Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2013: Gấp rút chặng cuối

Thống Nhất| 04/04/2013 07:54

(HNM) - Sau khi Bộ GD-ĐT công bố 6 môn thi tốt nghiệp THPT năm 2013 (vào ngày 29-3), đây là tuần đầu tiên các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên trên cả nước bước vào chặng nước rút, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp diễn ra vào ngày 2, 3 và 4-6 tới.


Lệch "tủ"

Khá nhiều HS, phụ huynh, thậm chí cả giáo viên thường dự đoán môn thi tốt nghiệp THPT theo hình thức loại trừ những môn đã thi năm trước, hoặc cân đối tỷ lệ giữa các môn tự nhiên - xã hội. Vài năm gần đây, khi mà kết quả thi môn lịch sử luôn trong tình trạng báo động thì trong dự đoán của phần lớn HS, giáo viên đều có tên môn này. Song để cải thiện chất lượng dạy, học môn lịch sử có nhiều cách, không nhất thiết cứ phải tổ chức thi. Vì vậy, khi Bộ GD-ĐT công bố 6 môn thi bắt buộc (gồm ngữ văn, toán, ngoại ngữ, hóa học, sinh học và địa lý), nhiều HS cho biết thời gian qua đã ôn lệch "tủ". Một số giáo viên cũng cảm thấy bất ngờ vì đây là năm thứ 6 liên tiếp môn địa lý có tên trong danh sách các môn thi, trong khi môn lịch sử "luôn trong tầm ngắm" lại vắng mặt.

Học sinh các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên tích cực ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp. Ảnh: Bá Hoạt Học sinh các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên tích cực ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp. Ảnh: Bá Hoạt



Nhiều ý kiến cho rằng 6 môn thi tốt nghiệp năm nay nhìn chung có lợi cho đa phần HS THPT vì hầu hết các em đều đăng ký dự thi ĐH, CĐ khối các môn khoa học tự nhiên là khối A và B (tỷ lệ này mọi năm vào khoảng 60-70%). Thực tế không hẳn vậy. Kết quả các kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ nhiều năm qua cho thấy, nhiều em dự thi theo trào lưu, cho rằng khối này có nhiều ngành "thời thượng" chứ không phải vì năng lực. Minh chứng là ở nhiều trường ĐH, tỷ lệ bài thi môn toán, vật lý có điểm dưới trung bình chiếm đến 80-90%.

Để HS bớt ngỡ ngàng, hoang mang trước mỗi kỳ công bố môn thi, thực tế cho thấy, điều quan trọng nhất là loại bỏ được tâm lý "học để đi thi", hay "thi gì học nấy" của đa phần HS hiện nay, thay vào đó là học đều các môn ngay từ sau khai giảng, chứ không đợi đến khi công bố môn thi mới cắm đầu cắm cổ học. Việc này không dễ, nhưng không phải không làm được. Dư luận còn nhớ rõ, sau kỳ thi tốt nghiệp năm 2006, năm đầu tiên triển khai "Hai không", nhiều thầy, cô giáo đã không giấu nổi vui mừng khi thấy học trò của mình ngay từ đầu năm học đã răm rắp học hành và hầu hết đều cố gắng học thật, chứ không phải vừa học vừa ngóng!

Gấp rút chặng cuối

Tránh học tủ, học vẹt là chỉ đạo của Sở GD-ĐT Hà Nội đối với các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên trong việc tổ chức dạy học, ôn tập cho HS ngay từ đầu năm học. Yêu cầu được đặc biệt nhấn mạnh với các nhà trường từ nay tới trước khi diễn ra kỳ thi quan tâm bồi dưỡng cho HS học lực yếu kém để các em có đủ kiến thức, kỹ năng dự thi. Thực tế cho thấy, mỗi trường đều có kế hoạch riêng để vượt qua kỳ thi sắp tới.

Cuối tuần qua, nhiều trường THPT trên địa bàn Hà Nội đã tổ chức họp phụ huynh lớp 12 để công bố môn thi tốt nghiệp, tìm phương án ôn tập tốt nhất cho HS. Dù nhận thức rõ rằng, mục đích kỳ thi chỉ là đánh giá tốt nghiệp THPT, song không vì thế mà ban giám hiệu các trường bớt việc, giảm lo, nhất là ở những nơi có nhiều HS yếu, kém.

Trường Phan Huy Chú (quận Đống Đa) đã cố gắng "rào giậu" hết các môn có trong chương trình ngay từ đầu năm học để HS nắm được kiến thức toàn diện theo cách vừa học, vừa ôn. Theo ban giám hiệu nhà trường, điểm "đầu vào" của trường ở mức trung bình khá, việc tổ chức tiếp nhận kiến thức từ từ như vậy sẽ hiệu quả hơn, nếu để dồn vào cuối năm sẽ khiến nhiều em bị rối, việc ghi nhớ kiến thức sẽ không bền vững. Với khoảng 3% HS yếu, kém (trong tổng số gần 600 HS lớp 12), trường đang dự kiến thành lập một lớp học đặc biệt do chính hiệu trưởng làm chủ nhiệm, giáo viên giảng dạy là tổ trưởng các bộ môn.

Còn ở Trường THPT Mỹ Đức A (huyện Mỹ Đức), thầy giáo Nguyễn Hà Thiện, Hiệu trưởng cho biết, với khoảng 200 HS học lực từ trung bình trở xuống (chiếm 30% HS toàn trường), song trường không tổ chức lớp phụ đạo riêng cho những HS này. Lý do vì số HS bình quân/lớp không cao, giáo viên đã được quán triệt ngay từ đầu năm về việc dạy học phân hóa. Mối lo lớn nhất của ban giám hiệu nhà trường thời điểm này là tìm phương án ôn tập hiệu quả đối với môn tiếng Anh, vì đây là môn học yếu nhất của hầu hết HS.

Do được tổ chức dạy học trước khai giảng 1 tháng nên hầu hết các trường ngoài công lập trên địa bàn thành phố đã kết thúc chương trình dạy học lớp 12 từ cuối tháng 3 và có nhiều thời gian ôn luyện cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình) đã tổ chức khảo sát chất lượng học tập của 350 HS lớp 12 từ cuối học kỳ I. Những HS có điểm dưới trung bình được giáo viên chủ nhiệm kèm cặp kỹ lưỡng. Ngoài ra, các lớp 12 còn tổ chức "tiết 0" từ 7h sáng hằng ngày, tức là trước giờ vào lớp 30 phút để hướng dẫn HS củng cố kiến thức. Sáu "tiết 0" của 6 buổi sáng trong tuần sẽ chia đều cho 6 môn thi tốt nghiệp. Cũng từ tuần này, trường bắt đầu tổ chức truy bài vào tiết 5 để giáo viên hỗ trợ cho những HS còn đuối, chưa hiểu bài.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Bộ GD-ĐT sẽ không ban hành tài liệu hướng dẫn ôn tập tốt nghiệp THPT năm 2013. Sách giáo khoa và vở ghi của HS là tài liệu ôn tập tốt nhất cho HS. Bộ không khuyến khích các địa phương tập trung tổ chức ôn tập quá căng thẳng để ảnh hưởng tới sức khỏe và việc tiếp nhận kiến thức của HS.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2013: Gấp rút chặng cuối

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.