Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều khúc mắc đã có lời giải

Quỳnh Phạm| 25/09/2014 07:09

(HNM) - Đông đảo thí sinh (TS) hiện đã có tâm lý khá an tâm sau khi biết rằng, các môn thi mà các trường ĐH, CĐ dùng để tuyển sinh sẽ vẫn được giữ nguyên như các khối thi năm 2014.


Thi theo cụm là khả thi

Nhìn chung, tâm lý của TS và phụ huynh đều bất an, không muốn phải là người đầu tiên thử nghiệm trước những thay đổi lớn trong việc thi cử là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, các chuyên gia tuyển sinh của Bộ GD-ĐT khẳng định rằng, những điểm mới này đều đã được thử nghiệm và chứng tỏ được nhiều ưu thế. Trước hết, phương thức xét tốt nghiệp kết hợp điểm thi, điểm môn học trong năm đã tiến hành vào năm 2014 và về cơ bản đã giải quyết được việc học lệch bởi dựa trên kết quả học tập của rất nhiều môn học trong cả một quá trình.

Hướng dẫn các thí sinh làm thủ tục dự thi tại Hội đồng thi Trường ĐH Ngoại thương kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Ảnh: Viết Thành



Về việc tổ chức thi theo cụm được giao cho các trường ĐH lớn, có ý kiến cho rằng, liệu các trường ĐH có làm hết mình để bảo đảm chất lượng kỳ thi, khi giờ đây họ không chỉ tổ chức để lấy TS cho riêng trường mình? Trước câu hỏi này, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Trần Văn Nghĩa cho rằng: Việc thi theo cụm tương tự như vậy đã được tổ chức từ 10 năm qua và đã được thực hiện rất tốt. Có thể lấy cụm thi Hải Phòng làm ví dụ. Từ năm 2013, Trường ĐH Hàng hải đã đảm nhiệm việc tổ chức thi cụm và đã làm tốt ngay từ năm đầu tiên. Việc các trường ĐH tổ chức thi cho vài chục nghìn TS là chuyện khả thi và chúng ta đã có tiền đề để làm việc này.

Điểm mấu chốt quyết định sự thành công của kỳ thi chính là đề thi để phân loại TS. Các chuyên gia khảo thí của Bộ GD-ĐT nhiều lần nhấn mạnh rằng, đề thi đã có sự điều chỉnh trong những năm vừa qua. Kỳ thi gần đây nhất có điều chỉnh quan trọng với phần câu hỏi đánh giá kiến thức cơ bản và đã làm được điều rất khó: Vừa đánh giá được kiến thức cơ bản vừa có tính phân hóa tốt. Điều đó thể hiện ở phổ điểm với kết quả có thể dùng để tuyển sinh cho nhiều trường. Với đề thi này, Trường ĐH Y Hà Nội năm 2014 đã giảm điểm chuẩn ngành cao nhất so với năm trước đó, còn 27 điểm. Các trường có mức điểm chuẩn trung bình cũng dễ tuyển sinh hơn rất nhiều.

Giảm thí sinh ảo

Điều mà các trường ĐH lo ngại nhất hiện nay là những vấn đề nảy sinh từ quá trình xét tuyển sau khi có kết quả thi, nhất là nạn TS ảo. Về bản chất nó cũng phức tạp như việc xét tuyển nguyện vọng bổ sung những năm qua. Nhìn nhận rõ vấn đề này, với mong muốn có thể cân đối giữa quyền lợi của TS với việc giảm TS ảo cho các trường, Bộ GD-ĐT đã đưa ra giải pháp dựa vào công nghệ thông tin. Theo đó, Bộ sẽ sử dụng phần mềm xét tuyển để có thể xử lý các dữ liệu. Với những thông tin - gồm: Nguyện vọng của TS (được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên), điểm thi, chỉ tiêu xét tuyển của các trường, các ngành - phần mềm này sẽ "chọn" ra cho TS kết quả tốt nhất. Còn các trường cũng sẽ nhanh chóng có danh sách TS trúng tuyển cho các ngành. Việc xét tuyển này sẽ được thực hiện trên cơ sở kết quả xử lý dữ liệu chung trên toàn quốc chứ không phải của từng trường nên có thể giải quyết được tình trạng TS ảo. Các chuyên gia tuyển sinh của Bộ nhận định, với phần mềm xét tuyển nói trên, 80% chỉ tiêu tuyển sinh có thể được ổn định ngay từ vòng đầu.

Có nhiều người tỏ ý bất ngờ khi cuối cùng Bộ GD-ĐT vẫn giữ lại các tổ hợp môn thi tương ứng khối thi cũ và cho rằng, liệu các trường ĐH, CĐ có bị mất quyền tự chủ khi không được tự chọn môn thi cho mình. Tuy nhiên, chính các trường ĐH, CĐ lại không có nhiều ý kiến về vấn đề này. Điều này không khó hiểu, bởi việc thay đổi môn thi là điều khá mạo hiểm với nhiều trường. Họ có thể bị mất đi các TS vẫn ôn luyện theo khối thi suốt 3 năm THPT.

Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Trần Văn Nghĩa cho biết, mặc dù các trường chọn sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia để tuyển sinh không phải làm đề án riêng, song các trường này vẫn phải báo cáo lên Bộ GD-ĐT về việc họ sẽ dùng môn thi gì, cách gì để tuyển sinh. Còn những trường có đề án riêng sẽ gửi lên Bộ để kiểm tra đã làm đúng quy định hay chưa (trước ngày 30-9), sau đó được đưa lên mạng để lấy ý kiến của xã hội. Sau tất cả các bước trên, đề án mới được công bố chính thức. Trước ngày 1-1-2015, TS sẽ có thông tin đầy đủ về kế hoạch tuyển sinh của các trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều khúc mắc đã có lời giải

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.