Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Lờ” cụm thi địa phương, thêm điều kiện dự tuyển

Quỳnh Phạm| 17/10/2014 05:58

(HNM) - Sau khi đến hạn



Ghi nhận ban đầu cho thấy, đa số trường ĐH không mặn mà tuyển sinh từ các cụm thi địa phương, không có sự thay đổi đột biến về khối thi, môn thi... Tuy nhiên, nhiều người lo ngại, không rõ liệu những kế hoạch tuyển sinh cùng thông tin đã công bố có tiếp tục thay đổi hay không.

Những kế hoạch tuyển sinh liệu có tiếp tục thay đổi là băn khoăn của nhiều học sinh hiện nay. Ảnh: Viết Thành


Độc đáo khối thi

Các trường tại khu vực Hà Nội, trong đó có nhiều trường thuộc nhóm trên, đã đưa ra các đề án tuyển sinh. Thông tin ban đầu cho thấy, các trường khối ngành kinh tế khá phong phú về tổ hợp môn thi xét tuyển. Trường ĐH Kinh tế quốc dân, ngoài việc giữ các khối thi truyền thống là A, A1, D1 còn mở rộng thêm một số tổ hợp môn thi cho thí sinh có thêm lựa chọn. Cụ thể, trong các tổ hợp mới này, môn toán sẽ là môn bắt buộc và thí sinh có thể chọn thêm 2 trong 4 môn ngữ văn, vật lý, sinh học, hóa học. Đặc biệt, năm 2015, Trường ĐH Kinh tế quốc dân sẽ xét tuyển thêm khối B (toán, hóa học, sinh học) vào gần như tất cả các ngành.

Học viện Ngân hàng cho biết sẽ đưa ra 4 tổ hợp môn để tạo thuận lợi cho thí sinh và phù hợp với quy định của Bộ GD-ĐT. Đó là các nhóm môn toán - lý - tiếng Anh (khối A1); toán - tiếng Anh - ngữ văn (khối D1); toán - hóa - tiếng Anh; toán - lý - hóa (khối A). Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Hà Nội có một số nhóm môn xét tuyển khá "độc": toán - văn - hóa (ngành kế toán), toán - văn - địa (ngành quản trị kinh doanh).

Thuộc nhóm trường kỹ thuật, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm tới sẽ tạo thêm cơ hội trúng tuyển cho thí sinh giỏi khối B. Ngành kỹ thuật hóa học, ngoài thi khối A như năm ngoái, sẽ có thêm khối thi A3 (toán, hóa, tiếng Anh). Ngành công nghệ thực phẩm không chỉ thi theo khối A (toán, lý, hóa), sẽ có thêm khối B (toán, hóa, sinh).

Trong khi đó, lãnh đạo một số trường có xu hướng chọn cách xét tuyển đơn giản hơn, với ít môn thi. Cũng thuộc khối ngành kinh tế song Trường ĐH Thương mại quyết định chỉ đưa ra 2 tổ hợp môn để tuyển sinh ĐH: toán - lý - tiếng Anh cho các ngành kinh tế, kế toán, thương mại điện tử, quản trị nhân lực, hệ thống thông tin quản lý; nhóm toán - văn - tiếng Anh cho các ngành khác. Trong số tất cả các ngành, chỉ có ngành ngôn ngữ Anh có môn chính nhân hệ số. Phó Hiệu trưởng Bùi Xuân Nhàn cho rằng, như vậy thì thí sinh chỉ cần học tốt 4 môn toán, văn, ngoại ngữ, lý là có thể yên tâm xét tuyển.

Bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội cho biết, năm 2015 trường vẫn giữ nguyên khung các khối thi như những năm trước. Cụ thể, các khối thi sẽ vẫn là A, A1, D. Đối với các ngành ngôn ngữ thì môn ngoại ngữ vẫn nhân hệ số 2. Trường ĐH Giao thông vận tải cho biết sẽ có thêm khối thi A1 (toán, lý và ngoại ngữ tiếng Anh) vào hầu hết các ngành của trường. Thí sinh thi vào một ngành có thể lựa chọn thi theo khối A hoặc khối A1. Như vậy, thí sinh chỉ có tối đa 4 môn thi xét tuyển cho cả 2 khối.

