Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thêm tự chủ, tăng kiểm soát

Khánh Vũ| 20/03/2014 06:59

(HNM) - Việc Bộ GD-ĐT chính thức công bố nhiều điểm mới trong quy chế tuyển sinh năm 2014 đã giúp nhiều trường nhẹ nhõm hơn bởi điểm sàn sẽ được bãi bỏ, mỗi năm có thể tổ chức thêm một kỳ tuyển sinh, được tuyển sinh từ nguồn thi

Cơ hội cho nhà trường và thí sinh

Để các trường có thể tuyển được những thí sinh có năng lực phù hợp vào học các ngành nghề đào tạo là lý do mà Thứ trưởng Bùi Văn Ga đưa ra để giải thích cho việc bãi bỏ điểm sàn. Quy định điểm sàn là tổng điểm của 3 môn thi đã được áp dụng nhiều năm nay, gây khó khăn cho một số trường, một số ngành trong việc tuyển sinh. Do vậy, năm nay, Bộ thay điểm sàn bằng các tiêu chí bảo đảm chất lượng đầu vào, tạo tính mềm dẻo và sự thuận lợi cho các trường. Theo đó, căn cứ vào kết quả thi của thí sinh, Bộ sẽ xác định tiêu chí bảo đảm chất lượng đầu vào để các trường xét tuyển vào học ĐH, CĐ đối với từng khối thi, từng ngành đào tạo.

Bộ GD-ĐT chính thức công bố nhiều điểm mới trong quy chế tuyển sinh năm 2014 đã giúp các thí sinh có thêm nhiều cơ hội được chọn ngành, chọn trường. Ảnh: Viết Thành



Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Trần Văn Nghĩa cho biết: Ngưỡng hay tiêu chí bảo đảm chất lượng đầu vào chỉ dùng cho kỳ thi chung. Các trường có đề án tuyển sinh riêng phải tự xác định ngưỡng chất lượng theo nguyên tắc bậc ĐH có ngưỡng cao hơn bậc CĐ và CĐ thì có ngưỡng cao hơn bậc trung cấp. Việc xác định tiêu chí phải được thực hiện càng sớm càng tốt, nhưng phải dựa vào phổ điểm để quy định ngưỡng cụ thể và vì vậy, sau khi có kết quả thi thì mới có thể công bố ngưỡng này một cách chi tiết. Ông Trần Văn Nghĩa cho biết thêm: Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến đề xuất của các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, các cơ sở giáo dục về vấn đề này và sẽ công khai sớm các đề xuất để lấy ý kiến rộng rãi nhằm sớm hoàn hiện các phương án.

Ngoài quyền tự quyết định điểm tuyển sinh, các trường còn được tổ chức 1 - 2 lần tuyển sinh mỗi năm. Bộ GD-ĐT sẽ quy định cụ thể về thời gian tuyển sinh. Các trường tuyển sinh riêng thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh, từ khâu ra đề, tổ chức thi đến chấm thi, xét tuyển… Điểm cần lưu ý là kết quả thi của thí sinh thi vào trường có tổ chức thi riêng chỉ có giá trị xét tuyển vào trường đó, không có giá trị xét tuyển vào trường khác. Tuy nhiên, các trường tổ chức tuyển sinh riêng có thể kết hợp xét tuyển đối với thí sinh dự thi kỳ thi chung do Bộ GD-ĐT tổ chức. Các trường cũng có thể tổ chức tuyển sinh riêng từng phần cho một số khoa, ngành.

Không để phát sinh tiêu cực

Bên cạnh các điểm mới mang tính chất "mở" như trên, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh: Bỏ điểm sàn không có nghĩa các trường cứ ào ào lấy thí sinh cho đến khi đủ chỉ tiêu, mà chỉ được phép lấy tới một ngưỡng nào đó. Khi đó, các trường sẽ phải cạnh tranh lành mạnh để nâng cao uy tín, nâng cao chất lượng đào tạo để khẳng định thương hiệu. Điều đó đồng nghĩa với việc những trường nhóm trên không thể lấy điểm quá thấp, để tạo điều kiện cho các trường nhóm dưới có nguồn tuyển.

Bộ cũng yêu cầu các đề án tự chủ tuyển sinh không được gây phức tạp cho xã hội và gây tốn kém cho thí sinh, các tiêu chí bảo đảm chất lượng nguồn tuyển phải rõ ràng và được dư luận đồng tình ủng hộ. Các trường tổ chức thi riêng không được để phát sinh hiện tượng các tổ chức và cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo của nhà trường tổ chức luyện thi, đồng thời phải bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, công bố rộng rãi phương thức tuyển sinh của nhà trường để thí sinh, phụ huynh và xã hội giám sát. Kết quả tuyển sinh phải được công khai trên trang thông tin điện tử của trường và các phương tiện thông tin đại chúng.

Từ năm 2014, khi đẩy mạnh phân cấp cho các trường để thực hiện chủ trương tự chủ, tự chịu trách nhiệm, các trường ĐH, CĐ sẽ phải tự thanh tra, giải quyết khiếu nại liên quan đến kết quả thi tuyển. Bộ GD-ÐT không trực tiếp xử lý mọi khiếu nại tố cáo liên quan tới kết quả tuyển sinh; thay vào đó, các trường sẽ tự thu nhận và xử lý khiếu nại, tổ chức phúc tra. Về phần mình, Bộ GD-ÐT vẫn tổ chức các đoàn thanh tra hoặc cử cán bộ thanh tra độc lập để tiến hành thanh tra tuyển sinh theo quy định.

Ngoài ra, nhằm bảo đảm chất lượng nguồn tuyển, hạn chế việc vượt rào để tuyển "cho đầy" chỉ tiêu, quy chế mới cũng đưa ra các chế tài xử lý vi phạm cụ thể. Ngoài những vi phạm đã được cảnh báo từ các năm trước như xác định sai chỉ tiêu tuyển sinh so với quy định và tuyển sinh vượt chỉ tiêu, gửi giấy triệu tập trúng tuyển cho thí sinh không nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường, năm nay, hiệu trưởng hoặc chủ tịch hội đồng tuyển sinh sẽ bị cảnh cáo hoặc xử lý kỷ luật ở mức cao hơn nếu xác định điểm trúng tuyển không đáp ứng tiêu chí do Bộ quy định, tuyển sinh những ngành chưa được giao nhiệm vụ mở ngành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thêm tự chủ, tăng kiểm soát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.