Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa có chính sách đột phá

Anh Thư| 23/04/2014 06:50

(HNM) - Như Báo Hànộimới từng phản ánh, từ năm 2011 đến nay, tuyển sinh bậc trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) tại TP Hồ Chí Minh ngày càng èo uột, có chủ đầu tư phải bán trường, có trường tự giải thể. Từ thực trạng này, Bộ GD-ĐT vừa xin ý kiến rộng rãi về Dự thảo quy chế tuyển sinh TCCN để cứu các trường.


Nhiều vấn đề không mới

Theo dự thảo này, tuyển sinh TCCN bao gồm hai hình thức: Xét tuyển và kết hợp giữa xét tuyển và thi tuyển. Các trường có thể tổ chức một hoặc nhiều đợt tuyển sinh trong năm. Trao đổi với chúng tôi, Thạc sĩ Đỗ Hữu Khoa - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Công nghệ thông tin Sài Gòn cho rằng hình thức trên không mới. Việc xét tuyển vào học TCCN nhiều lần trong năm cũng được các trường thực hiện nhiều năm nay, đối với một số ngành đặc thù vẫn thi tuyển nhưng rất ít trường thực hiện.

Giờ học thực hành tại Trường Trung cấp Đại Việt (TP Hồ Chí Minh).



Cũng theo dự thảo, các trường thực hiện tổ chức tuyển sinh sau khi đã xác định chỉ tiêu theo quy định (chỉ tiêu được xác định của năm nào chỉ được áp dụng trong năm đó). Thí sinh có nguyện vọng đăng ký dự tuyển TCCN vào trường nào thì nộp hồ sơ và lệ phí tuyển sinh về trường đó. Về vấn đề này, Thạc sĩ Khoa cho biết, quy định này của dự thảo cũng không có điểm khác biệt bởi lâu nay trường TCCN đều thực hiện tuyển sinh sau khi có chỉ tiêu tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Thậm chí, như lời lãnh đạo Trường Trung cấp Ánh Sáng (TP Hồ Chí Minh) thì qua việc áp dụng quy định trên lâu nay cho thấy, có chuyện gây khó khăn, thậm chí làm nản lòng người học TCCN. Vì khi chọn ngành nghề, làm hồ sơ thì cũng là lúc học sinh đã nghỉ học nên không được giáo viên tư vấn.

Trao đổi với chúng tôi tại một hội nghị do một trường TCCN tổ chức tại TP Hồ Chí Minh mới đây, TS Hoàng Ngọc Vinh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) cho rằng để thu hút học sinh, Vụ Giáo dục chuyên nghiệp cũng đã "hiến kế" cho các trường như: Đa dạng hóa chương trình học; tập trung vào nhiều đối tượng tuyển sinh hơn là chỉ tập trung vào học sinh THPT; đổi mới chương trình giảng dạy theo hướng linh hoạt, tiếp cận năng lực; hợp đồng đào tạo với các doanh nghiệp.

Giải pháp nào?

Từ thực tế trên, lãnh đạo nhiều trường TCCN hiến kế rằng, điều quan trọng nhất là Bộ GD-ĐT cần căn cứ số học sinh tốt nghiệp THPT để phân luồng chỉ tiêu theo hướng: 50% vào ĐH, CĐ; 50% vào TCCN, dạy nghề. Bởi năm 2014, tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ vẫn rất lớn nhờ chính sách tuyển sinh cho phép các trường ĐH, CĐ xét tuyển đối với thí sinh dự thi 3 chung và chính sách cho phép các trường ĐH, CĐ được xét tuyển như xét tuyển vào TCCN. Trong khi đó, theo Bộ LĐ-TB&XH thì tình hình "thừa thầy, thiếu thợ" đã đến mức cảnh báo từ năm 2013 khi có tới 72.000 lao động có trình độ ĐH, CĐ thất nghiệp. Cụ thể, trong quý IV-2013, nhóm lao động có trình độ CĐ nghề thất nghiệp là 7,68%, tăng 1,3 lần so với quý IV-2012 (tương đương 8.300 người); tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm lao động có trình độ CĐ là 6,74%, tăng 1,3 lần (khoảng 19.200 người); tỷ lệ thất nghiệp của nhóm lao động có trình độ ĐH trở lên là 4,25%, tăng 1,7 lần. Đặc biệt, nhóm thanh niên từ 20 đến 24 tuổi tốt nghiệp CĐ, ĐH trở lên (sinh viên mới ra trường) có tỷ lệ thất nghiệp rất cao, lên tới 20,75%.

Bên cạnh đó, đại diện Trường Trung cấp Ánh Sáng cho rằng, việc làm hồ sơ đăng ký xét tuyển TCCN nên thực hiện song song với hồ sơ đăng ký thi ĐH, CĐ. Như vậy sẽ thuận lợi trong công tác tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp của các trường phổ thông và TCCN cũng sẽ không bị lãng quên. Mặt khác, Nhà nước nên có những chính sách đột phá để học sinh thấy được lợi ích khác biệt khi tham gia học TCCN như: Hỗ trợ học phí, phụ cấp một phần các chi phí sinh hoạt… Ngoài ra, cần có các giải pháp giúp cho những chính sách về quy hoạch, giao đất, thuê đất, thuế cho các cơ sở đào tạo; chính sách đào tạo bồi dưỡng đội ngũ… đối với các trường ngoài công lập thành hiện thực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chưa có chính sách đột phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.