Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tuyển sinh lớp 10 THPT ngoài công lập: Vẫn nỗi lo cũ

Thống Nhất| 03/03/2011 03:50

(HNM) - Từ tháng 3, Sở GD-ĐT Hà Nội bắt đầu duyệt kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2011-2012 của các trường THPT, bổ túc văn hóa và trung tâm giáo dục thường xuyên. Yêu cầu được đặc biệt nhấn mạnh tới các đơn vị là phải nghiêm túc thực hiện Quy chế "3 công khai". Đây là một nỗi lo không nhỏ đối với các trường ngoài công lập (NCL) trên địa bàn TP.

"3 công khai" mới được giao chỉ tiêu tuyển sinh

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Đoàn Hoài Vĩnh cho biết, các trường (cả công lập và ngoài công lập) muốn được giao chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2011-2012 thì phải thực hiện nghiêm túc Quy chế "3 công khai" theo quy định của Bộ GD-ĐT. Theo đó, các trường phải công khai về thông tin chất lượng, cam kết chất lượng; công khai về cơ sở vật chất, thu - chi tài chính; công khai về chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Yêu cầu "3 công khai" phải được gắn với mục tiêu, kế hoạch phát triển của nhà trường từ nay tới năm 2015. Riêng với các trường NCL, yêu cầu được nhấn mạnh trong việc thực hiện "3 công khai" là phải tăng cường cơ sở vật chất, cụ thể là phòng học, phòng bộ môn, máy tính, thư viện và phải có đủ trang thiết bị dạy học theo danh mục tối thiểu của Bộ GD-ĐT quy định.

Một giờ học tại Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng. Ảnh: Khánh Nguyên

Kết quả kiểm tra cơ sở vật chất của các trường cho thấy, chất lượng cơ sở vật chất chính là điểm yếu nhất của các trường NCL và điều đó đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới công tác tuyển sinh của những trường này. Năm học 2010-2011, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội đã kiên quyết không giao chỉ tiêu cho 14 trường NCL do chưa đủ điều kiện tuyển sinh, lý do chủ yếu là khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu thiết bị dạy học, thiếu sân chơi, bãi tập cho HS như các trường THPT Lê Ngọc Hân, THPT Hoàng Long, THPT Lê Hồng Phong, THPT Đinh Tiên Hoàng - Mỹ Đức… Lại có trường thiếu hợp đồng thuê mượn địa điểm và cơ sở vật chất, trường thì cơ cấu tổ chức bộ máy chưa được thành phố công nhận… Đây cũng không phải là lần đầu tiên Sở GD-ĐT Hà Nội dừng xét chỉ tiêu tuyển sinh cho những đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Quy chế "3 công khai" theo quy định.

Quan điểm "thực chất trong đánh giá" được lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội tiếp tục quán triệt trong công tác tuyển sinh năm nay, nhất là đối với các trường NCL nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục của toàn ngành và quyền lợi của HS. Theo đó, những trường không đủ điều kiện dứt khoát sẽ không được duyệt chỉ tiêu tuyển sinh năm học tới. Thậm chí, đã có ý kiến đề nghị nên xem xét trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường khi không công khai các thông tin về trường cho phụ huynh, HS theo dõi. Đây được coi là điều cần thiết để huy động sự tham gia của người dân vào việc giám sát hoạt động của mỗi nhà trường.

Yếu vì thiếu lực hút

Việc thực hiện công khai, bảo đảm đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất trường, lớp, phòng học, trang thiết bị dạy học là mối lo lớn nhất đối với các trường NCL trên địa bàn TP hiện nay trong mùa tuyển sinh. Đánh giá về công tác tuyển sinh năm học trước, ông Nguyễn Thế Sơn, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết: Khối các trường NCL đã không tuyển đủ chỉ tiêu kế hoạch giao. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng HS không mặn mà theo học trường NCL là do điều kiện cơ sở vật chất trường, lớp quá thiếu thốn, trang thiết bị dạy học lạc hậu. Ngoài ra, còn có thêm hai nguyên nhân nữa là mức thu học phí cao và chất lượng giảng dạy chưa đáp ứng được yêu cầu của HS, phụ huynh.

Theo thống kê sơ bộ của Sở GD-ĐT Hà Nội, 80% số trường THPT NCL trên địa bàn TP đang phải đi thuê, mượn địa điểm, giảng dạy và tổ chức các hoạt động giáo dục cho HS. Nỗi lo "an cư" còn chưa hết, các trường NCL khó có thể yên tâm đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học. Thực trạng ấy không thể không ảnh hưởng tới lòng nhiệt huyết của đội ngũ giáo viên. Thực tế, đã có lúc lãnh đạo trường NCL đau đầu trước tình trạng giáo viên luôn "nhấp nhổm" xin chuyển đi nơi khác để mong có điều kiện dạy học tốt và có thể được đãi ngộ tốt hơn.

Nỗi lo ấy dường như càng hiển hiện, khi từ năm 2011, các trường THPT công lập được lãnh đạo TP quyết định tăng mức đầu tư từ ngân sách lên 4 triệu đồng/HS/năm học (so với mức 1.880.000 đồng/HS/năm học như trước đây). Trong khi các trường công lập có thêm nguồn kinh phí đáng kể từ nguồn ngân sách để chăm lo điều kiện dạy - học và tổ chức các hoạt động giáo dục cho HS chu đáo hơn, thì các trường NCL lại càng trở nên khó xoay xở, nhất là vào thời điểm giá cả thị trường tăng cao như hiện nay.

Ông Nguyễn Thế Sơn cũng cho biết, trong thời gian tới, các trường NCL còn phải đối mặt với một khó khăn khác là từ nay đến năm 2015, dân số độ tuổi HS THPT sẽ giảm dần. Cùng với sự tăng cường đầu tư từ nguồn ngân sách để đạt chuẩn quốc gia, đây là cơ hội vàng để các trường THPT công lập phát triển mạnh mẽ, mà rõ nhất là việc giảm quy mô trường, lớp. Khi sĩ số HS/lớp ít đi, chất lượng dạy - học chắc chắn có sự cải thiện tích cực. Khoảng cách giữa các trường công lập và NCL sẽ ngày càng rõ, việc thu hút HS theo học NCL càng khó khăn hơn nếu các trường NCL không chủ động, tích cực để "xốc" lại chính mình nhằm tạo lực hút mạnh mẽ với HS, phụ huynh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyển sinh lớp 10 THPT ngoài công lập: Vẫn nỗi lo cũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.