Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2013: Vẫn ngại thi riêng

Quỳnh Phạm| 05/03/2013 06:10

(HNM) - Những mùa thi gần đây, Bộ GD-ĐT cũng đã khẳng định trường nào có đủ điều kiện đều có thể trình phương án tuyển sinh riêng để được phê duyệt...

Ấp ủ các phương án

Theo Luật Giáo dục ĐH có hiệu lực từ ngày 1-1-2013, các trường có quyền chọn phương án tổ chức thi, có thể thi hoặc xét tuyển. Từ năm 2010, Bộ GD-ĐT cũng đã đề nghị một số trường trọng điểm đưa ra các phương án tuyển sinh để Bộ tham khảo và có thể cho phép thực hiện thí điểm ngay trong mùa tuyển sinh đó. 

Tự chủ tuyển sinh riêng đến nay vẫn chưa có trường đại học nào trình phương án.
Ảnh: Viết Thành


Ngay khi có chủ trương này, ĐH Quốc gia Hà Nội đã xây dựng đề án đổi mới công tác tuyển sinh. Theo đó, việc đánh giá năng lực học sinh sẽ được tiến hành theo mô hình nhiều nước tiên tiến đang làm. Thí sinh sẽ thi theo phương án đại cương với hình thức thi chuẩn hóa của Mỹ, hoàn toàn là kiến thức phổ thông bao gồm các môn toán, từ vựng, kỹ năng viết, kiến thức đọc hiểu, lĩnh hội thông tin từ văn bản. Phương án này không có khối thi hay điểm sàn theo khối. Nhà trường sẽ thành lập 6 trung tâm ở 3 miền Bắc, Trung, Nam, mỗi trung tâm đều có ngân hàng đề, cứ 2 tháng tổ chức thi một lần.

ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh là một trong những đơn vị sớm đưa ra phương án tương đối cụ thể. Theo đó, trường sẽ thành lập đơn vị chuyên trách tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực bao gồm việc ra đề và tổ chức thi. Dự kiến, cơ cấu môn thi gồm toán logic và tiếng Việt với phần thi trắc nghiệm chiếm 70% số điểm, thời gian thi tối đa 120 phút. Tiếp theo đó, tùy theo khối thi, ngành thi mà thí sinh sẽ thi thêm một môn đặc thù, như khoa học tự nhiên (gồm kiến thức các môn lý, hóa, sinh), khoa học xã hội (văn, sử, địa), tiếng Anh và năng khiếu (dành cho các trường nghệ thuật, thể thao) . Đề thi được xây dựng theo hướng tiêu chuẩn hóa nhằm đánh giá năng lực của thí sinh cũng như các kỹ năng cần thiết cho việc học ĐH. Bên cạnh đó, công tác xét tuyển dự kiến cũng thay đổi, kết quả kỳ thi có thể được sử dụng làm tiêu chí xét tuyển hoặc kèm thêm các điều kiện khác tùy vào điều kiện của từng trường như xét học bạ, kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng cho biết, phương án thi riêng đã được nghiên cứu để phù hợp với đặc thù đào tạo của trường. Ngoài các môn cơ bản, nhà trường có thể tổ chức thi vấn đáp để tuyển sinh sát yêu cầu. Còn Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có tới 3 phương án tuyển sinh để cân nhắc.

E ngại vì không đồng bộ

Tại hội nghị tuyển sinh năm 2013, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã khẳng định: Nếu phương án của các trường bảo đảm điều kiện, Bộ sẽ phê duyệt để triển khai, ngay cả với trường ngoài công lập. Tuy nhiên, đến nay, các trường trong danh sách được "chọn mặt gửi vàng" vẫn chấp nhận phương án "3 chung" thay vì tự ra đề và tổ chức thi riêng.

Lý do phổ biến các trường đưa ra để trì hoãn là việc thi riêng cần chuẩn bị kỹ lưỡng, cần nhiều thời gian để bảo đảm nhân lực cũng như công cụ đánh giá... Bên cạnh đó, nhiều trường đồng tình với băn khoăn của Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Vũ Minh Giang: "Mặc dù ĐH Quốc gia Hà Nội đã xây dựng phương án tuyển sinh mới, trong đó có kết hợp thi tuyển với xét tuyển nhằm đáp ứng đặc thù tuyển sinh của các trường thành viên song chưa triển khai. Nhà trường e ngại là các thí sinh có thể sẽ bị thiệt nếu việc đổi mới phương thức thi không được tiến hành đồng bộ ở tất cả các trường". Mỗi năm ĐH Quốc gia Hà Nội có khoảng 30.000 thí sinh bị trượt. Nếu thi riêng, các em sẽ gặp khó khăn khi kết quả thi ở đây có thể không được công nhận để xét tuyển vào các trường vẫn thi theo hình thức cũ.

Cả hai ĐH Quốc gia đều cho rằng, có thể năm 2015 mới là thời điểm thích hợp để độc lập tuyển sinh, dù ĐH Quốc gia Hà Nội từng dự kiến áp dụng phương án mới từ năm 2013.

Về phía các trường ngoài công lập, mặc dù thể hiện mong muốn được tự chủ tuyển sinh song lại không mấy tha thiết khi được trao cơ hội. Hiệu trưởng Trường ĐH Phương Đông Bùi Thiện Dụ cho biết, từ nhiều năm nay trường đã quay trở lại với việc tổ chức thi chung và hoàn toàn không có chủ trương tự tổ chức thi tuyển sinh. Đại diện một số trường ngoài công lập khác thì tỏ ý e ngại bởi những hạn chế về nhân lực, về điều kiện tổ chức và sự phức tạp của thi riêng.

Tuy nhiên, ngay cả khi các trường tổ chức thi riêng thì theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, Bộ vẫn có chủ trương không tăng nhiều kỳ thi mà cố gắng để các trường này vẫn thi chung đợt. Điều này mâu thuẫn với mong muốn của hầu hết trường lớn đang có phương án riêng, đó là nên tổ chức thi theo hướng giảm nhẹ căng thẳng, có thể tuyển sinh nhiều lần trong năm, bởi theo nhiều chuyên gia tuyển sinh, việc thi riêng sẽ không đem lại hiệu quả tốt nếu chỉ xoay quanh việc ra đề, chấm thi, tổ chức ngày thi riêng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2013: Vẫn ngại thi riêng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.