Vừa qua, có trường y - dược nêu ý kiến muốn xét tuyển thêm môn văn, tuy nhiên, theo Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội Nguyễn Văn Hinh, hiện có nhiều ý kiến phản biện đề xuất này, bởi môn văn, dù cần thiết nhưng nếu muốn đưa vào tuyển sinh ngành y thì cần phải nghiên cứu kỹ, và cần khoảng thời gian ít nhất là 3-5 năm để thí sinh có thời gian chuẩn bị. Phương án tuyển sinh năm 2015 của Trường ĐH Y Hà Nội và các trường ĐH y trên cả nước là vẫn xét 3 môn thuộc khối B (toán - hóa - sinh) như truyền thống.

Thêm điều kiện dự tuyển

Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết, mặc dù hầu hết các đề án mà Bộ nhận được đều có điểm chung là sử dụng cả hai phương thức tuyển sinh là kỳ thi quốc gia và xét tuyển qua học bạ THPT, song, giữa các trường có quy định tỷ lệ sử dụng 2 phương thức khác nhau. Có trường xác định tuyển 70% từ kỳ thi quốc gia, 30% xét tuyển học bạ, có trường chọn ngược lại, 30/70, hoặc 50/50. Các trường buộc phải công bố tỷ lệ này trong đề án tuyển sinh. Ngoài ra, đối với trường hợp xét học bạ, trường cũng phải đưa ra ngưỡng tối thiểu để tuyển sinh, thí sinh thi ĐH phải đạt điểm tổng kết trong học bạ trên 6,0, và trên 5,5 đối với CĐ. Một số trường, nhất là trường những năm trước có điểm chuẩn cao, cho biết có thể có thêm hình thức sơ tuyển hoặc đặt ra điều kiện để thí sinh được nộp hồ sơ dự tuyển.

Trường ĐH Y Hà Nội cho biết có thể tổ chức sơ tuyển, chỉ trừ đối tượng tuyển thẳng. Tiêu chí sơ tuyển dựa vào tổng điểm trung bình của 3 môn ở 5 học kỳ THPT (6 học kỳ đối với thí sinh đã tốt nghiệp các năm trước). Để qua vòng sơ tuyển, thí sinh phải có điểm trung bình mỗi môn trên 7 đối với hệ bác sĩ, và trên 6 điểm đối với hệ cử nhân. Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội cũng yêu cầu thí sinh có điểm trung bình chung học tập của mỗi năm học phải đạt từ 6,5 và hạnh kiểm đạt loại khá trở lên. Đó cũng là yêu cầu đối với các thí sinh đã tốt nghiệp vào các năm trước đó.

Bên cạnh đó, hầu như các trường nói trên đều khẳng định sẽ không tuyển thí sinh của các cụm thi địa phương do các sở GD-ĐT tổ chức. Thậm chí, có trường không tuyển sinh theo phương thức xét học bạ. Ông Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ và Bưu chính viễn thông, phụ trách thông tin của nhà trường nêu quan điểm: Học viện không tuyển theo hình thức xét học bạ vì chưa thật sự tin tưởng vào kết quả này. Còn với các cụm thi địa phương, thí sinh thi tại đó là vì mục đích khác nên nhà trường không tuyển đối tượng này.

Mặc dù các trường phải công bố các môn thi xét tuyển vào ngày 15-10, song đề án tuyển sinh cụ thể được Bộ GD-ĐT gia hạn thêm - tới ngày 20-11 phải được đưa lên trang web của trường. Sau đó, trước ngày 1-1-2015, tất cả các trường sẽ công bố cụ thể đề án tuyển sinh. Ông Trần Văn Nghĩa cho biết, nhiều trường vẫn đang trong quá trình hoàn thiện đề án tuyển sinh, chỉnh sửa các sai sót về mặt kỹ thuật. Còn lãnh đạo một số trường thì cho rằng, sự lúng túng khi xây dựng đề án tuyển sinh là điều dễ hiểu, bởi lẽ ra nó phải dựa trên những quy định "cứng" của Quy chế tuyển sinh, song, tới thời điểm này Bộ vẫn đang "nợ" Quy chế. Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết đang gấp rút xây dựng Quy chế của kỳ thi quốc gia để ban hành, chậm nhất là vào tháng 1-2015.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Lờ” cụm thi địa phương, thêm điều kiện dự tuyển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.