Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều ý kiến đồng tình

Thúy - Hằng| 16/01/2014 07:07

(HNM) - Ngày 9-1-2014, Bộ Giáo dục - Đào tạo chính thức công bố dự thảo một số phương án thi và công nhận tốt nghiệp THPT. Những thay đổi trong dự thảo được nhiều phụ huynh, học sinh hưởng ứng, đánh giá là đổi mới với nhiều điểm tích cực.





Tôi hoàn toàn đồng ý với dự thảo khi đề xuất kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ còn 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn. Theo tôi, việc giảm các môn thi sẽ giúp học sinh giảm tải học thêm, các em không còn phải quá lo lắng cho việc vừa phải học các môn thi phục vụ tốt nghiệp THPT, vừa phải học các môn thi đại học. Đặc biệt, việc được lựa chọn môn thi sẽ giúp các em có thể phát huy được thế mạnh, sở trường, giảm việc học vì áp lực điểm số, cha mẹ cũng sẽ bớt lo lắng cho con cái vì phải học quá nhiều, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Việc giảm áp lực thi cử sẽ giúp tránh lãng phí xã hội và học sinh có thời gian tham gia các hoạt động xã hội hơn. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục - Đào tạo cần đẩy nhanh tiến độ cải tiến chương trình dạy và học để sự đổi mới trong thi tốt nghiệp nêu trên vẫn có thể mang đến sự phát triển toàn diện, tránh việc học sinh học "tủ", học "lệch" như hiện nay.

Chị Lê Thị Chi Nam, phường Mộ Lao, quận Hà Đông: Giảm môn thi tốt nghiệp là cần thiết



Hiện tại, giáo dục ở nước ta được coi là nền giáo dục ứng thí, tức là học môn gì là phải thi môn đó nên học sinh rất vất vả, ít có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi. Tất nhiên, việc thi cử để chọn ra người tài, để đánh giá xếp loại chất lượng học sinh ở thời kỳ nào cũng cần được coi trọng. Nhưng tổ chức thi như thế nào, có nhất thiết phải học môn nào thi môn đó hay không thì vẫn là vấn đề được nhiều người tranh luận. Mới đây, trong dự thảo một số phương án thi và công nhận tốt nghiệp THPT, tôi đồng tình với phương án 1 đối với phần môn thi tốt nghiệp (thi 4 môn gồm toán, ngữ văn và 2 môn tự chọn). Việc giảm môn thi theo dự thảo thực sự là cần thiết và phù hợp với định hướng giáo dục hiện nay. Tuy nhiên, để tránh tình trạng học sinh lười học các môn phụ, ngành giáo dục cần có biện pháp nâng cao chất lượng dạy và học các môn không thi, nhất là đổi mới phương pháp giảng dạy, gắn học lý thuyết với thực hành và thực tế, tránh tình trạng "thầy đọc, trò chép" như hiện nay.

Anh Đỗ Minh Tuấn (Công ty CP Việt Thái Quốc Tế, phố Chùa Bộc, Láng Hạ, Đống Đa): Có biện pháp khuyến khích học tốt ngoại ngữ



Tôi hưởng ứng việc giảm các môn thi tốt nghiệp THPT, nhưng đề nghị ngành giáo dục có biện pháp để việc dạy và học ngoại ngữ không bị xem nhẹ. Tôi e rằng, nếu coi ngoại ngữ không là môn thi bắt buộc sẽ khiến các em không coi trọng môn học này. Trong thời buổi hội nhập như hiện nay, nếu không được trang bị ngoại ngữ, nhiều em sẽ mất cơ hội cho những lựa chọn tốt. Theo tôi, vẫn nên có biện pháp để môn ngoại ngữ là "đòn bẩy" để các em lựa chọn khi thi; hoặc kết quả thi của môn ngoại ngữ trong các năm học THPT sẽ được đánh giá với một hệ số đặc biệt nhằm khuyến khích các em có động lực học tốt môn ngoại ngữ.

Anh Nguyễn Văn Thơm, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất: Giảm áp lực cho học sinh vùng sâu, vùng xa


Gia đình tôi có cháu sắp thi tốt nghiệp THPT. Khi nghe tin tới đây kỳ thi tốt nghiệp sẽ giảm còn 4 môn, cả gia đình, nhất là con tôi, rất mừng. Những năm trước đây, khi điều kiện kinh tế của địa phương tôi còn khó khăn nên việc học tập của con em miền núi chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, mỗi khi đến các kỳ thi, cả phụ huynh và học sinh đều lo lắng. Việc điều chỉnh lần này nhằm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, giảm áp lực cho học sinh và phụ huynh học sinh mà vẫn bảo đảm đánh giá đúng, thực chất năng lực học sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều ý kiến đồng tình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.