Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kéo dài… vẫn khó

Quỳnh Phạm| 06/11/2012 06:50

(HNM) - Việc Bộ GD-ĐT cho phép kéo dài thời gian xét tuyển tới hết tháng 11 năm nay đã giúp nhiều trường


"Câu giờ"… vẫn thất vọng


Không chỉ có các trường ngoài công lập phải tuyển sinh lần thứ ba, thứ tư, nhiều trường công lập cũng phải sử dụng tới chiêu "câu giờ". Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội công bố tuyển nguyện vọng 3 với chương trình cao đẳng Việt - Úc, chuyên ngành công nghệ thông tin và quản trị kinh doanh. ĐH Huế công bố tới 741 chỉ tiêu bổ sung nhưng mới chỉ nhận được vài chục hồ sơ; đang có nguy cơ sẽ phải tạm ngưng đào tạo nhiều ngành do không hút được thí sinh như sư phạm kỹ thuật nông nghiệp, sư phạm kỹ thuật công nghiệp, công nghệ kỹ thuật môi trường, địa lý tự nhiên. Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh cũng thông báo xét tuyển bổ sung hàng nghìn chỉ tiêu cho 20 ngành, trong đó có cả kế toán tài chính ngân hàng, kinh doanh quốc tế...


Giờ thực hành tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Trung Kiên

Trường công đã khó khăn như vậy thì trường ngoài công lập còn chật vật gấp nhiều lần. Trường ĐH Phương Đông mới chỉ tuyển được 50% thí sinh trong tổng số 2.400 chỉ tiêu. Trường ĐH Hải Phòng cũng phải chờ đến hết tháng 11 để có thêm thí sinh cho các ngành kỹ thuật.

Trước việc những quy định mới năm nay không mấy hữu dụng, nhiều trường ngoài công lập không khỏi thất vọng. Có người cho rằng do không quy định điểm trúng tuyển nguyện vọng sau cao hơn nguyện vọng trước nên ngay cả các thí sinh điểm thấp cũng muốn chờ đợi để được vào trường công thay vì đâm đơn vào trường ngoài công lập. Hiệu trưởng Trần Hữu Nghị, Trường ĐH DL Hải Phòng cho rằng: Thời hạn tuyển sinh được kéo dài khiến việc tuyển sinh của trường không ổn định, hồ sơ ảo lớn, do thí sinh không toàn tâm toàn ý vào trường mà cứ nhấp nhổm nộp vào, rút ra vì trông đợi vào những ngành nghề hấp dẫn hơn của trường khác. Với những thí sinh đã nhập học, Phó Hiệu trưởng Hoàng Hữu Nguyên, Trường ĐH Thành Tây cũng bày tỏ lo lắng: Do không đủ thí sinh nên trường sẽ phải kéo dài thời gian xét tuyển tới hết tháng 11, song thí sinh được tuyển vào nhiều đợt, mỗi đợt chỉ chục em nên việc tổ chức giảng dạy cũng gặp khó khăn.

Tuyển được thì lo chất lượng

Điều đặc biệt là năm nay không chỉ có khối ngành kỹ thuật ế ẩm. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Đa số các trường không tuyển được đều đào tạo ngành kinh tế quản lý, là những ngành đã không còn sức hút mạnh nữa so với trước đây. Ngay cả trường đi đầu về đào tạo kinh tế quản lý như ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, ĐH Kinh tế thuộc ĐH Đà Nẵng, mọi năm chỉ cần tuyển tới nguyện vọng 1, nhưng năm nay chỉ đạt 75-85% chỉ tiêu. Tình hình kinh tế khó khăn cũng khiến các gia đình phải cân nhắc việc cho con đi học. Ngoài ra, việc nhiều địa phương công khai "chê" sinh viên từ các trường ngoài công lập cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc tuyển sinh vào các trường này.

Trước những khó khăn chung trong công tác tuyển sinh, Bộ GD-ĐT đã cho phép ưu tiên (thực ra là một cách hạ điểm sàn) đối với những trường thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ được xét tuyển học sinh trong vùng ở mức dưới sàn 1 điểm. Đối với một số trường, đây là chiếc "phao" hữu dụng để cải thiện tình hình. Tuy nhiên, có trường công lập cho biết họ chưa áp dụng chính sách này ngay lập tức dù chưa tuyển đủ chỉ tiêu, bởi thời điểm có thông báo thì năm học mới đã bắt đầu, có tuyển thêm cũng không có sự thay đổi đáng kể. Hơn nữa, các thí sinh hầu như đã chọn các hệ đào tạo khác và rất ngại phải làm thủ tục rút hồ sơ chuyển sang trường khác. Điều khiến các chuyên gia lo ngại là với mức điểm ưu tiên thấp như vậy, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đối với các ngành sư phạm, khoa học sức khỏe... liệu có bảo đảm. Dẫu vậy thì các trường đều khẳng định sẽ áp dụng chính sách ưu tiên vào năm sau với hy vọng sẽ thu hút thí sinh mạnh hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kéo dài… vẫn khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.