Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sẽ tiếp tục để xã hội giám sát coi thi

Quỳnh Phạm| 11/07/2012 06:24

(HNM) - Ngày 10-7, sau khi kết thúc buổi thi cuối của đợt thi ĐH thứ 2, Bộ GD-ĐT đã tổ chức họp báo về hai đợt thi này. Tại đây, lãnh đạo Bộ đã trả lời nhiều câu hỏi của các phóng viên về những vấn đề được dư luận quan tâm, đó là quy định cho phép thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi.

Thí sinh trao đổi bài sau khi thi. Ảnh: Hoàng Hà

- Đề nghị Bộ cho biết dựa trên quan điểm nào mà quy định về việc mang các thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi được đưa ra? Trong đợt thi vừa qua có trường hợp nào mang thiết bị nói trên vào phòng thi hay không?

- Ông Nguyễn Huy Bằng (Chánh thanh tra): Bản chất của việc đưa ra quy định này là ở chỗ, đây là một trong các hoạt động dân chủ hóa nền giáo dục. Bộ đã cân nhắc và quyết định chủ động tạo điều kiện cho xã hội giám sát việc thi cử bên cạnh sự giám sát của Nhà nước. Mục đích là xã hội hóa ngành giáo dục. Đến nay chúng tôi chưa nhận được thông tin phản ánh tiêu cực nào, nếu nhận được thì sẽ xử lý nhanh và tích cực.

- Liệu quy định này có gây căng thẳng không cần thiết cho cán bộ coi thi? Nếu thí sinh sử dụng thiết bị và đưa được đề ra ngoài phòng thi thì lúc đó Bộ sẽ giải quyết như thế nào? Sự cố đề thi toán bị đưa ra ngoài sớm đã được Bộ xử lý ra sao?

- Ông Nguyễn Huy Bằng: Giám thị đã được Bộ giao trách nhiệm và các thầy, cô phải chịu sự giám sát của xã hội. Phần lớn giám thị đều đã giải tỏa tâm lý sau một buổi thi và thấy thoải mái. Việc đặt giả thiết như trên rồi yêu cầu đưa ra cách giải quyết là rất khó trả lời. Cần phải xem cụ thể sự việc diễn ra như thế nào thì mới có thể có cách giải quyết hợp lý. Tuy nhiên, theo quy chế, nếu thí sinh lợi dụng phương tiện kỹ thuật để làm phức tạp, làm hỏng kỳ thi thì phải xử lý nghiêm. Ví như, đang giữa giờ thi mà đứng dậy chụp phòng thi để làm kỷ niệm thì là vi phạm quy chế, vì thí sinh đó đã gây mất trật tự phòng thi.

Còn sự việc liên quan tới đề thi toán đang được Bộ phối hợp với cơ quan công an xem xét. Khi nào có kết quả chính thức chúng tôi sẽ có thông tin.

- Việc thí sinh chụp hình bài thi có thể coi như đánh dấu bài, vậy công tác chấm thi phải xử lý ra sao?

- Ông Trần Văn Nghĩa (Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng): Trên thực tế, việc sử dụng các thiết bị công nghệ cao để đưa đề ra ngoài phòng thi đã từng xảy ra ở các năm trước. Vì vậy, không nên đặt vấn đề theo hướng có quy định cho phép mang thiết bị vào phòng thi mà dẫn đến việc vi phạm. Ngoài ra, nếu cán bộ coi thi có ý thức trách nhiệm cao thì việc tiêu cực không thể xảy ra dù không hiểu hết về các thiết bị công nghệ. Liên quan giữa việc chụp bài thi nhằm đánh dấu và việc chấm thi, theo tôi gian lận có nhiều cách khác nhau và việc chấm thi đã có các quy định chặt chẽ để chống các gian lận, như quy định chấm 2 vòng độc lập. Quy chế đã có hết các quy định đó rồi.

- Bộ có định giữ quy định này ở kỳ thi năm sau hay không? Và tại sao chúng ta không lắp đặt hệ thống camera ở các điểm thi?

- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Từ trước tới nay ta thường nghi ngờ tính nghiêm túc của kỳ thi bởi ta không biết được điều gì xảy ra phía sau cổng trường. Với quy định mới nói trên, chúng ta đã minh bạch hóa công tác tuyển sinh để xã hội biết và giám sát, trước tiên là từ phản ánh của thí sinh hoặc của bất cứ ai trong phòng thi. Ở mức độ cao hơn, bằng chứng có thể được tích lũy để cung cấp cho cơ quan chức năng. Như thế ta có điều kiện để xử lý, làm cho kỳ thi thực chất hơn. Quy định cũng đã “rào” rất kỹ để thí sinh không thể lợi dụng mà gây rối.

Có thể trong thời gian tới, một vài chi tiết kỹ thuật sẽ được thay đổi cho tốt hơn, nhưng chủ trương như vậy là phù hợp với mong muốn nâng cao chất lượng đào tạo. Theo tôi việc lắp camera là phương án không khả thi. Có hàng nghìn điểm thi trên khắp cả nước, chúng ta không thể có kinh phí để lắp camera chỉ để phục vụ kỳ thi.

Trong 2 đợt thi ĐH vừa qua, cả nước có 125 trường ĐH tổ chức thi.

Tổng số thí sinh đăng ký dự thi ĐH gần 1,615 triệu; số thí sinh đến dự thi là 1,265 triệu, đạt tỷ lệ 78,3%, giảm 0,28% so với năm 2011. Các trường đã huy động gần 193 nghìn lượt cán bộ tham gia công tác thi.

Đã có 321 thí sinh bị xử lý kỷ luật. Trong đó khiển trách 44, cảnh cáo 13, đình chỉ 253, đến muộn không được dự thi 11 (năm 2011 có 326 thí sinh bị xử lý kỷ luật, trong đó khiển trách 69, cảnh cáo 17 và đình chỉ thi 240). Tổng số cán bộ tham gia công tác thi tuyển sinh bị xử lý kỷ luật là 9, trong đó khiển trách 5, cảnh cáo 1 và đình chỉ 3 (năm 2011 có 6 cán bộ vi phạm bị xử lý, trong đó khiển trách 1 và đình chỉ 5).
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sẽ tiếp tục để xã hội giám sát coi thi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.