Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kỳ thi chung, nỗi lo riêng

Quỳnh Phạm| 07/08/2013 06:40

(HNM) - Trong khi nhiều thí sinh của Trường Đại học Y Hà Nội sốt ruột chờ được Bộ GD-ĐT ra quyết định

Bối rối với... điểm cao

Cho đến ngày 5-8, trao đổi với Báo Hànộimới, lãnh đạo Trường ĐH Y Hà Nội cho biết vẫn chưa nhận được phản hồi của Bộ GD-ĐT về đề xuất cấp thêm chỉ tiêu ngoài ngân sách cho kỳ tuyển sinh năm nay. Cùng với sự chờ đợi này là tâm trạng thấp thỏm của nhiều thí sinh và phụ huynh trước tình thế "trái ngang": Đạt 27,5 điểm, vẫn có thể trượt ĐH với ngành bác sĩ đa khoa.

Các thí sinh trao đổi bài sau giờ thi tại Hội đồng thi Học viện Báo chí tuyên truyền. Ảnh: Viết Thành



Phó Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tú cho biết: Mặc dù là trường có điểm thi cao từ trước tới nay song sự việc xảy ra trong mùa tuyển sinh năm nay là chưa từng có khi điểm chuẩn ngành này có thể lên tới 28 điểm. Trong khi đó, nhà trường không thể san chỉ tiêu của các ngành khác sang cho các thí sinh 27,5 điểm của ngành bác sĩ đa khoa. Cơ hội các ngành khác tuyển không đủ chỉ tiêu để chuyển thí sinh đăng ký nguyện vọng 2 sang cũng là rất ít. Nhà trường đã nhận được nhiều đơn từ phía phụ huynh đề nghị xem xét phương hướng giải quyết để những thí sinh điểm cao không phải trượt ĐH và mất thêm một năm học nữa. "Tuy nhiên, điều này hoàn toàn nằm ngoài quyền quyết định của nhà trường. Chúng tôi đã báo cáo sự việc với Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT, xin ý kiến xử lý để không thiệt thòi cho các thí sinh" - ông Nguyễn Hữu Tú nhấn mạnh.

Trong công văn gửi Bộ GD-ĐT, Trường ĐH Y Hà Nội đưa ra phương án lấy điểm chuẩn chính thức là 28 điểm và đề xuất Bộ cấp thêm 150 chỉ tiêu đào tạo ngoài ngân sách dành cho thí sinh từ 26 đến 27,5 điểm. Tuy nhiên, điều lãnh đạo trường và nhiều thí sinh băn khoăn là chi phí đào tạo ở hệ này với ngành y là khá cao.

Rõ ràng, đề thi khá dễ so với mọi năm đã khiến Trường ĐH Y Hà Nội phải cân nhắc nhiều hơn trong các quyết định tuyển sinh, khó khăn hơn trong việc chọn lựa những thí sinh thực sự giỏi. Tuy không nói thẳng là đề thi năm nay khiến nhiều thí sinh có điểm cao song ông Nguyễn Hữu Tú cũng bày tỏ mong muốn năm sau đề thi sẽ có tính phân loại cao hơn. Có chuyên gia cho rằng, thực tế này càng nhấn mạnh sự cần thiết phải có những giải pháp tuyển sinh riêng cho một số trường đặc thù.

Điểm sàn sẽ không giảm

Trong khi xu hướng ra đề "dễ thở" đang khiến cho những trường top đầu "ngạt thở" giữa một rừng "điểm khủng", các trường nhóm giữa rõ ràng thoải mái hơn, ít nhất là với một phổ điểm thi tích cực hơn hẳn. Tuy nhiên, với các trường ngoài công lập, mức điểm sàn mới là yếu tố quyết định họ có tuyển được thí sinh hay không.

Theo lịch công tác tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, Hội đồng điểm sàn sẽ xử lý dữ liệu, công bố điểm sàn trước ngày 10-8. Việc kêu gọi bỏ điểm sàn bấy lâu nay của các trường ngoài công lập có thể phần nào được hồi đáp bằng một mức điểm sàn không khác nhiều so với mọi năm, song trên thực tế là thấp hơn mọi năm, với mặt bằng điểm cao như năm nay. Về phía Bộ GD-ĐT, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: Nhìn chung, kết quả điểm thi năm nay cao hơn so với năm 2012. Ngày 8-8, Hội đồng điểm sàn sẽ họp và thống nhất phương án điểm sàn trình Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ký quyết định. Căn cứ xác định điểm sàn, bên cạnh chỉ tiêu tuyển sinh và kết quả điểm thi, còn tính tới sự chuyển dịch thí sinh giữa các vùng miền, địa phương và điểm ưu tiên khu vực… Tuy nhiên, ông Bùi Văn Ga khẳng định, điểm sàn năm nay sẽ không giảm.

Trong khi có nhiều dự đoán cho rằng điểm sàn tuyển sinh năm 2013 có thể sẽ cao hơn năm trước từ 0,5 đến 1 điểm thì lãnh đạo các trường ngoài công lập không ủng hộ việc "thuyền lên, nước lên". Bởi theo họ, cách xác định điểm sàn bấy lâu nay của Bộ GD-ĐT là không thực tế và là nguyên nhân khiến trường ngoài công lập thiếu nguồn tuyển. Theo lãnh đạo một trường ngoài công lập, dù mức điểm sàn có xác định một lượng thí sinh "dôi dư" rất lớn song không có nghĩa thí sinh trượt trường này sẽ vào trường khác để học, thí sinh ở địa phương này sẽ dịch chuyển tới học tại các địa phương khác. Vì vậy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ và Kinh doanh Hà Nội Vũ Văn Hóa cho rằng, Bộ GD-ĐT nên giữ điểm sàn ở mức 13 điểm như những năm trước là phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ thi chung, nỗi lo riêng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.