thi tuyển. Hơi chậm so với các địa phương trên, nhưng đầu năm 2014, UBND TP Hà Nội đã giao Sở Nội vụ xây dựng và triển khai thực hiện đề án thí điểm thi tuyển một số chức danh lãnh đạo ở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc thành phố.

Cùng với các địa phương, các bộ, ngành cũng đã tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo. Bộ Tư pháp đã tổ chức thi tuyển chức danh Phó Giám đốc Học viện Tư pháp; Bộ GT-VT thi tuyển 5 chức danh lãnh đạo các tổng cục, cục, vụ trực thuộc. Cùng chung ý tưởng thí điểm tuyển chọn lãnh đạo, song đối tượng dự thi và tiêu chuẩn của người dự thi được Bộ Tư pháp quy định "thoáng" hơn so với Bộ GT-VT. Không bó hẹp đối tượng tham gia thi tuyển phải nằm trong nguồn quy hoạch như Bộ GT-VT, Bộ Tư pháp đã mở rộng với cả những người ngoài quy hoạch ở trong và ngoài ngành, người lao động trong các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, pháp chế các bộ, ngành để mở rộng đối tượng tham gia, thu hút những cán bộ có năng lực…

Tiếp tục đổi mới, Bộ GT-VT tổ chức thi tuyển chức danh Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam vào cuối tháng 4-2014; thi tuyển thêm 4 vị trí lãnh đạo cho các cục, vụ trực thuộc là chức danh Vụ trưởng của Vụ An toàn giao thông, Vụ Vận tải, Vụ Quản lý doanh nghiệp và Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa. Điều kiện để thi tuyển vào 4 chức danh nói trên, ngoài tiêu chuẩn về phẩm chất, đạo đức thì phải có 5 năm công tác trở lên trong ngành, lĩnh vực liên quan đến chức danh thi tuyển, trong đó có ít nhất 3 năm làm công tác quản lý về lĩnh vực chuyên môn. Theo các chuyên gia, chỉ có tổ chức thi tuyển mới công khai minh bạch, dân chủ, lựa chọn được đúng người, tránh được tiêu cực và tình trạng "sống lâu lên lão làng".

Hiệu ứng từ phương thức thi tuyển đã bước đầu chứng minh tính tích cực khi các vị lãnh đạo được bổ nhiệm đều rốt ráo đưa "chương trình hành động" của mình đi vào thực tế, nâng cao hiệu quả công việc. Việc thi tuyển tạo cơ hội cạnh tranh, tạo điều kiện bổ nhiệm người có trình độ, năng lực nên đã được dư luận đồng tình, ủng hộ. Song, cách thức tổ chức thi tuyển của các bộ, ngành, địa phương nếu một mô hình thống nhất sẽ không tạo được sự công bằng về "đầu vào" cùng một chức danh.

Hướng tới một cách làm bài bản trong tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, vào cuối tháng 11-2014, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 9247/VPCP-TCCV truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ Nội vụ nghiên cứu kết quả tổ chức thi tuyển chức danh cấp trưởng đối với một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GT-VT, từ đó hoàn thiện đề án "Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng". Trước đó, Bộ Nội vụ cũng đã sát sao với từng cuộc thi tuyển chức danh lãnh đạo ở các bộ, ngành, địa phương. Mong rằng, trên cơ sở nghiên cứu, phân tích các ưu điểm, hạn chế của từng đợt thi tuyển các chức danh, Bộ Nội vụ sớm xây dựng được quy trình chuẩn, đáp ứng được yêu cầu cải cách công vụ, công chức trong giai đoạn hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thi tuyển chức danh lãnh đạo: Thiếu mô hình thống nhất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.