Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kỳ thi THPT quốc gia 2015: Nhiều câu hỏi lớn chờ lời giải

Thống Nhất| 18/09/2014 06:49

(HNM) - Gần một tuần sau khi Bộ GD-ĐT công bố phương án thi THPT quốc gia, áp dụng từ năm 2015, đề tài này vẫn chưa có chiều hướng

Áp lực có giảm?

Ghi nhận tại các trường THPT trên địa bàn Hà Nội những ngày này cho thấy, lo lắng là tâm lý chung của học sinh (HS) lớp 12. Em Nguyễn Quốc Vinh, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều cho rằng, quyết định không phải thi quá nhiều môn giúp em và các bạn trong lớp phần nào đỡ áp lực, song mối lo thì chưa giảm. Với ba môn thi bắt buộc (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) trong kỳ thi chung, chỉ các HS ôn thi khối D có sự thuận lợi đáng kể bởi họ chỉ cần ôn thêm một môn tự chọn; HS khối A, B sẽ phải "tăng tốc" cho môn ngữ văn, ngoại ngữ, khối C phải luyện thêm toán, ngoại ngữ.

Mối quan tâm chính của các thí sinh hiện nay là đề thi ở kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 sẽ được ra theo hướng nào... Ảnh:Nhật Nam


Thực tế, số TS được cho là có nhiều lợi thế hơn với các bạn cùng lứa khi tham gia kỳ thi THPT quốc gia không có nhiều. Số liệu về việc đăng ký tuyển sinh ĐH năm 2014 của TS lớp 12 cho thấy điều này. Trong số gần 170 nghìn hồ sơ của cả nước, có gần 73% số hồ sơ đăng ký thi khối các môn khoa học tự nhiên (gồm A, A1, B), tỷ lệ hồ sơ đăng ký thi khối D chỉ hơn 16%.

Các thầy, cô giáo trực tiếp giảng dạy HS khối 12 năm học 2014-2015 có nhiều lý do để lo lắng. Phương án thi của Bộ GD-ĐT nêu định hướng chung, còn việc triển khai ra sao thì chưa có gì cụ thể. Qua thông tin trên báo chí, các thầy, cô chỉ nắm được tinh thần chung trong chỉ đạo của Bộ GD-ĐT là việc dạy học không thay đổi so với kế hoạch nhiệm vụ năm học đã ban hành, trong đó có yêu cầu tăng về nội dung vận dụng kiến thức và sử dụng kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề trong thực tế. Chỉ còn 8 tháng nữa là tới kỳ thi, trong khi số lượng công việc để triển khai liên quan dạy và học không phải là ít, nỗi lo lắng là điều có thể nhận thấy ở các trường.

- Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 diễn ra trong 4 ngày: 9, 10, 11, 12-6.
- TS thi tối thiểu 4 môn, trong đó 3 môn bắt buộc gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một môn tự chọn trong số các môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý.
- TS có thể đăng ký thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Đề thi - mối quan tâm lớn

Mối quan tâm lớn của các thầy, cô giáo và TS hiện nay là đề thi, bởi việc đề ra theo hướng thế nào có liên quan chặt chẽ đến việc dạy, việc học ở nhà trường. Theo thông báo của Bộ GD-ĐT, đề thi sẽ được xây dựng tương tự như đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014, theo hướng đánh giá năng lực TS ở 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, đáp ứng yêu cầu cơ bản và nâng cao, bảo đảm phân hóa trình độ TS. Hiện nay, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng và một số trường THPT khác trên địa bàn TP Hà Nội đang tổ chức khảo sát nguyện vọng của HS nhằm phục vụ cho việc dạy học, ôn tập. Ý kiến chung của các nhà trường cho rằng, nên có những định hướng cụ thể để nhận diện đề thi rõ hơn, bởi hai dạng đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 là khác nhau, nay xây dựng chung thành một đề thì được "phân chia" thế nào? Phạm vi kiến thức nằm trong chương trình lớp 12 hay rải từ lớp 10 trở lên? Tỷ lệ các câu hỏi ra sao? Việc sớm ban hành các đề thi mẫu để định hướng, giúp HS làm quen với cách đánh giá cụ thể là mong muốn của hầu hết các trường.

Về môn thi, theo văn bản của Bộ GD-ĐT, mỗi TS phải thi ba môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ, nhưng lại cho phép TS học ngoại ngữ trong điều kiện không bảo đảm chất lượng thì được thi môn thay thế. Vậy, ngoại ngữ là môn bắt buộc hay tự chọn? Ai là người quyết định những nơi dạy ngoại ngữ không bảo đảm chất lượng để TS được quyền chọn môn thi thay thế?

Những thay đổi về công tác coi thi, chấm thi cũng là điều được các nhà trường quan tâm. Theo kế hoạch, năm 2015, việc tổ chức coi thi, chấm thi được tổ chức theo cụm với hai hình thức: Một là Sở GD-ĐT chủ trì việc trên, đối với những TS chỉ cần xét tốt nghiệp THPT; hai là, do các trường ĐH tổ chức, đối với các TS tham gia thi với hai mục đích: vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ. Việc lựa chọn trường ĐH để tổ chức thi do Bộ GD-ĐT quyết định dựa trên uy tín, năng lực của các trường. Phía địa phương, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ thống nhất với UBND cấp tỉnh tổ chức các cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì. Thực tế, kỳ thi ĐH từ lâu luôn được đánh giá là nghiêm túc hơn so với kỳ thi tốt nghiệp THPT, và việc địa phương không được giao toàn quyền trong việc tổ chức kỳ thi chung cũng là có cơ sở. Tuy nhiên, theo phân tích của Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cách làm như vậy gây nên sự phân biệt giữa hai loại TS; trong đó, những TS thi ở địa phương chịu thiệt thòi về mặt tâm lý, ảnh hưởng đến kết quả học tập. Hơn nữa, liên quan việc tổ chức cụm thi, còn có câu hỏi là nếu TS thi ở địa phương, sau khi có kết quả thi lại muốn đăng ký thi ĐH, CĐ thì sao? Bộ GD-ĐT đã lường phương án này chưa?...

Việc cụ thể hóa một chủ trương lớn như với kỳ thi THPT quốc gia là yêu cầu tất yếu đối với các nhà trường, đòi hỏi Bộ GD-ĐT cần sớm có lời giải đáp cụ thể nhằm định hướng cho việc dạy, học đạt hiệu quả và kỳ thi chung đầu tiên diễn ra suôn sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ thi THPT quốc gia 2015: Nhiều câu hỏi lớn chờ lời giải

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.