Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề án tuyển sinh các trường ĐH-CĐ: Giảm thiểu xáo trộn

Quỳnh Phạm| 23/10/2014 06:42

(HNM) - Với hơn 300 đề án tuyển sinh đã được gửi về Bộ GD-ĐT, bức tranh tuyển sinh năm 2015 đã nổi lên những nét chính. Theo đó, thí sinh (TS) có được cái nhìn tổng thể về phương thức tuyển sinh của các trường để yên tâm học tập.


Ba xu hướng tuyển sinh

Thời điểm này, Bộ GD-ĐT cho biết đã nhận được hơn 300 đề án tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ, trong đó khoảng 190 trường chỉ sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển, những trường khác có đề án tuyển sinh theo hai phương thức: Tuyển một phần chỉ tiêu bằng kết quả kỳ thi chung, còn lại xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT. Thống kê cho thấy, tất cả các trường tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia đều sử dụng kết quả của TS dự thi ở các cụm thi do trường ĐH chủ trì. Có thể nhận ra 3 xu hướng khá rõ. Nhóm có điểm chuẩn cao ít thay đổi tổ hợp các môn xét tuyển so với kỳ thi "ba chung". Những trường thuộc nhóm giữa thường xây dựng thêm nhiều tổ hợp các môn xét tuyển. Với các trường, các ngành còn khó khăn trong tuyển sinh có xu hướng kết hợp giữa sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển dựa trên học bạ phổ thông của TS. Theo quy định, các trường này đều có quy định ngưỡng chất lượng đầu vào với mức điểm trung bình chung 3 năm THPT là 6 trở lên với bậc ĐH và 5,5 trở lên đối với bậc CĐ. Ghi nhận từ các đề án cho thấy, những ngành thuộc khối ngoại ngữ, công tác xã hội... có nhiều tổ hợp môn xét tuyển mới, như: Văn - sử - ngoại ngữ; Văn - địa - ngoại ngữ; Toán - sử - ngoại ngữ; Toán - văn - sử...

Ảnh: Hải Hà



Nhận xét về những trường có phương án tuyển sinh riêng có nhiều điểm khác biệt, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đề cập đến ĐH Quốc gia Hà Nội với phương án mang tính đột phá. Theo đó, từ năm 2015 trở đi, trường sử dụng bài thi tích hợp để đánh giá năng lực của TS và tổ chức 2 đợt thi. Đợt thi thứ nhất vào tháng 5 hằng năm, diễn ra trước kỳ thi chung do Bộ GD- ĐT tổ chức. Đợt thi thứ hai diễn ra vào tháng 7. ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh bên cạnh việc sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia để xét tuyển còn dành một tỷ lệ nhỏ chỉ tiêu để xét tuyển thẳng học sinh xuất sắc của một số trường THPT hàng đầu. Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh cũng dự kiến bổ sung bài kiểm tra năng lực, khả năng tư duy, kiến thức chính trị, xã hội để lựa chọn TS phù hợp với yêu cầu đào tạo của ngành.

Không nên quá 4 tổ hợp môn thi/ngành

Mặc dù Bộ GD-ĐT cho biết sẽ không phê duyệt đề án của các trường mà chỉ xem xét đề án có được xây dựng theo đúng quy định hay không. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT vẫn đề nghị các trường duy trì các khối xét tuyển như những năm gần đây để không gây lo lắng và xáo trộn cho TS. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, phần lớn các trường vẫn xây dựng tổ hợp môn theo tinh thần này, song vẫn có một số trường xây dựng quá nhiều tổ hợp môn, cá biệt có trường đưa ra 12 tổ hợp môn cho một ngành đào tạo. Điều này, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga là không có lợi đối với TS và gây phức tạp cho công tác tuyển sinh của các nhà trường. Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục đã và sẽ trao đổi, hướng dẫn các trường điều chỉnh lại phương án tuyển sinh cho hợp lý hơn với tinh thần chung là ở mỗi ngành đào tạo chỉ nên xét tuyển không quá 4 tổ hợp môn thi. Các trường như ĐH Tây Đô, ĐH Nam Cần Thơ có một số ngành đào tạo xét tuyển 12 tổ hợp môn thi. Sau khi Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục trao đổi, phân tích đã điều chỉnh lại đề án với tối đa là 4 tổ hợp môn cho một ngành đào tạo. Có những trường ban đầu đề xuất tổ chức thi riêng theo khối ngành cũng đã đồng thuận tuyển sinh với việc sử dụng kết quả kỳ thi chung sau khi tham khảo ý kiến của Bộ GD-ĐT.

Cùng với việc bảo đảm sẽ giảm tối đa xáo trộn cho các TS về các môn thi, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng đã khẳng định cách ra đề thi, cách thi sẽ không có những thay đổi đột biến so với năm 2014. Đề thi sẽ không kiểm tra nhớ máy móc hay yêu cầu thuộc lòng mới làm được bài, ví dụ những bài thi môn sử, địa trong năm qua đã gắn với các vấn đề thời sự, gắn với những vấn đề của cuộc sống hơn... Cách thi như vậy không bắt các em học thuộc quá nhiều mà đòi hỏi học sinh phải có năng lực phân tích, có sự rung động về nhận thức, từ đó biến thành tình cảm, tư tưởng... Bộ trưởng khẳng định: Chính vì thế, học sinh không phải học thêm nhiều kiến thức. Bằng kiến thức trong chương trình của lớp 12, kiến thức trong chương trình phổ thông, học sinh sẽ thi tốt kỳ thi THPT quốc gia tới đây.

Về phía TS, cùng với các môn thi, cách thi, những thông tin được trông đợi nhất hiện nay là các thay đổi về thủ tục đăng ký thi, số nguyện vọng xét tuyển, số đợt xét tuyển và ngưỡng chất lượng đầu vào… Bộ GD-ĐT cho biết, những vấn đề kỹ thuật nói trên đang được Bộ gấp rút xây dựng thành Quy chế tuyển sinh. Chậm nhất tháng 1-2015, quy chế sẽ được ban hành với các quy định cụ thể, rõ ràng và giải quyết được các băn khoăn của TS và các trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề án tuyển sinh các trường ĐH-CĐ: Giảm thiểu xáo trộn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.