Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phong phú ngành nghề, dễ bề lựa chọn

Quỳnh Phạm| 12/03/2013 06:06

(HNM) - Bộ Giáo dục - Đào tạo đã nhiều lần lưu ý thí sinh về việc sẽ cắt giảm chỉ tiêu của nhóm ngành kinh tế và sư phạm, do vậy năm 2013 nhiều cơ sở đại học sẽ không tuyển mới một số ngành trong nhóm này.


"Siết" kinh tế, "mở" kỹ thuật, y dược

Đáng chú ý là năm nay, số ngành mở mới chủ yếu thuộc lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, y dược. Mới nhất, Học viện Công nghệ và Bưu chính Viễn thông cho biết, năm nay bắt đầu đào tạo ngành an toàn thông tin với 150 chỉ tiêu, đối tượng tuyển sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương thi khối A, A1. Theo dự báo về nhu cầu nhân lực, từ nay đến năm 2020, an toàn thông tin mạng là một trong những nghề hấp dẫn. Hiện nay, nguồn nhân lực ngành này ở nước ta còn rất thiếu và yếu. Hàng nghìn tổ chức tài chính, cơ quan nhà nước và hàng trăm nghìn doanh nghiệp có ứng dụng CNTT trong hoạt động kinh doanh, quản lý và sản xuất, xã hội đang có nhu cầu rất lớn về nhân sự an toàn thông tin. Thực tế cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp còn thiếu các cán bộ kỹ thuật chuyên trách về mảng này. 

Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2013 tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Anh Tú


Ngoài Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Trường Đại học (ĐH) FPT cũng có chuyên ngành an ninh an toàn thông tin, chú trọng đào tạo về bảo mật thông tin trong lĩnh vực CNTT. Đó là một trong 3 ngành học mới mà ĐH FPT mở ra trong năm nay, bên cạnh thiết kế đồ họa ứng dụng, quản trị khách sạn, mỗi ngành trường tuyển 200 chỉ tiêu. Ngành an ninh thông tin cũng là một trong hai ngành mới của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh năm nay, do Trường ĐH Công nghệ thông tin đảm nhiệm; ngành thứ hai là kỹ thuật tài chính và quản trị rủi ro của Trường ĐH Quốc tế.

Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương cho biết đã được giao nhiệm vụ đào tạo ngành y đa khoa trình độ ĐH, hệ chính quy. Trong năm 2013, trường sẽ tuyển 50 chỉ tiêu ngành này. Cùng ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương, năm nay Trường ĐH Y Hà Nội bắt đầu tuyển sinh đào tạo cử nhân dinh dưỡng (50 chỉ tiêu) và đào tạo thí điểm ĐH văn bằng 2 ngành y học dự phòng (50 chỉ tiêu). Trường ĐH Y dược Cần Thơ tuyển mới ngành y học cổ truyền. Trường ĐH Lạc Hồng mở ngành dược sĩ với chỉ tiêu dự kiến là 120 sinh viên.

ĐH Nha Trang cũng đã được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo thêm 2 ngành mới trong chương trình đào tạo ĐH: Công nghệ kỹ thuật hóa học (khối thi A, B) tuyển 70 chỉ tiêu và Công nghệ sau thu hoạch (khối A, A1, B) tuyển 70 chỉ tiêu.

Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam năm nay có thêm ngành công nghệ vật liệu, thi khối A, A1 với 50 chỉ tiêu.

Trường ĐH Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh mở chuyên ngành kỹ thuật nền móng và công trình ngầm thuộc ngành kỹ thuật công trình xây dựng. Ngành này đào tạo chuyên sâu về tính toán, thiết kế, xử lý các vấn đề liên quan đến địa kỹ thuật, nền móng các công trình dân dụng - công nghiệp, công trình cầu, công trình ngầm trong đô thị. Trường tách chuyên ngành xây dựng cầu đường thành 2 chuyên ngành mới là xây dựng cầu hầm và xây dựng đường bộ.

Trường ĐH Hoa Sen tuyển mới ngành kỹ thuật phần mềm (khối A, A1, D1, D3 với 80 chỉ tiêu).

Cần tìm hiểu kỹ

Những số liệu trên, về mặt nào đó phản ánh nhận định của Bộ GD-ĐT rằng năm nay, theo báo cáo của các trường, cơ cấu ngành nghề tuyển sinh ĐH, CĐ đã có sự thay đổi. Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, năm trước, nhiều trường gặp khó trong tuyển sinh một phần do kinh tế khó khăn, nhu cầu cán bộ quản lý kinh tế đã bão hòa. Bộ GD-ĐT đã cảnh báo tình trạng này từ hai năm trước do lượng đào tạo gấp đôi nhu cầu thực tế. Sự khó khăn là lý do để các trường nhìn lại chiến lược phát triển, cũng như chất lượng đào tạo.

Liên quan tới vấn đề kiểm soát việc mở ngành đào tạo để tránh tình trạng nơi thừa, nơi thiếu nhân lực, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: "Việc mở ngành đào tạo đã được Bộ GD-ĐT giao cho các Sở GD-ĐT thẩm định; các trường có uy tín trong lĩnh vực, ngành cần mở sẽ thẩm định về chuyên môn. Việc phân quyền như vậy đã tạo điều kiện cho các trường chủ động hơn. Trên thực tế, việc này đã được các trường làm rất tốt và không còn ứ đọng hồ sơ xin mở ngành ở Bộ nữa". Ông Bùi Văn Ga lưu ý các trường tham khảo Quy hoạch phát triển nhân lực - đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 10-2012 - để xây dựng kế hoạch mở ngành. Bộ GD-ĐT sẽ điều chỉnh mạng lưới để công tác đào tạo phù hợp hơn với thực tiễn.

Hiện nay, dù đã có cảnh báo nguy cơ dư thừa nhân lực, nhóm ngành kinh tế vẫn còn sức hút rất lớn đối với thí sinh. Tuy nhiên, theo các nhà tuyển sinh, chỉ những thí sinh có học lực khá, giỏi mới nên chọn thi khối ngành này. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đưa ra số liệu để thí sinh tham khảo trước khi chọn trường, chọn ngành. Đầu năm 2013, một khảo sát về nhu cầu xã hội cho thấy những nghề đang cần và còn thiếu nhiều nhân lực trong năm 2013 gồm công nghệ thông tin, điện tử công nghiệp, chế biến thực phẩm, hàn công nghệ cao, thiết kế đồ họa, tạo mẫu và vẽ thiết kế trên máy tính...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phong phú ngành nghề, dễ bề lựa chọn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.